Chi 34.275 tỷ đồng làm sách giáo khoa mới:

Chủ tịch Quốc hội phê bình, yêu cầu làm lại đề án

ANTĐ - Hôm qua, 14-4, trong ngày làm việc đầu tiên của phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông và Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Chủ tịch Quốc hội phê bình, yêu cầu làm lại đề án ảnh 1
Sách giáo khoa mới dự kiến được đưa ra giảng dạy từ năm học 2018-2019

Đề án quá đơn giản, chung chung
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông phải khắc phục được những hạn chế của chương trình, SGK hiện hành; giáo dục học sinh phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi học sinh; đảm bảo hài hòa giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp... Toàn quốc sẽ thống nhất một chương trình giáo dục phổ thông quốc gia. Các nhà trường phổ thông xây dựng chương trình giáo dục nhà trường dựa trên chương trình giáo dục phổ thông quốc gia.  Bộ GD-ĐT sẽ biên soạn một bộ SGK, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ SGK hoặc các cuốn SGK khác. Tất cả SGK phải được Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt trước khi sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Nếu được thống nhất triển khai, sẽ lần lượt thực hiện chương trình, SGK mới trên phạm vi toàn quốc theo cả 3 cấp học, bắt đầu ở lớp 1, lớp 6 và lớp 10 từ năm học 2018-2019; đến năm học 2020-2021 (đối với cấp THPT), năm học 2021-2022 (đối với cấp THCS) và năm học 2022-2023 (đối với cấp Tiểu học) đều thực hiện chương trình và SGK mới ở lớp cuối của mỗi cấp học. Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, nguồn lực để thực hiện đề án ước tính 34.275 tỷ đồng. Đó là chưa kể kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường còn thiếu. Đáng tiếc, nội dung dự thảo do Bộ GD-ĐT chuẩn bị chưa nhận được sự hài lòng của UBTVQH. Nhiều ý kiến chê dự thảo nghị quyết cũng như đề án còn quá đơn giản, chung chung. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phê bình: “Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội chưa rõ mục đích, yêu cầu đổi mới như thế nào. Có thể nói là chưa có nội dung, dường như chỉ sao chép lại quan điểm của Đảng...”. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, phải làm rõ, qua 10 năm đổi mới giáo dục gần đây, đã đạt được những kết quả gì, hay dở ra sao, cần đổi mới như thế nào cho phù hợp với yêu cầu và điều kiện hiện nay. “Trình ra Quốc hội là không được”
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Lo nhất là tính khả thi của đề án. Năng lực đội ngũ giáo viên có kịp nâng cao để đáp ứng SGK mới? Cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết để triển khai có đáp ứng đủ không?”. Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói: “Tôi thấy cần có báo cáo tác động về tính khả thi của đề án. Quỹ thời gian 10 năm tới liệu có làm được không?”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lên tiếng: “Nhiều câu hỏi của các ĐBQH xung quanh đổi mới giáo dục chưa thể trả lời được. Loay hoay đổi mới giáo dục từ năm 2000 tới giờ đã giải quyết được gì chưa? 34.275 tỷ đồng không phải là nhỏ. Tôi đề nghị đề án phải lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, chứ không phải hôm nay thông qua để rồi 10 năm sau lại xin đổi mới...”. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: “Đề án nêu ra mấy khái niệm “chuẩn hoá, xã hội hoá, hiện đại hoá” là rõ rồi nhưng “dân chủ hoá” trong SGK là gì?”. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng rất băn khoăn: “Đọc đề án thì thấy cái gì cũng đúng nhưng cá nhân tôi thấy còn lo lắng bởi chưa có gì cụ thể cả. Một đề án quan trọng như thế mà đánh giá tác động tới xã hội chỉ có 2,5 trang giấy A4 thì đơn giản quá...”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: “Đề án chưa đủ điều kiện trình ra Quốc hội. Vì vậy, trong tháng 4 và tháng 5, Bộ GD-ĐT cùng các cơ quan liên quan phải ngồi với nhau làm lại, chứ đơn giản thế này trình ra Quốc hội là không được...”.