Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Thể chế đi trước, mở đường cho đột phá kinh tế - xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, Thủ đô sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; xác định rõ các định hướng, giải pháp có tính chiến lược để thể chế đi trước, mở đường cho các đột phá về kinh tế - xã hội, hạ tầng xã hội, phát triển con người và đổi mới, sáng tạo.

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị trực tuyến về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị trực tuyến về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật

Sáng 24-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật để đánh giá tình hình trong 5 năm qua và đưa ra biện pháp nâng cao chất lượng công tác này thời gian tới.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ ở đầu cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương chủ động thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Triển khai Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội Khóa XIV về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP đã rà soát và kiến nghị, đề xuất xem xét sửa đổi một số văn bản của Trung ương và TP, nhằm thực hiện có hiệu quả thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội.

Công tác tổ chức thi hành pháp luật nói chung, trong đó có việc phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật được TP coi trọng, có đổi mới về nội dung, phương pháp tổ chức thực hiện. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện đa dạng và đổi mới theo hướng hiện đại đã góp phần từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô.

Những kết quả đạt được trong công tác hoàn thiện thể chế và tăng cường tổ chức thi hành pháp luật thời gian qua đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu chung của Thủ đô về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, là tiền đề quan trọng để Thủ đô tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho rằng, trong tiến trình xây dựng và phát triển Thủ đô những năm qua, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, còn tồn tại một số hạn chế về phát triển kinh tế, quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị, đất đai, bảo vệ môi trường… Nhìn từ góc độ pháp lý, có thể thấy rằng, những tồn tại nêu trên đều có liên quan mật thiết đến thể chế và tổ chức thi hành pháp luật.

Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII đã xác định: “Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị” - là một nội dung quan trọng trong các khâu đột phá để thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Vì vậy, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Trong đó, Thủ đô sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; xác định rõ các định hướng, giải pháp có tính chiến lược để thể chế đi trước, mở đường cho các đột phá về kinh tế - xã hội, hạ tầng xã hội, phát triển con người và đổi mới, sáng tạo.

Cập nhật yêu cầu của thực tiễn, TP tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và TP để thi hành Luật Thủ đô, thể chế hóa các cơ chế đặc thù để thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

Ngoài ra, phải đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là trách nhiệm giải trình trong công tác tổ chức thi hành pháp luật. Nâng cao chất lượng tổ chức thi hành pháp luật, trong đó xác định rõ trách nhiệm, nguồn lực, tiến độ, hiệu quả của từng nội dung công việc cụ thể; Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật...