Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA ngay tại kỳ họp thứ 9

ANTD.VN -Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18-3,25% (cho 5 năm đầu thực hiện), 4,57 - 5,30% (5 năm tiếp theo) và 7,07 - 7,72% (5 năm sau đó). EVFTA dự kiến giúp tăng thêm 146.000 việc làm/năm và tăng 1% lương của các doanh nghiệp FDI.

Đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU

Trong phiên khai mạc sáng nay 20/5, được sự Ủy nhiệm của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA.

Hiệp định EVFTA gồm 17 chương, 8 phụ lục, 2 nghị định thư, 2 biên bản ghi nhớ và 4 tuyên bố chung điều chỉnh các vấn đề như thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, hải quan, các biện pháp kiểm dịch, các hàng rào kỹ thuật thương mại...

Đây được coi là Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét quyết định phê chuẩn toàn văn Hiệp định trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV.

Quang cảnh phiên họp

Báo cáo thuyết minh trước Quốc hội về những vấn đề liên quan đến Hiệp định  EVFTA, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đây được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với các nhóm hàng quan trọng như dệt may, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của ta, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm.

Với  thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên), EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của ta trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm.

EVFTA giúp tăng thêm 146.000 việc làm/năm, tăng 1% lương

Cũng theo báo cáo, về kinh tế, thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết công việc làm cho người lao động. Riêng thu ngân sách nhà nước có thể sẽ được cải thiện và tăng trong trung hạn và dài hạn.

Kết quả tính toán chỉ ra rằng, EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18-3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57 - 5,30% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07 - 7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó).

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng mạnh đến tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu của không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới, việc Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi mang ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế trong và sau giai đoạn dịch bệnh.

Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế của EU, EVFTA dự kiến sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Về lao động, việc làm, an sinh, xã hội, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm việc làm khoảng 146.000/năm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU.

EVFTA không chỉ mang lại lợi ích về số lượng việc làm mà còn có khả năng làm tăng tiền lương của người lao động. Theo tính toán, mức lương của các doanh nghiệp FDI sẽ cao hơn khoảng gần 1% so với doanh nghiệp trong nước.

Hiệp định EVFTA chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định của Hiệp định là sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam. Do vậy, Chính phủ đề xuất trình Quốc hội xem xét phê chuẩn EVFTA tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Trên cơ sở phê chuẩn của hai bên, Việt Nam và EU sẽ thống nhất về thời điểm Hiệp định chính thức có hiệu lực với cả hai bên.