Hà Nội vinh danh 10 Công dân Thủ đô ưu tú 2019

Chủ tịch Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI: Tích cực đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô

ANTD.VN - Là một trong 10 công dân ưu tú của Thủ đô được vinh danh năm 2019, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Hội đồng sáng lập - Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI luôn tâm niệm, trong khó khăn thử thách luôn có cơ hội. Khi các điều kiện hội tụ đủ, mỗi cá nhân cần biết nhanh chóng nắm bắt thời cơ - một trong những chìa khóa để đi đến thành công.

Chủ tịch Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI: Tích cực đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô ảnh 1Lãnh đạo TP Hà Nội trao danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019 cho ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI 

Đặt khách hàng ở vị trí cao nhất

Năm 1970, thanh niên Đỗ Minh Phú cùng với nhiều thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học. Đỗ điểm cao và đứng trước cơ hội được đi du học, nhưng cuối cùng, Đỗ Minh Phú đã lựa chọn theo học ĐH Bách Khoa - trường ĐH “hot” nhất lúc bấy giờ.

Tốt nghiệp ĐH Bách Khoa, ông Đỗ Minh Phú về công tác tại Viện Khoa học Việt Nam chuyên ngành sử dụng máy tính để xử lý các số liệu bản đồ viễn thám. Do có trình độ tiếng Anh khá tốt (chủ yếu tự học) - một ngoại ngữ hiếm người học thời bấy giờ, năm 1990, ông Đỗ Minh Phú được Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam - GS Nguyễn Văn Hiệu phân công làm Tổng Giám đốc một công ty nước ngoài có mối quan hệ với Viện. Từ thời điểm đó, ông Đỗ Minh Phú chính thức dấn thân vào con đường kinh doanh.

“Khi đó, giá liên lạc viễn thông nước ngoài rất đắt (3 phút hết 5,4 USD) nên công ty chủ yếu dùng fax. Khi khách hàng nước ngoài gửi fax đến, tôi chỉ nhận và không trả lời lại. Trong một lần trò chuyện với tôi, Chủ tịch công ty nước ngoài đã hỏi vấn đề này và đưa ra lời khuyên, “nhận được thông tin của khách hàng, dù mất thời gian và tốn kém một khoản chi phí, anh vẫn phải trả lời họ. Bởi điều đó khiến khách hàng nghĩ anh luôn quan tâm đến họ, coi họ ở vị trí cao nhất”. Đây là bài học vô cùng quan trọng đối với tôi - đặt khách hàng là trung tâm”, ông Đỗ Minh Phú chia sẻ.

Cũng theo ông Đỗ Minh Phú, thời điểm đó, Thái Lan đã rất giỏi về cắt mài, chế tác và xử lý đá quý. Tại Việt Nam, phát hiện mỏ đá quý tại Nghệ An, thu hút hàng trăm thương nhân ở Thái Lan và nhiều nước khác tới. Trong đó, công ty nước ngoài mà ông Đỗ Minh Phú phụ trách có văn phòng ở Thái Lan. Do đó, năm 1992 Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam lại giao cho ông Đỗ Minh Phú nhiệm vụ mới - “Trưởng phòng công nghệ xử lý đá quý” - nền tảng lập ra công ty liên doanh giữa Việt Nam và nước ngoài về đá quý. 

Sau một thời gian làm việc tại công ty liên doanh, ông Phú nhận thấy, xét cho cùng bản thân vẫn chỉ là người làm thuê cho nước ngoài, khả năng ứng dụng cho doanh nghiệp của mình gần như không có. Nung nấu ý tưởng “phải thay đổi”, ngày 28-7-1994, ông Đỗ Minh Phú quyết định chấm dứt hoạt động tại công ty liên doanh, lập doanh nghiệp của mình  là Công ty phát triển thương mại TTD - tiền thân của Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI với lĩnh vực kinh doanh đầu tiên là tập trung vào chế tác, cắt mài, xử lý đá quý rồi bán ra thị trường quốc tế.

“Việc phát hiện ra mỏ đá quý Ruby sao tại Nghệ An đã trở thành hiện tượng lạ đối với thị trường đá quý thế giới do kích thước quá lớn và đa dạng về chủng loại. Chúng tôi là công ty đầu tiên đưa ra được phương pháp cắt mài tạo ra những viên ruby sao và mang những viên đá quý đó ra thị trường quốc tế, giúp định danh tên tuổi đá quý Việt Nam trên bản đồ đá quý thế giới. Viên ruby sao cũng chính là logo của DOJI sau này”, ông Đỗ Minh Phú nhớ lại.

Xác định hướng đi bền vững

Trong quá trình phát triển, vị lãnh đạo Công ty phát triển thương mại TTD nhận định, đá quý cắt mài ra cũng chỉ để bán cho các cơ sở sản xuất trang sức, nếu không tiếp cận thị trường đích thực của người tiêu dùng thì đó vẫn chưa phải là hướng đi bền vững. Vì vậy, năm 2006 Công ty tập trung vào sản xuất đồ trang sức dựa trên  sản phẩm đá quý hiện có.

