- Bộ Công an nêu lý do cấp bách cần sửa Luật Căn cước công dân
- Sửa Luật Căn cước công dân: Cá nhân không đi làm căn cước mới có ảnh hưởng tới giao dịch?
* Nhất trí chủ trương cho phép Chính phủ trình dự án Luật Căn cước vào Kỳ họp thứ 5
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận phiên họp |
Tại phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trình bày Tờ trình dự án Luật Căn cước nêu rõ, xây dựng dự án luật này phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp.
Luật Căn cước nhằm quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về căn cước; phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng, giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ, phục vụ chuyển đổi số quốc gia góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn cho công tác quản lý căn cước; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, hồ sơ dự án Luật do Chính phủ trình đã đầy đủ các tài liệu quy định, đủ điều kiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5; cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. “
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trình bày Tờ trình dự án Luật Căn cước |
Để việc xây dựng, ban hành Luật Căn cước được chặt chẽ, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nghiên cứu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, sớm hoàn thiện ứng dụng VNeID, kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tới các bộ, ngành, địa phương, nhất là bảo đảm việc khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý Nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của chính quyền cơ sở cấp xã, cấp huyện, của các tổ chức được giao thực hiện dịch vụ công…, phát huy tối đa hiệu quả của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; đồng thời chỉ đạo rà soát kỹ từng nội dung trong dự thảo luật để bảo đảm hiệu quả, tính khả thi cao” - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nhấn mạnh.
Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu đều nhất trí đổi tên thành Luật Căn cước và cho rằng, cần thiết phải sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, bất cập khi xã hội phát triển; phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia…
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, xây dựng Luật Căn cước trên cơ sở Luật Căn cước công dân năm 2014 là rất cần thiết, phù hợp với sự phát triển của xã hội, phù hợp, đồng bộ với chuỗi luật của chúng ta hiện nay như: Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Viễn thông… “Tôi thấy nội dung dự thảo Luật thể hiện khá rõ 4 nhóm chính sách do Chính phủ trình, cũng đã nghiên cứu báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp khá kỹ. Tôi đồng ý với ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh; đề nghị nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh thêm dự án Luật để có thể trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5, biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 6” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh. Đối với một số vấn đề có ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo có diễn đàn mở để lắng nghe ý kiến đại biểu, tiếp thu để hoàn thiện hồ sơ Luật.
Tiếp thu giải trình ý kiến của các đại biểu, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để báo cáo Chính phủ hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5; đồng thời giải trình một số vấn đề cụ thể đại biểu nêu.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, đa số các ý kiến thảo luận nhất trí cần thiết phải xây dựng Luật Căn cước với những lý do được nêu trong tờ trình. Hồ sơ dự án luật về cơ bản đảm bảo yêu cầu theo quy định của pháp luật, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh thêm để đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5. “Sau phiên họp hôm nay, đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến thảo luận của các đại biểu, báo cáo thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật gửi Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra để gửi Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Văn phòng Quốc hội để sớm có thông báo kết luận của phiên họp này và phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật, tiến hành thẩm tra báo cáo Quốc hội. Nếu còn ý kiến khác nhau thì việc giải trình phải thấu đáo, có tính thuyết phục, đúng như tinh thần không để ý kiến nào của đại biểu Quốc hội và cơ quan thẩm tra không được giải trình” - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh.
Xây dựng Luật Căn cước trên cơ sở Luật Căn cước công dân năm 2014 là rất cần thiết, phù hợp với sự phát triển của xã hội, phù hợp, đồng bộ với chuỗi luật của chúng ta hiện nay như: Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Viễn thông…”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