Chữ Y

ANTĐ - Người phương Đông xưa nay, tôn sư trọng đạo, coi là một cái gốc của đạo lý làm người. Người xưa ít khi nặng lời với người thầy. 

Ấy thế mà ngày nay tất cả những người thầy đều “được” lên “thớt” cả. Hiện tượng này không biết dùng cái chữ gì cho thấu. Đất chịu, trời chịu, người cũng chịu chăng?

Biết bao nhiêu câu chuyện đớn đau, người còn chút hoài cổ không muốn nhắc lại về thầy giáo, về thầy thuốc… và về cả thầy cúng nữa.

Cơ sự nào dẫn đến sự băng hoại ở “một bộ phận không nhỏ” những người thầy.

Do “y đức”, “y dục”… hay “y cúng” chăng? Tất cả những thứ y này đã có hàng ngàn bài báo, hàng ngàn cuộc hội thảo, hàng chục năm nay trăn trở dằn vặt để điều chỉnh về chữ “Đức”mà vẫn chỉ là chữ Y.

Thiển nghĩ sửa thì cứ sửa, phê thì cứ phê… Nhưng ngay lúc này đây cần một thanh gươm luật pháp. Mà phải là thanh gươm luật pháp không có ngoại lệ, không có thêm chữ nào, không có bớt chữ nào. Đó là thanh gươm pháp quyền thì trật tự mới được thiết lập. Lúc ấy thì dân mới là dân. Quan mới là quan. Thầy mới là thầy. Trò mới là trò…v.v. và .v.v...

Cái pháp quyền không có ngoại lệ ấy, đừng có bảo là độc tài, đừng có bảo là phong kiến, đừng có bảo là tư sản, dân chủ xã hội hay xã hội dân chủ… Hai cái từ pháp quyền ấy được xây cất từ bao nỗi oan trái, bất công và cả sinh mạng… từ lúc con người ta hình thành Nhà nước. Nó là sản phẩm của văn minh đạo lý của nhân loại. 

Pháp quyền, pháp quyền và pháp quyền nguyên nghĩa, không vẩn đục, hình như sẽ đem đến sự bình an cho xã hội… và sự bình yên cho tất cả những người thầy để mãi mãi lung linh chữ thầy trong tâm thức từ tấm bé của con người ta.