Tử vong tăng bất thường do sởi:

Chủ yếu vì lây chéo, bội nhiễm

ANTĐ - Diễn biến dịch sởi đã rất “nóng” từ nhiều tuần trở lại đây nhưng phải đến chiều 18-4, Bộ Y tế mới lần đầu tiên tổ chức cuộc họp báo chính thức để cung cấp thông tin về dịch bệnh này. Rất nhiều vấn đề còn chưa rõ trong thời gian qua như việc công bố dịch, số tử vong cao bất thường... đã phần nào được giải đáp tại cuộc họp nói trên.
Chủ yếu vì lây chéo, bội nhiễm ảnh 1
Đưa trẻ đi tiêm phòng vẫn là cách phòng bệnh sởi tốt nhất hiện nay


Cập nhật phác đồ mới

Theo cập nhật của Bộ Y tế, đến ngày 18-4, cả nước đã có 112 trường hợp tử vong liên quan đến sởi, trong đó 25 ca được xác định tử vong do sởi. Bộ Y tế thừa nhận, dù số mắc sởi năm nay vẫn thấp hơn vụ dịch sởi 2009-2010 nhưng số tử vong lại tăng cao bất thường. Chẳng hạn ở vụ dịch 2009-2010 chỉ có 4 ca tử vong do sởi được công bố nhưng riêng từ đầu năm đến nay ít nhất 25 ca được xác định tử vong do sởi. Thực tế số tử vong còn có thể cao hơn nữa sau khi Bộ Y tế phân tích rõ từng ca tử vong trong số 116 ca tử vong liên quan đến sởi.

Số liệu trên khiến dư luận hoài nghi, phải chăng phác đồ điều trị sởi được Bộ Y tế ban hành năm 2009 không còn tác dụng, hiệu quả điều trị sởi yếu kém, đặc biệt khi hầu hết ca tử vong là ở Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện tuyến cao nhất của cả nước. Giải đáp vấn đề này, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nguyên nhân số tử vong do sởi cao chủ yếu là vì lây nhiễm chéo và bội nhiễm. Chính sự quá tải trầm trọng ở Bệnh viện Nhi Trung ương khiến việc điều trị khó hiệu quả, bệnh nhân bị bội nhiễm nhiều loại bệnh cùng lúc dẫn đến tình trạng rất nặng, tình trạng kháng thuốc kháng sinh xảy ra... làm tăng nguy cơ tử vong.

TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương bổ sung thêm, phác đồ điều trị sởi từ năm 2009 đến nay vẫn hiệu quả, tuy nhiên do dịch sởi năm nay có diễn biến mới nên Bộ Y tế phải cập nhật thêm phác đồ mới. Nguyên nhân tử vong sởi cao, qua phân tích 25 ca tử vong, một số phụ huynh đã sai lầm trong chăm sóc trẻ bệnh. Theo ông Kính, với bệnh sởi, 90% tự khỏi, 10% có biến chứng và chỉ 0,18% tử vong.

Đang có dịch sởi…

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khi trả lời các câu hỏi về việc tại sao không công bố dịch và liệu Bộ Y tế có giấu dịch hay không? Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói: “Tôi khẳng định đã và đang có dịch sởi. Trong các văn bản chỉ đạo, các công điện của Bộ Y tế về bệnh này từ cuối năm ngoái đến nay đều ghi là dịch. Bộ Y tế không công bố dịch không có nghĩa là không có dịch”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện Bộ Y tế đã thực hiện việc thông báo dịch, còn lý do tại sao chưa công bố dịch cấp quốc gia đơn giản là vì diễn biến dịch sởi hiện nay chưa đủ điều kiện để công bố dịch theo quy định. “Công bố dịch là cảnh báo dịch ở mức độ cao hơn khi dịch đã vượt quá tầm kiểm soát, tác nhân gây bệnh có biến đổi độc lực cao gây nhiễm cho cộng đồng, hoặc cần thiết phải áp dụng các biện pháp hành chính cao hơn như: đóng cửa trường học, hạn chế họp chợ, giao thông, cưỡng chế cách ly. Chỉ khi có các yếu tố đó mới cân nhắc việc công bố dịch” – Thứ trưởng Bộ Y tế phân tích.

Nhiều địa phương vẫn xem nhẹ

Trước tình trạng số ca mắc, tử vong do sởi năm nay tăng bất thường, dư luận đặt nghi vấn phải chăng Bộ Y tế đã không tiên lượng trước được đầy đủ, đúng mức diễn biến dịch ở vụ dịch này và các biện pháp phòng chống dịch triển khai còn chậm, hiệu quả không cao. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Bộ Y tế đã triển khai sớm, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch sởi ngay từ khi có 3 tỉnh đầu tiên ở miền núi phía Bắc ghi nhận bệnh nhân. Đến khi có tỉnh thứ 4 xuất hiện bệnh nhân sởi, Bộ Y tế đã mạnh dạn chỉ đạo cả 63 tỉnh/ thành phố trên cả nước lên kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vét vaccine phòng sởi.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận có chuyện “nóng về mặt chỉ đạo, lạnh về thực hiện” trong công tác chống dịch sởi thời gian qua. Có nghĩa là việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch sởi về các tuyến cơ sở, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm, tiến hành chưa quyết liệt. Điều này được thể hiện ngay qua số liệu nhiều địa phương đến thời điểm này tỷ lệ tiêm vét vaccine sởi vẫn chưa đạt 50%. “Để khắc phục, ngay từ ngày mai (19-4), Bộ Y tế sẽ công khai tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi của từng địa phương, công khai các địa phương triển khai chưa tốt công tác phòng chống dịch sởi” - GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết. 

Xem lại toàn bộ 112 ca tử vong

Trước đó vào buổi sáng cùng ngày, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho rằng, con số 112 trẻ tử vong do sởi và liên quan đến sởi là bất thường. Việc công bố dịch là cần thiết bởi nếu các thông tin về số ca tử vong được công số sớm sẽ huy động được cộng đồng vào cuộc, hạn chế số tử vong.

GS Nguyễn Trần Hiển cho biết, trước thực trạng dịch sởi bất thường như hiện nay việc nghiên cứu là cấp bách để lý giải vì sao số trẻ tử vong lại cao, các ca bệnh lại nặng và tâp trung nhiều ở lứa tuổi dưới 9 tháng... Được biết các nhà khoa học sẽ hồi cứu lại hồ sơ bệnh án của 112 ca bệnh đã tử vong và các bệnh án của bệnh nhân từ nhẹ đến nặng để tìm sự khác biệt với các dịch sởi trước đây.