Chủ quyền lãnh thổ quốc gia là bất khả xâm phạm

ANTĐ - Điều 1 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”.

Theo luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng đối với dân tộc Việt Nam, đã được quy định rõ trong Hiến pháp. Trong đó lãnh thổ và biên giới quốc gia là hai yếu tố gắn bó chặt chẽ, không thể tách rời. Pháp luật quốc tế hiện đại và tập quán quốc tế đều thừa nhận tính bất khả xâm phạm của lãnh thổ quốc gia và biên giới quốc gia. Lãnh thổ quốc gia là phạm vi không gian được giới hạn bởi biên giới quốc gia, thuộc chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ của một quốc gia. Lãnh thổ quốc gia Việt Nam bao gồm: vùng đất quốc gia, vùng biển quốc gia, vùng trời quốc gia…

Vùng đất quốc gia (kể cả các đảo và quần đảo) là phần mặt đất và lòng đất của đất liền, của đảo, quần đảo thuộc chủ quyền một quốc gia. Đây là bộ phận quan trọng nhất cấu thành nên lãnh thổ quốc gia, làm cơ sở để xác định vùng trời quốc gia, nội thuỷ, lãnh hải. Nội thủy là vùng biển nằm ở phía trong của đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển.

Cũng theo luật sư Hồng Vân, chủ quyền quốc gia là quyền làm chủ một cách độc lập, toàn vẹn, đầy đủ về mọi mặt của một quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình. Tất cả các nước đều có chủ quyền quốc gia. Tôn trọng chủ quyền quốc gia là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Không một quốc gia nào được can thiệp hoặc xâm phạm chủ quyền của một quốc gia khác. Chủ quyền lãnh thổ quốc gia là tuyệt đối, bất khả xâm phạm. Do vậy, trên cơ sở Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp lý liên quan, Việt Nam có quyền sử dụng tổng hợp các lực lượng và biện pháp chống lại sự xâm phạm, phá hoại dưới mọi hình thức để giữ gìn toàn vẹn chủ quyền nhà nước đối với lãnh thổ quốc gia.