Nhà thơ Dương Kỳ Anh:

Chưa bao giờ hết yêu cái đẹp!

ANTĐ - Lâu ngày  không gặp  bỗng nhận  được cuộc điện thoại của nhà thơ Dương Kỳ Anh (tên thật là Dương Xuân Nam), ông hào hứng thông báo: “Tập 3 cuốn sách về Hoa hậu đã ra rồi nhé”. Từng nghe ông thổ lộ sẽ viết tiếp sách về chủ đề này, cứ ngỡ nói cho vui, ai ngờ ông  viết thật. 

40 năm cần mẫn tìm… thơ

Gặp ông ở ngôi nhà riêng nằm trong khu Hoàng Cầu giữa lúc đang tất bật chuẩn bị cho cô con gái út lên xe hoa vào cuối tuần này, ông vồn vã chạy vào mang ra hai cuốn sách. Thì ra cùng thời điểm tập 3 cuốn sách “Hoa hậu Việt Nam – những điều chưa biết” được ấn hành rộng rãi, ông còn cho “ra lò” một cuốn sách khác có tựa đề “Những câu thơ hay Đông Tây Kim Cổ”. Điều thú vị là cuốn sách này ông không viết mà cất công sưu tầm và biên soạn suốt gần 40 năm. Ông bảo ý định tuyển chọn những câu thơ hay để làm thành một cuốn sách đã có trong suy nghĩ của ông ngay sau Ngày giải phóng miền Nam, khi ông tình cờ đọc được bài viết của thi sĩ Bùi Giáng về thơ Huy Cận. Sau này khi công nghệ phát triển, thơ phú hay dở lẫn lộn tràn lan trên mạng Internet, ông lại càng muốn làm việc đó như một cách để chỉ ra cho mọi người biết những vần thơ hay.

Vậy là nhiều năm qua, ông âm thầm đọc hàng nghìn, hàng vạn bài thơ trên đủ các loại ấn phẩm từ sách báo đến mạng Internet, hễ thấy câu nào hay là lập tức chép vào sổ tay. Cuốn sổ này của ông dày dễ đến cả nghìn trang, trong đó có những câu thơ mà ông “nhặt” ra được trong nhiều lần ngồi tán gẫu với bạn bè, cũng có cả những câu thơ ông vô tình đọc được ở đâu đó, thấy hay nên dò dẫm đi tìm xem tác giả là ai. Nhớ lại ông kể dễ phải đến 6, 7 năm đổ lại đây, ông cứ chúi đầu vào tra cứu, hỏi han, tìm kiếm như thế, cũng mất thời gian lắm. Thế nên trong tập sách này, tác giả của những câu thơ mà ông trích đăng có đủ cả, từ những nhà thơ nổi tiếng thế giới, những cây bút đình đám trong nước đến cả những người mới làm thơ chưa ai biết đến, chẳng phải hội viên hội nào, cũng chẳng có danh vị, chức tước hay giải thưởng gì, thậm chí có cả thơ của Đức Phật và Đức Chúa Trời. Sau khi đã chọn ra được khoảng gần 1.000 câu thơ để đưa vào in thành sách, ông vẫn cần mẫn tìm tiếp và tiếc nuối khi phát hiện ra nhiều câu thơ hay nữa nhưng đành chịu vì sách đã in rồi. 

Làm thơ dễ hơn chấm Hoa hậu?

Bảo ông có bộ nhớ “khủng” cũng đúng. Bởi lẽ ở cái tuổi mà người ta bắt đầu tự cho phép mình quên đi nhiều thứ, kể cả tuổi già thì ông lại miệt mài đọc đến thuộc lòng không biết bao nhiêu vần thơ. Ông bộc bạch hồn nhiên: “Chỉ vì tôi yêu mà”, rằng người ta có thể quên đi nhiều thứ, ngoại trừ những điều làm mình yêu tha thiết. Thế nên đến giờ ông vẫn giữ thói quen một ngày ngồi vào bàn đủ  6 tiếng đồng hồ chỉ để đọc thơ  và viết lách. Ông bảo thói quen này cũng giống như việc tập thể dục vậy, chỉ khác là tập thể dục trí não, mà lạ cái hôm nào không “tập” là ông thấy tay chân bứt rứt lắm. 

Có người hỏi ông thích được gọi là nhà thơ hay “cha đẻ” của cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam, ông cười đáp cả hai, bởi nếu không làm nhà thơ thì ắt hẳn ông sẽ không nghĩ ra việc tổ chức thi Hoa hậu. Rồi bằng kiểu logic của một người yêu thơ, ông tìm ra rất nhiều điểm tương đồng giữa thơ và… người đẹp. Chỉ có điều làm thơ với ông hình như dễ hơn chấm thi Hoa hậu bởi không phải cân não để phân định ngôi vị rạch ròi. Cũng bởi chưa bao giờ ngừng yêu cái đẹp nên việc ông viết tiếp sách về cái đẹp là lẽ đương nhiên. Tập 3 cuốn sách “Hoa hậu Việt Nam – Những điều chưa biết” ra đời cũng vì lẽ đó. Ông bảo nếu chỉ viết để khơi gợi sự tò mò của người đọc thì ông đã không làm. Điều thôi thúc ông cầm bút viết về những người đẹp, trước nhất là vì họ đẹp và đáng được mọi người trân trọng, thứ nữa là vì những câu chuyện ồn ào về họ còn là bài học về cái đẹp, sự cao thượng và nhân văn của con người. Vậy là từ vụ mất cắp bí ẩn giải thưởng của Hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam đến cuộc sống của Hoa hậu Mai Phương sau vụ “mất tích”, rồi Hoa hậu Ngọc Khánh vượt qua vận hạn thế nào, Hoa hậu Thu Thủy suýt buông tay chấp nhận sa ngã ra sao… đều được ông cẩn trọng ghi lại trong từng trang sách.

Điều làm ông vui mừng là cho đến giờ, không ít người trong số những Hoa hậu này vẫn hỏi han và đến thăm gia đình ông mỗi khi có dịp. Còn với ông, một người yêu thơ và chưa bao giờ hết yêu cái đẹp, ông bảo ông sẽ vẫn làm thơ và viết tiếp sách về người đẹp.