Các mô hình gia đình và sự kết nối (2)

Chữ tình đã chút hư hao

ANTĐ - Cũng không biết từ bao giờ, nhưng mối quan hệ ngoài hôn nhân đã trở nên phổ biến. Tệ nạn mại dâm phát triển tới mức không quản lý được một phần bởi nhu cầu quan hệ ngoài hôn nhân của nam giới. Đối với phụ nữ những mối quan hệ nam nữ phức tạp nơi công sở, trong quan hệ làm ăn… là những nguy cơ chính đối với hạnh phúc gia đình. Bình đẳng giới là nhu cầu cấp thiết của xã hội hiện đại, nó giải phóng sức mạnh của một nửa loài người. Tuy nhiên bình đẳng giới cũng mang lại những nguy cơ cho gia đình, nơi mà vai trò của phụ nữ được thể hiện rõ nhất.
Ảnh minh hoạ

Những câu chuyện bi hài nhất được lấy từ trung tâm giám định AND. Có anh chồng đưa 3 con đi giám định AND, kết quả đau đớn cả 3 con không có ai là con anh ta cả. Tôi vẫn nhớ một chuyện buồn của một người quen. Anh ta là cán bộ văn hóa cấp huyện. Anh có một gia đình đáng tự hào. Vợ là con của một lãnh đạo huyện, học đại học, là công chức gương mẫu, gia đình có nhà sát cạnh UBND huyện, hai vợ chồng đi làm cùng nhau, đi, về lúc nào cũng có nhau. Sau khi kết hôn sau 2 năm hai vợ chồng đã có một cậu con trai. Tưởng không thể xảy ra một trục trặc nào. Ai ngờ một lần anh ta lên phòng ông phó chủ tịch huyện trình ký văn bản, không ngờ đập vào mắt là hình ảnh ông phó chủ tịch huyện đang ân ái với vợ mình. Không một câu trách cứ, không ầm ĩ, anh về nhà viết đơn ly dị. Cái không ngờ nhất là cô vợ đã cho anh biết toàn bộ sự thăng tiến của anh trong sự nghiệp là do sự "hy sinh" của mình. Cay đắng anh dẫn con ra khỏi nhà. Chị vợ nhẹ nhàng ngăn lại bằng một câu: "Nó cũng không phải con anh đâu". Thật sự cả hai người vẫn còn thương yêu nhau và sẵn sàng hy sinh vì nhau. Tuy nhiên sự lăng loàn thể hiện rõ nhất chính là việc họ đã tách tình dục ra khỏi tình yêu và sẵn sàng đem tình dục đổi lấy những thứ khác.

Rất nhiều đàn ông bây giờ coi việc quan hệ tình dục ngoài hôn nhân không phải là tội lỗi. Đó cũng chính là nguy cơ cho một gia đình. Như chuyện một giáo viên ở một trường đại học. Làm giáo viên nên chị rất nghiêm chỉnh. Tuy nhiên chị lại lấy phải ông chồng lẳng lơ. Anh ta sẵn sàng quan hệ tình dục với tất cả phụ nữ nếu có cơ hội, chị vợ biết rõ nhưng vẫn chịu đựng "cho yên cửa yên nhà". Một sự thật đắng cay trong ngôi nhà có tiếng là tri thức mô phạm này là mỗi lần hai vợ chồng quan hệ với nhau, vợ đều bắt chồng mang bao cao su. Bởi chị không tin tưởng chồng, chị sợ lây bệnh hoa liễu. Nhưng cuối cùng gia đình này vẫn tan vỡ vì  một cô gái mang bụng đến bắt đền anh chồng lẳng lơ. Lỗi của chị trong trường hợp này là không nghiêm khắc với chồng ngay từ lần đầu tiên.

Thống kê của tòa án các cấp cho thấy lý do chính cho các vụ ly hôn là ngoại tình, nhưng trên thực tế thì sự thật còn cay đắng hơn. Trong 100 cặp vợ chồng dưới tuổi 40 đang hạnh phúc với nhau, có tới 63% nam giới thừa nhận đã có hơn 1 lần quan hệ tình dục ngoài hôn nhân trong đó có tới 37% quan hệ với gái mại dâm. Riêng nữ giới người viết bài này không dám hỏi nhưng tin rằng tỷ lệ không phải là thấp.

Tại sao vậy? Nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng này là cuộc cách mạng tình dục, một thứ quái thai không ai nói tới nhưng hiện hữu trong đời sống Việt Nam gần 30 năm qua. Tất cả những chuyện phòng the, kể cả những chuyện cấm kỵ nhất đều phơi bày hàng ngày trên báo chí, trong sách truyện. Rồi băng đĩa sex tràn lan từ thành thị đến thôn quê. Dần dần chuyện tình dục chỉ còn là tình dục. Yếu tố con được láy đi láy lại mà yếu tố người dần quên. Thậm chí tình dục còn được coi là quà đãi khách của không ít doanh nghiệp. Tôi đã từng đến công tác tại một doanh nghiệp tỉnh nọ. Làm việc xong, ăn uống xong, chủ nhà hồ hởi: mỗi anh xuống điểm X. chơi chút. Mở màn là một chầu karaoke có đào và sau đó chủ nhà xoa tay: đã có phòng cho mấy anh nghỉ ngơi, các anh để các em đưa về phòng, đảm bảo mấy em sẽ chiều các anh chu đáo… Ai cũng hiểu chỉ… một người không hiểu.

