Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ: Bóng đá Việt Nam đâu đã đến nỗi... bi đát!

ANTĐ - Người đứng đầu VFF cho rằng có nhiều cách để tháo gỡ vấn đề tài chính các CLB hiện đang gặp phải. Điều quan trọng là các bên cần phải ngồi lại với nhau, bàn cách tháo gỡ và tìm được sự đồng thuận.

PV: Nhiều ông bầu ngỏ ý bỏ bóng đá, các CLB chìm trong nợ lương thưởng cầu thủ, thậm chí có đội phải giải tán… ảnh hưởng lớn tới V-League và bóng đá Việt Nam, ông nghĩ sao về thực trạng này?

Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ: Phải thừa nhận trong bối cảnh kinh tế khó khăn, bóng đá khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. Nhưng tôi cho rằng ở hoàn cảnh nào, cũng phải đối mặt với khó khăn và tất cả cùng thống nhất với nhau cách giải quyết. Tại Đại hội thường niên sắp tới, các CLB sẽ thống nhất điều chỉnh về vốn đầu tư. Ngoài ra, các bên phải ngồi lại, cùng nhau bàn bạc và thống nhất các tiêu chí như mức thưởng, giá chuyển nhượng cầu thủ… Kèm theo đó là các chế tài xử phạt cụ thể, CLB nào, cầu thủ nào vi phạm sẽ phải bị xử lý.

Nhưng nếu các CLB không tìm được tiếng nói chung thì sao, thưa ông?

Khi đó, VFF sẽ là người đứng ra điều chỉnh toàn bộ quá trình đầu tư, thực hiện những vấn đề để CLB tồn tại trong điều kiện như thế này. Ngoài ra, bản thân các cầu thủ cùng cẩn phải hiểu và nhận thức được vấn đề này bởi chính họ là người trực tiếp tham gia và tác động trực tiếp tới giải.

Chủ tịch VFF cho rằng, nếu các ông chủ CLB chịu ngồi lại với nhau, V-League sẽ được "cứu" 

Một thực trạng đang có nguy cơ lan rộng là việc các ông bầu đua nhau bán, chuyển nhượng đội bóng nhằm giảm gánh nặng tài chính. Quan điểm của VFF về vấn đề này?

Nhiều người cứ nghĩ chuyển nhượng đội này sang đội kia dễ nhưng thực tế rất khó. Một đội bóng A chuyển sang đơn vị B thì tên gọi không thể khác. Từ trước đến giờ, chúng ta thường nói những vụ chuyển nhượng, mua lại suất lên hạng… rất chung chung, nhưng đưa vào trường hợp cụ thể thì lại rất vướng. Ví dụ nếu V.HP mua lại xuất của CLB Hà Nội thì họ sẽ không được giữ cái tên V.HP nữa vì đã xuống hạng rồi. Tuy nhiên nếu không giữ tên nhà tài trợ như trước thì ai là người đầu tư vốn. Đó chính là sự lúng túng, cần được VFF tư vấn.

Trở lại với kế hoạch tổ chức mùa giải 2013, nhiều ý kiến cho rằng nên hoãn giải. Ông nghĩ sao về điều này?

Nếu chỉ mới thấy khó khăn đã hùa nhau cho rằng cần lùi thời gian tổ chức giải đấu, tôi cho đó là cách nghĩ rất tiêu cực. Nếu thấy cần thiết, các ông chủ, các CLB có thể thống nhất và đưa vấn đề này ra trước Đại hội, tìm ra tối ưu nhất để bóng đá có thể vận hành được trong điều kiện khó khăn hiện tại. Trong điều kiện các doanh nghiệp quá khó khăn thì còn cách giải quyết khác như thay thế CLB một ông chủ bằng CLB nhiều thành viên, nhiều cổ phần cùng gánh vác. Tôi lấy ví dụ trong tương lai, CLB ĐTLA sẽ thành Long An, khi đó người ta huy động được rất nhiều cổ đông tham gia, trả lương, thưởng bình thường. Hay như CLB của Nghệ An thay vì Ngân hàng Bắc Á là nhà tài trợ chính thì kêu gọi thêm các nhà tài trợ khác để CLB không phải lo thiếu vốn.

Bóng đá Việt Nam đâu đã đến mức bi đát. Tôi cho rằng có nhiều biện pháp để có thể cứu vãn nền bóng đá phát triển bình thường. Bản thân VFF cũng sẽ có những hỗ trợ trong việc tháo gỡ khó khăn, bằng những cơ chế thích hợp.

Xin cảm ơn ông!

Dứt điểm “một ông chủ, 2 đội bóng”

Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ cho biết, VFF sẽ làm việc AFC, xin tư vấn giải quyết tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng”, “Sắp tới, phái đoàn AFC sẽ kiểm tra tất cả các CLB. Còn hôm qua 24-9, Thanh tra Bộ VH-TT&DL cùng VFF đã đến một vài CLB để kiểm tra. Tất cả thống nhất quan điểm chung là phải xử lý dứt điểm tình trạng này”, ông Hỷ nói.