Chủ trương lớn, nền tảng xây dựng lực lượng CAND vững chắc từ cơ sở

ANTD.VN - Sáng nay (4-1), tại hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 74, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội thay mặt CATP đã tham luận về chủ đề: “Quán triệt thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương của Bộ Công an về xây dựng “huyện toàn diện, xã bám cơ sở” trong lực lượng CATP Hà Nội”.

Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội tham luận tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 74

Thiếu tướng Đoàn Duy Khương nêu rõ, CATP Hà Nội nhận thức sâu sắc rằng việc xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng Công an cấp huyện vững mạnh, toàn diện; Công an xã bám sát cơ sở là chủ trương lớn, nền tảng bố trí thế trận an ninh, góp phần quan trọng xây dựng lực lượng CAND vững chắc từ cơ sở, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân được tốt hơn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Gắn kết chặt chẽ giữa Công an cấp huyện với các phòng nghiệp vụ

Từ sự chủ động về nhận thức, Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP đã sớm ban hành 1 Nghị quyết, 3 Đề án và nhiều văn bản chỉ đạo triển khai nội dung này. Khi thực hiện Đề án 106 của Bộ, CATP đã triển khai với quyết tâm chính trị cao, đồng bộ và toàn diện hơn về kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả với các biện pháp, giải pháp cụ thể. Theo đó:

CATP đã bám sát sự chỉ đạo của của Bộ và của Thành ủy, UBND Thành phố về quy hoạch phát triển lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn Thủ đô đến năm 2030; chủ động nghiên cứu, báo cáo đề xuất và được lãnh đạo Bộ đồng ý cho bổ sung chức năng, nhiệm vụ PCCC và cứu hộ, cứu nạn cho Công an cấp huyện và thành lập Đội Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn trực thuộc.

Lực lượng giữ gìn an ninh ở cơ sở tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) luôn chủ động công tác trao đổi, nắm tình hình với người dân 

Đồng thời, điều tiết, bố trí tăng cường mỗi quận, huyện 2 đồng chí chỉ huy và 40 - 50 CBCS đảm bảo yêu cầu chỉ huy, chỉ đạo, sẵn sàng chiến đấu 24/24h; hoàn thiện quy chế, quy trình công tác, phân công, phân cấp, phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng; xây dựng các bài tập xử lý tình huống, lịch tập luyện để "rèn cán, luyện quân", nâng cao tính chuyên nghiệp. Qua đó, đã nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá mô hình "Tổ công tác” của CATP về phòng, chống biểu tình trái pháp luật và quán triệt chủ trương “huyện toàn diện”, CATP đã nhân rộng mô hình này tới Công an các quận, huyện, thị xã. Mỗi “Tổ công tác” có 3 “trụ cột” (gồm: bộ phận nắm tình hình; bộ phận cơ động chiến đấu và bộ phận điều tra, xác minh, giải quyết vụ việc) đảm bảo tính liên hoàn, kịp thời hỗ trợ, cơ động chi viện khi có yêu cầu.

Để vận hành thuần thục, nâng cao tính chuyên nghiệp, CATP đã tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức, các đợt tập huấn kỹ năng xử lý, giải quyết tình huống cho trên 1.500 CBCS tham gia. Thời gian tới, CATP sẽ thường xuyên tổ chức tập huấn, bỗi dưỡng để bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cho lực lượng này.

Cùng với việc duy trì, phát huy ưu điểm của mô hình Tổ công tác 141, CATP đã bổ sung 15 Tổ công tác tại 12 quận, 3 huyện, trong đó lấy lực lượng ở Công an cấp huyện làm nòng cốt. Việc bố trí đan xen cán bộ Công an cấp huyện với các đơn vị nghiệp vụ đã tạo sự gắn kết chặt chẽ, nắm chắc địa bàn, đối tượng và tạo thế trận liên hoàn, góp phần phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm có hiệu quả từ cơ sở, nhất là tại các địa bàn công cộng, khu vực giáp ranh, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ủng hộ, đánh giá cao.

Trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, CATP đang nghiên cứu, tổ chức hội thảo phân công, phân cấp theo hướng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông gắn với đảm bảo trật tự đô thị cho Công an cấp quận, huyện, thị xã nhằm khắc phục sự chồng chéo, trùng dẫm về chức năng, nhiệm vụ; cấp Phòng tập trung thực hiện chức năng tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, phân luồng, chỉ huy, điều tiết giao thông, dẫn đoàn…

Để tăng cường năng lực lãnh đạo của Công an cấp huyện, CATP đã điều tiết phân bổ số chỉ huy cấp phó đang dôi dư ở cấp Phòng tăng cường cho cấp huyện đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi theo chỉ đạo của Bộ để đào tạo, bồi dưỡng, đến năm 2021 sẽ tiết giảm về cơ cấu theo quy định của Bộ. Cùng với đó, CATP đã rà soát, bố trí sắp xếp cơ sở vật chất, kính phí, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ trên cơ sở hiện có để tính toán ưu tiên cho Công an cấp huyện; đồng thời, chủ động trao đổi đề nghị cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để CBCS hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Xây dựng lực lượng Công an xã là “hạt nhân” trong phong trào “Dân vận khéo” ở cơ sở

Về chủ trương, yêu cầu xây dựng lực lượng Công an xã “bám cơ sở”, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương cho biết, CATP xác định phải bố trí đáp ứng yêu cầu về quân số (ít nhất mỗi xã 7 đồng chí Công an chính quy), trong đó chú trọng chất lượng quán xuyến địa bàn, được trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ cần thiết để đáp ứng yêu cầu “bám dân”, “nắm đối tượng”. Cụ thể là:

Yêu cầu của cán bộ Công an xã phải có khả năng nắm tình hình, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn; có khả năng phòng ngừa, phát hiện, xử lý vụ việc phức tạp nảy sinh ngay từ cơ sở; làm tốt công tác dân vận, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; có những kiến thức, kỹ năng cần thiết, nhất là phong tục tập quán địa phương.

Sau hơn 1 năm,  việc đưa Công an chính quy về đảm nhiệm chức danh tại Công an xã của Công an Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực

Để "bám dân", cần triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nội dung, như:  thông qua công tác quản lý nhân hộ khẩu để nắm hộ, nắm người, nhất là người tỉnh ngoài về địa bàn cư trú làm ăn, sinh sống. CATP Hà Nội đang tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch mở kênh tương tác với nhân dân; theo đó, ở cấp cơ sở, cán bộ Cảnh sát khu vực, Công an xã phải sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, thông qua mạng xã hội hình thành các “nhóm tương tác” để vừa tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và địa phương; vừa kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, những vấn đề bức xúc, mâu thuẫn nảy sinh, tranh chấp, khiếu kiện phức tạp; tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị, góp ý của nhân dân. Xây dựng lực lượng Công an xã gần dân, sát dân, là “hạt nhân” trong phong trào “dân vận khéo” ở cơ sở.

Để quản lý tốt di biến động của đối tượng, lực lượng Công an xã phải nắm chắc danh sách, nhân thân, hoạt động hiện hành, di biến động, mối quan hệ của đối tượng trên địa bàn, tập trung vào số đối tượng trọng điểm, từ đó chủ động triển khai các biện pháp, đối sách đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa, không để tiến hành các hoạt động gây mất ANTT trên địa bàn.

Để “bám địa bàn”, lực lượng Công an cơ sở phải xây dựng các phương án, kế hoạch, có phân công cụ thể cán bộ theo dõi, phụ trách địa bàn bảo đảm “khép kín”, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; tập trung nắm địa bàn đang phát sinh những mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện phức tạp; có sự xuất hiện, hoạt động của số đối tượng cực đoan chống đối, không để phức tạp, kéo dài trở thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự.

Để thực hiện có hiệu quả chủ trương “xã bám cơ sở”, CATP đã chỉ đạo xây dựng Đề án số 03 về bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trên địa bàn Thành phố, báo cáo lãnh đạo Bộ và Thành phố cho triển khai thực hiện theo lộ trình đến năm 2020 sẽ bố trí Công an chính quy tại 386/386 xã.

Thực hiện giai đoạn 1, CATP đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các huyện bố trí 11 đồng chí Trưởng Công an xã tại 11 xã trọng điểm thuộc 7 huyện; và đang bố trí tiếp tại 23 xã trọng điểm ở 13 huyện. Sơ kết đánh giá sau hơn 01 năm triển khai bố trí Công an chính quy, bước đầu đạt được kết quả tích cực, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn được giữ vững, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở.

Những kinh nghiệm quý

Từ thực tiễn công tác, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương chia sẻ, bước đầu CATP rút ra một số kinh nghiệm sau:

Trước hết, phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an và Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố; nhạy bén trước những diễn biến mới của tình hình, vận dụng sáng tạo với đặc điểm tình hình của Hà Nội, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương xây dựng “tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.

Căn cứ tình hình thực tiễn của địa bàn, lựa chọn những nhiệm vụ mang tính chất trọng tâm, trọng điểm, những khâu đột phá để tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, bài bản, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện và phân công, phân cấp “rõ người, rõ việc, rõ địa bàn, rõ trách nhiệm”, lấy “hiệu quả làm thước đo”.

Phải làm tốt công tác chuẩn bị, có bước đi, lộ trình phù hợp, coi trọng chất lượng, bảo đảm tính khoa học, tính khả thi; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp và lắng nghe, tiếp thu góp ý của các cơ quan chức năng và quần chúng nhân dân; tích cực sơ kết, rút kinh nghiệm; đối với những vấn đề mới nảy sinh, CATP đã chủ động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ và các Học viện, Trường CAND tổ chức hội thảo, tọa đàm để làm sáng tỏ, nhận diện đối tượng, phương thức, thủ đoạn hoạt động làm cơ sở chỉ đạo thực tiễn có hiệu quả.

Thay mặt CATP Hà Nội, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương cũng đã nêu xuất một số kiến nghị, đề xuất  liên quan đên công tác tổ chức biên chế; đầu tư cơ sở vật chất để tăng cường tương tác giữa nhân dân với lực lượng Công an; đào tạo bồi dưỡng chuyên môn về Công an xã...