Năm 2007, Công ty TTD chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý & Đầu tư Thương mại DOJI, khai trương Ruby Plaza tại Hà Nội, được coi là Trung tâm Vàng bạc Đá quý & Trang sức cao cấp lớn nhất Việt Nam. Năm 2009, DOJI chính thức trở thành Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI.

Năm 2019 chứng kiến sự kiện đặc biệt quan trọng của Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI với chặng đường ¼ thế kỷ trong hành trình xây dựng và phát triển. Mới  đây Tòa nhà DOJI Tower - trụ sở chính của Tập đoàn chính thức được khai trương, trở thành Trung tâm Vàng bạc đá quý và trang sức lớn nhất cả nước tại số 5 Lê Duẩn, quận Ba Đình, Hà Nội. Tại đây còn có bảo tàng về đá quý nhằm thu hút khách du lịch tới Thủ đô tham quan.

“Mỗi cá nhân phải biết cách nắm bắt khi điều kiện hội đủ, tìm ra hướng giải quyết những khó khăn thách thức. Đó chính là cơ hội xuất hiện trong thử thách. Câu chuyện tái cấu trúc Tập đoàn DOJI, mua cổ phần của SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng, trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng Tiên Phong là minh chứng cho điều này”, ông Đỗ Minh Phú nhấn mạnh.

Vị Chủ tịch Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI cũng có lời nhắn nhủ tới các start up trẻ tuổi, rằng “muốn khởi nghiệp thành công đừng ngồi chờ cơ hội đến, mà hãy bắt tay vào làm. Các bạn trẻ có thể làm việc mới, những việc mà người khác cho là điên rồ, phi thực tế song cũng đừng quá viển vông mà nên bắt đầu từ những việc cụ thể. Có đam mê, không chấp nhận đầu hàng ắt sẽ thành công”.

Chủ tịch Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI: Tích cực đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô ảnh 2“Bảo ngọc minh quy” - cụ Rùa bằng đá quý do Tập đoàn DOJI tặng TP Hà Nội đặt tại Hoàng thành Thăng Long

Mong muốn Thủ đô ngày càng phát triển 

Xác định Thủ đô Hà Nội là thị trường chính và quan trọng, Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI đã góp phần bình ổn thị trường vàng miếng theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đưa ra những sản phẩm được người tiêu dùng Thủ đô yêu thích.

Là doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội, Tập đoàn luôn coi trọng công tác xã hội, đền ơn đáp nghĩa. Nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, DOJI đã trao tặng TP Hà Nội sản phẩm đặc biệt “Bảo ngọc minh quy” - cụ Rùa bằng đá quý - hiện đang đặt tại Hoàng thành Thăng Long. Tập đoàn còn tham gia các chương trình “Uống nước nhớ nguồn”, hưởng ứng phát động của Mặt trận Tổ quốc thành phố, thường xuyên thăm hỏi tặng quà bệnh nhi tại Bệnh viện K, xây trường, xây nhà tình nghĩa cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn tại nhiều địa phương. 

Cũng theo ông Đỗ Minh Phú, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều đổi mới về mọi mặt, năng lực cạnh tranh ngày càng tốt hơn, sự tiếp cận của doanh nghiệp với cơ hội kinh doanh ngày càng cởi mở hơn. Chính quyền Thủ đô đã có nhiều dự án với sự thu hút khác nhau, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về quỹ đất, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Ông Đỗ Minh Phú cũng mong muốn Thủ đô ngày càng phát triển, thực hiện được 4 “từ khóa” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ khi nói chuyện với các doanh nghiệp tư nhân: Bình đẳng - Bảo vệ - Tôn vinh - Tiếp cận các nguồn lực.

Về hướng phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới, vị Chủ tịch Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI không ngần ngại tiết lộ, tầm nhìn đến năm 2025 DOJI trở thành tập đoàn đa ngành hàng đầu với trên 300 trung tâm vàng bạc đá quý, 1.000 đại lý và công ty liên kết. Tập đoàn sẽ xây dựng nhà máy sản xuất trang sức với khoảng 1.000 công nhân và đặt mục tiêu xuất khẩu 100 triệu USD, niêm yết trên thị trường chứng khoán…

Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI hiện có khoảng 2.000 cán bộ công nhân viên (tại Hà Nội có 700 người) làm việc tại 80 trung tâm vàng bạc đá quý, gần 300 đại lý và cửa hàng liên kết ở các địa phương. Thu nhập bình quân của mỗi nhân viên là 16 triệu đồng/tháng. Với doanh thu tăng trưởng liên tục, Tập đoàn có 9 năm đứng trong top 5 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, 3 năm đứng vị trí số 1, doanh thu năm 2019 ước tính 80.000 tỷ đồng. Với những nỗ lực không ngừng, Tập đoàn đã nhận được nhiều Bằng khen, giải thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương: Huân chương Lao động Hạng Nhất, Hạng Nhì, Hạng Ba của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Giải Vàng Chất lượng quốc gia, Cúp Thánh Gióng, cùng nhiều Bằng khen của UBND TP Hà Nội…