Chú ý cách làm bài thi để đạt điểm cao nhất

ANTĐ - Đề thi mỗi môn có những đặc điểm riêng cần lưu ý, đòi hỏi thí sinh đưa ra cách xử lý phù hợp nhằm đạt hiệu quả giành điểm cao nhất. Trước ngày thi, các thầy cô giáo nhiệt tình chốt lại những kinh  nghiệm quý giúp thí sinh làm bài thi tốt hơn.

* 2.500 chỗ ở miễn phí cho thí sinh tại khu Pháp Vân - Tứ Hiệp

Chú ý cách làm bài thi để đạt điểm cao nhất ảnh 1Các thí sinh cần chú ý từng chi tiết nhỏ khi làm bài, tránh để mất điểm. Ảnh: PHÚ KHÁNH

Không được đầu hàng bài luận môn tiếng Anh

Ngoại ngữ là một trong ba môn bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Đề thi năm nay cũng có thêm phần viết luận nên có thể khiến nhiều thí sinh lo lắng. Theo cô Hương Fiona, giáo viên tiếng Anh trung tâm Học mãi thì phần thi này chiếm 1/5 số điểm nên thí sinh không được phép bỏ qua.

Cô Hương Fiona, từng tốt nghiệp xuất sắc ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, đã chia sẻ một số bí quyết để giúp các em làm bài tốt môn ngoại ngữ:

- Các em cần rà soát lại một loạt các chuyên đề đã được các thầy cô dạy ở trường. Chuyên đề nào chưa hiểu, còn yếu thì cần được đầu tư thêm thời gian.

- Việc tốt nhất là làm một thời gian biểu hợp lý giữa các môn, để không bị đuối môn nào.

- Với các bài tập liên quan đến phát âm, đánh trọng âm, ngữ âm, thí sinh hãy đọc thành lời các phương án được đưa ra. Khi đó, khả năng cảm thụ âm thanh tốt hơn giúp làm bài chính xác hơn. Với nội dung đánh trọng âm đã được các thầy cô hướng dẫn, việc nắm thật chắc các quy tắc là hết sức quan trọng. 

- Với các bài liên quan đến sửa lỗi sai hay điền một từ, đề thi đòi hỏi thí sinh vận dụng kiến thức liên quan đến ngữ pháp, cụm cố định. Trong đó, các câu liên quan đến ngữ pháp thường dễ ăn điểm nhất, nên cần chú ý làm hết các câu này. Câu liên quan đến cụm từ cố định muốn hoàn thiện tốt thì nên học kỹ những cụm từ hay gặp trong các đề thi.

Đối với bài đọc hiểu, thí sinh có thể khá lo lắng. Tuy nhiên, hãy tìm hiểu ý nghĩa, topic, ý chính toàn bài, ý chính của mỗi đoạn, liên kết ý chính giữa các đoạn, từ đó các em có thể nêu lên được ý chính của toàn bài. Tìm key word của câu hỏi để đối chiếu với bài.

- Luận đòi hỏi thí sinh vận dụng nhuần nhuyễn khả năng viết và kết hợp các loại câu. Đây là phần khá thông dụng với học sinh. Bài luận cũng có thể khiến thí sinh lo lắng vì chiếm 1/5 tổng số điểm. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố để đánh giá bài luận. Mỗi bài luận thường có 3 phần, nên cứ viết đúng các từ liên quan đến chủ đề (topic), cứ làm đúng mẫu câu là thí sinh đã có thể “ăn điểm” rồi. Cho nên, thí sinh không được phép đầu hàng với bài luận.

Làm văn cũng giống như một người đầu bếp giỏi

Thầy Phạm Hữu Cường, một giáo viên dạy văn giàu kinh nghiệm cho biết, giáo viên dạy văn thường hay  dặn dò học sinh rằng trước khi làm bài thi, các em cần chú ý gấp tờ giấy thi theo đúng đường kẻ đã quy định. Phải lưu ý các em chi tiết nhỏ này để phòng khi ở những cụm thi có số lượng bài thi quá lớn, hội đồng thi có thể sẽ dùng máy để rọc phách. Do đó, nếu không gấp bài thi theo đúng quy định, máy rọc sẽ “liếm” vào phần bài làm của thí sinh, kể cả rọc phách bằng tay đôi khi cũng có thể xén mất nội dung, nên thí sinh cẩn thận cũng không thừa, để không bị ảnh hưởng tới kết quả bài thi môn Ngữ văn.

Trình bày cần rành mạch theo từng phần, từng câu. 

Với bài thi Ngữ văn, thí sinh tuyệt đối không được gạch đầu dòng. Mỗi một ý nhỏ, trình bày khoảng 4-5 dòng là một đoạn. Sau đó xuống dòng, thụt đầu dòng để tạo ra khoảng trắng.

Ngoài ra, câu nào dễ làm trước, cho đến hết số câu.

Với phần nghị luận xã hội, nếu thí sinh trình bày lý tưởng thì có 10 đoạn theo dạng thức: mở bài 5-6 dòng, 2 đoạn giải thích, mỗi đoạn 5 dòng; 4 đoạn bình luận, mỗi đoạn 10-20 dòng; 2 đoạn nêu bài học, mỗi đoạn 5 dòng; 1 đoạn kết bài 5 dòng. Như vậy, kết cấu có đủ 10 đoạn như vậy thường là đạt yêu cầu.

Còn phần nghị luận văn học, thí sinh cũng nên làm tương tự, tùy theo từng dạng thức, nhưng cần trình bày rõ ràng.

Ví dụ nếu là thể so sánh văn học, thí sinh có thể trình bày: 1 đoạn mở bài; 2 đoạn vài nét về tác giả, tác phẩm; 6 đoạn cảm nhận từng đối tượng, thông thường mỗi đoạn sẽ nửa điểm; 2 đoạn so sánh chỉ ra sự tương đồng, khác nhau và 1 đoạn kết bài.

Về kỹ thuật làm bài, thí sinh tuyệt đối không dùng hai màu mực, cách tốt nhất là cần chuẩn bị 3, 4 cái bút, viết quen, vừa tay. Thí sinh không được tẩy xóa. Nếu sai thì lấy thước kẻ gạch ngang, đè lên. Thí sinh tuyệt đối không được gạch nhằng nhằng và không được dùng bút xóa trong bài thi, vì bút xóa là một tín hiệu đánh dấu bài và bài dễ bị điểm không.

Bài văn không cần quá dài. Bài văn 8 điểm chỉ trong vòng 3 tờ giấy thi. Không cần nắn nót, quá đẹp. Làm bài văn cũng giống như một đầu bếp, vừa cần nấu ăn ngon, vừa cần trình bày đẹp.