Không chỉ ngoại tình và các quan hệ ngoài hôn nhân là nguy cơ tan vỡ sự tồn tại của gia đình, sự cạn tình và những biến động của gia đình cũng là nguy cơ lớn. Gia đình anh bạn tôi, cũng là một trí thức vừa làm lễ mừng anh con trai duy nhất tốt nghiệp đại học. Đã có một doanh nghiệp mời cậu về làm việc với mức lương đủ sống. Anh chị cũng đã mua cho cậu một căn hộ chung cư để cậu sống tự lập. Ngay sau lễ mừng, chị vợ tuyên bố với chồng sẽ nộp đơn ly hôn. Theo ý kiến chị, chị không có quan hệ ngoài hôn nhân nhưng chị đã cạn tình với anh từ lâu. Chỉ vì con đang học chị muốn trọn vẹn cái nghĩa với gia đình nên chị chịu đựng đến bây giờ. Và sau khi con đã đủ sức tự lập, chị muốn tự do.

Cạn tình, hết tình yêu cũng là tiền đề cho mối quan hệ ngoài hôn nhân khăng khít, cho các trường hợp lấy vợ bé, lập phòng nhì… của các ông đàn ông. Trước đây ly hôn là việc đáng xấu hổ, dẫu cạn tình bằng mấy người ta vẫn cố dùng chữ nghĩa để duy trì gia đình. Nhưng từ ngày cá nhân được đề cao, nhất là sự bình đẳng trong tình cảm được cổ vũ, có khi tình chưa cạn thật đã kéo nhau ra tòa rồi. Chỉ khổ những đứa trẻ bơ vơ, mồ côi khi bố mẹ còn sống.

Còn rất nhiều nguy cơ nữa cho gia đình. Nghiện ma túy, nghiện rượu, bạo lực gia đình… đang đẩy nhiều gia đình xuống vực thẳm. Hiện nay theo thống kê có tới 150.000 người nghiện ma túy trong đó có tới gần một nửa đã có gia đình và chắc chắn đã có 75.000 gia đình đã tan vỡ hoặc sắp tan vỡ. Còn mấy ông nghiện rượu, uống mấy chén về đánh đập vợ con đến mức nát cửa nhà thì khó bàn quá. Vụ án ông chồng nát rượu luôn đánh chửi vợ con, bị vợ nổi cơn tam bành vác gậy đập chết vừa được tòa án một tỉnh phía Nam xét xử cũng khó thay đổi hành vi cho hàng triệu đàn ông nghiện rượu hiện nay.

Tóm lại, những nguy cơ tan vỡ gia đình hiện nay quá nhiều, phần lớn không phụ thuộc vào gia đình mà nhiều khi ngoài xã hội đưa đến. Nhưng xã hội và các tổ chức xã hội đã có hành động gì để bảo vệ gia đình?
Hãy bảo vệ gia đình

Thật ra chúng ta có pháp luật điều chỉnh hoạt động hôn nhân và gia đình từ rất sớm. Từ pháp lệnh rồi đến luật và cuối cùng năm 2000 Quốc hội đã thông qua luật Hôn nhân và gia đình. Nhưng trong đời sống, Luật Hôn nhân và gia đình chỉ dùng để điều chỉnh và phân chia tài sản trong các vụ ly hôn. Có cảm tưởng nó ra đời chỉ để phục vụ việc xét xử các vụ ly hôn chứ chưa quan tâm tới việc bảo vệ gia đình khỏi các vụ ly hôn, bồi đắp hạnh phúc gia đình. Rất hiếm các vụ ngoại tình, quan hệ như vợ chồng với người không phải vợ chồng được đem ra xét xử. Nhiều khi các vụ ngoại tình được coi như “tình tiết tăng nặng” trong các vụ án hình sự, hoặc chỉ là lỗi đạo đức, lỗi hành chính.

Các đoàn thể địa phương dồn việc giải quyết các mâu thuẫn gia đình cho tổ chức Hội phụ nữ, mà hội phụ nữ giải quyết các mâu thuẫn gia đình thì nói thật là chẳng giải quyết được gì.

Các tạp chí và báo liên quan đến gia đình thì ngoài vài bài cũ rích đề cập đến như mẹ chồng, con dâu, ngoại tình… thì chỉ bàn đến tình dục. Làm "sương cho sáo" như chuyện Trạng Quỳnh xưa.

Vậy cần phải làm gì để nâng sự bền vững trong mỗi gia đình?

Trước tiên theo chúng tôi cần tổ chức chiến dịch truyền thông nâng cao tri thức để điều chỉnh các hành vi bảo vệ gia đình ở tầm mức quốc gia. Cần sớm xây dựng hệ thống tư vấn tâm lý bảo vệ gia đình, không phải tư vấn chỉ là ra tòa ly hôn. Và sau cùng cần thành lập một tổ chức ví dụ như Hội bảo vệ gia đình hoặc Hội bảo vệ hạnh phúc gia đình. Mỗi cặp vợ chồng muốn ly hôn cần phải qua văn phòng tư vấn tâm lý, trong phiên tòa ly hôn cần có sự tham gia của các tổ chức bảo vệ hành phúc gia đình. Đó chính là kiến nghị của chúng tôi trước nguy cơ tan vỡ đơn vị xã hội: Gia đình!