Chủ yếu do cầu yếu

ANTĐ - Gần như theo thông lệ, trong 13 năm qua, chỉ số giá tiêu dùng của tháng 3 đều giảm, tháng 3 năm nay cũng không nằm ngoài thông lệ đó. Chỉ số CPI của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đều giảm, như vậy CPI của cả nước trong tháng 3 nhiều khả năng sẽ âm. Mặc dù tháng 3 giảm theo thông lệ nhưng do hai tháng trước CPI tăng thấp nên tính chung 3 tháng đầu năm nay CPI thuộc loại thấp nhất trong hàng chục năm qua. Nguyên nhân do tác động của nhiều yếu tố đáng quan tâm và trở thành một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay.

Đợt tăng giá xăng dầu gần cuối tháng 2 với mức tăng nhẹ 200-300 đồng/lít có tác động không lớn đến chỉ số giá cả. Đợt tăng giá xăng dầu nửa cuối tháng 3 lại không thuộc chu kỳ tính chỉ số CPI. Tại Hà Nội, CPI tháng 3 là âm 0,15% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng 5,99% so với cùng kỳ năm trước. Hai nhóm hàng giảm mạnh nhất là nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,21%, thực phẩm giảm 0,58%.

Theo phân tích của một số chuyên gia thị trường giá cả, những yếu tố tác động đến CPI đáng quan tâm cả về cung và cầu. Tổng cầu tiếp tục yếu cả về đầu tư lẫn tiêu dùng cuối cùng. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP giảm mạnh trong mấy năm nay và đầu năm thường triển khai thực hiện chậm so với kế hoạch cả năm. Trong hai tháng đầu năm nay, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước mới thực hiện được 11,6% kế hoạch năm. Một số bộ, ngành, địa phương tỷ lệ thực hiện còn thấp hơn. Tiêu dùng cuối cùng thể hiện chủ yếu ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Đặc biệt, tích lũy của doanh nghiệp và dân cư giảm, nên tiêu dùng cũng giảm do thu nhập, sức mua thấp, trong đó một bộ phận dân cư liên quan đến trên 13.000 doanh nghiệp bị phá sản, ngừng hoạt động.

Còn một bộ phận tiếp tục “buộc bụng” chi tiêu và tăng gửi tiết kiệm. Trong khi đó, công nghiệp chế biến, ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp, chỉ số tăng tiêu thụ thấp hơn chỉ số tăng sản xuất và chỉ số tồn kho vẫn còn cao tới 12,7%. Có một yếu tố mà ít người đề cập, đó là một lượng tiền lớn đã được “ném” vào thị trường chứng khoán với giá trị giao dịch trong thời gian khá dài lên đến 3.500 tỷ đồng/phiên, có phiên lên tới trên 5.000 tỷ đồng, cao nhất trong ba năm qua. Giá vàng tăng cũng hút vào đây một lượng tiền đáng kể.

Lạm phát thấp, chỉ số CPI cả nước âm, chủ yếu do cầu yếu và khi cầu yếu lại tác động đến sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, trong khi tăng trưởng GDP năm nay theo mục tiêu là cao hơn năm trước. Cùng với xu thế giảm giá các mặt hàng thiết yếu, mục tiêu lạm phát dưới 7% hoàn toàn trong tầm tay, song điều đáng lo ngại là chủ yếu do cầu yếu, tức là “sức khỏe” nền kinh tế “có vấn đề”.