Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội: Vụ gần 600 loại sữa giả, có lỗ hổng trong quản lý?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhắc đến vụ đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả vừa được triệt phá, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, vụ việc đặt ra nhiều dấu hỏi về lỗ hổng trong quản lý…
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 17-4 về kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đề cập vụ việc lực lượng công an vừa triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả với quy mô lên tới hàng trăm nhãn hiệu. Đây là vụ việc gây bức xúc dư luận rất lớn.

Bà Hải nêu rõ, vụ việc liên quan đến 600 loại sữa giả được bày bán công khai trên thị trường suốt 4 năm qua đã đặt nhiều dấu hỏi về “lỗ hổng” trong công tác quản lý, trong các văn bản pháp lý; đồng thời cũng cho thấy vấn đề hậu kiểm hiện nay chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm minh.

"Qua báo chí thì thấy Bộ Công Thương nói không thuộc đối tượng quản lý của Bộ này, sữa có vi chất dinh dưỡng là do Bộ Y tế quản lý. Bộ Y tế lại nói việc này liên quan đến hậu kiểm" - bà Hải nói.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho biết, qua ý kiến cử tri, có “khoảng trống” pháp lý trong việc quản lý thị trường sữa, quảng cáo sữa.

Quy định cho phép doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn sản phẩm, người sản xuất ghi hẳn trên nhãn mác các thành phần của sữa nhưng người mua không thể kiểm chứng, đặc biệt, đây lại là những loại sữa dùng cho trẻ em, người già, phụ nữ mang thai…

Rồi người nổi tiếng tham gia vào quảng cáo thì trách nhiệm đến đâu… người tiêu dùng không kiểm chứng được, sử dụng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

“Như vậy thì văn bản pháp luật có “lỗ hổng” hay không?” – bà Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần phân tích, bổ sung thêm về những “lỗ hổng” pháp luật, từ đó kiến nghị các cơ quan phải bổ sung.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, quản lý sữa là lĩnh vực tác động đến người tiêu dùng, thuộc thẩm quyền giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cần có báo cáo về vấn đề này gửi Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội theo đúng chức năng, nhiệm vụ.