Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: Thủy Tiên không phạm luật nhưng "hy vọng cô chọn được cách làm tốt"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - ĐBQH Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho rằng, trường hợp Thủy Tiên kêu gọi quyên góp hàng trăm tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung không có gì sai quy định pháp luật…
ĐBQH Nguyễn Thị Xuân Thu trả lời báo chí sáng 23-10

ĐBQH Nguyễn Thị Xuân Thu trả lời báo chí sáng 23-10

Bên hành lang Quốc hội sáng nay, 23-10, trả lời phỏng vấn báo chí, ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, không nên quá khắt khe với việc một cá nhân đứng lên kêu gọi từ thiện không thông qua các tổ chức chính trị xã hội có trách nhiệm như Ủy ban MTTQ, Hội Chữ thập đỏ hay các tổ chức khác.

Lý do vì trong thiên tai thảm họa, những ai có tấm lòng thiện nguyện đều rất mong muốn làm việc gì đó giúp đỡ đồng bào - những người gặp hoạn nạn.

Nhắc đến trường hợp cụ thể của ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi được hàng trăm tỷ đồng và trực tiếp về miền Trung để làm thiện nguyện, bà Xuân Thu chia sẻ, đây là việc làm đáng hoan nghênh, trân trọng và nên khuyến khích.

“Có lẽ không nên quá khắt khe khi một người có tấm lòng nhân hậu như vậy đã đứng ra giúp đỡ đồng bào của mình lúc gặp khó khăn. Việc huy động được nhiều hay ít là do uy tín của từng cá nhân, tập thể. Vận động được nhiều thì sẽ có nhiều người được giúp đỡ và có nhiều cơ hội hơn để giúp người khác” – ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu nói.

Trước ý kiến về việc có thông tin cho rằng việc làm của ca sĩ Thủy Tiên là vi phạm nếu chiếu theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định về “việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”, ĐB Xuân Thu khẳng định, về mặt pháp luật, Thủy Tiên không vi phạm.

“Nếu lấy Nghị định 64 áp vào trường hợp của cô Thủy Tiên là không đúng” – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhấn mạnh.

Theo nữ ĐBQH, Nghị định 64 thực chất là để áp dụng cho các tổ chức được Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ nhân đạo và đó là một hình thức quản lý của Nhà nước với các tổ chức có nhiệm vụ được giao như MTTQ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các quỹ xã hội, từ thiện, không áp dụng cho cá nhân.

Hơn nữa, Nghị định 64 đã ban hành từ 2008, đến nay cần sửa đổi một số điều. Trong Nghị định 64 cũng vẫn có điểm khuyến khích những cá nhân có thể tham gia làm công tác thiện nguyện. “Nếu họ làm đúng quy định của pháp luật, họ không làm gì sai thì mình phải khuyến khích và tôn vinh họ” – ĐB Xuân Thu nêu rõ.

Tương tự, chiếu theo Bộ luật Dân sự, ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, những cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp như trường hợp của ca sĩ Thủy Tiên, họ là người trung gian để đem vật chất, tiền bạc của người khác tin tưởng, gửi gắm họ đến cho những người cần nhận. Tức là họ được ủy thác, theo luật là được phép. Họ không đại diện cho tổ chức nào nên họ hoàn toàn có quyền làm việc đó.

Song, vị Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng phân tích, một cá nhân đứng ra làm thiện nguyện thì sẽ gặp rất nhiều rủi ro và rất vất vả, đặc biệt với nguồn tiền huy động rất lớn thì nảy sinh nhiều phức tạp. Vấn đề là phải làm thế nào để số tiền người khác ủy quyền họ đến đúng người, đúng nơi, không bị lợi dụng, vì thực tế đã có trường hợp lợi dụng nguồn từ thiện này.

“Nhưng tôi nghĩ những cái này, người làm từ thiện sẽ suy nghĩ làm thế nào để giúp được nhiều nhất mà không bị mang tiếng nhất. Tôi luôn hy vọng ca sĩ Thủy Tiên sẽ chọn được cho mình cách làm tốt” – ĐB Xuân Thu nói thêm.

Từ đó, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nêu rõ, trong công tác nhân đạo, phải có những tổ chức chuyên nghiệp làm công tác này và có sự điều phối của chính quyền, các lực lương chức năng, đặc biệt là các tổ chức như Hội Chữ thập đỏ, MTTQ Việt Nam.

Còn nếu làm tự phát dễ xảy ra rối loạn, thiếu hiệu quả, không đảm bảo công bằng và thậm chí mất an toàn cho chính các cá nhân, đơn vị đi làm thiện nguyện.