Chủ nhà SEA Games 29 cảnh giác với khủng bố

ANTD.VN - Nước chủ nhà của SEA Games 29 đang tăng cường tối đa các biện pháp an ninh nhằm phòng ngừa khủng bố trong dịp diễn ra đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á được tổ chức vào cuối tháng 8 tới.

Lực lượng an ninh Malaysia diễn tập chống khủng bố trước thềm SEA Games 29

Phó Giám đốc Cục An ninh nội địa và Trật tự công cộng trực thuộc Cảnh sát Hoàng gia Malaysia Azizan Abd Aziz ngày 4-7 cho biết, Malaysia sẽ triển khai khoảng 14.000 cảnh sát để bảo vệ an ninh cho Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 29 được tổ chức tại nước này.

Lực lượng cảnh sát sẽ được triển khai tại các khu vực thi đấu và nơi ở chính của các vận động viên và quan chức gồm: sân vận động quốc gia Bukit Jalil, khu vực trung tâm thành phố Kuala Lumpur và thị trấn Nilai thuộc bang Negeri Sembilan. Bên cạnh đó, lực lượng an ninh cũng triển khai bảo vệ một số địa điểm tại bang Terengganu và đảo Langkawi thuộc bang Kedah. 

Được biết, dự kiến có khoảng 6.000 vận động viên của 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á tham gia tranh tài trong 38 môn thể thao với 405 nội dung thi đấu SEA Games 29 diễn ra từ ngày 20 đến 31-8 tại Malaysia. Ngoài ra, còn có hàng nghìn quan chức, thành viên của các đoàn thể thao và hàng vạn khán giả trực tiếp theo dõi các nội dung thi đấu.

Bên canh việc các công tác chuyên môn, trọng tài, đưa đón, chăm lo nơi ăn chốn ở cho vận động viên, quan chức… điều khiến nước chủ nhà SEA Games 29 đang hết sức quan tâm là vấn đề đảm bảo an ninh trong ngày hội thể thao lớn nhất khu vực này. Sự lo lắng chủ yếu đến từ mối đe dọa nguy cơ bị khủng bố, nhất là sau vụ các tay súng có mối liên hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm giữ thành phố Marawi trên đảo Mindanao của Philippines.

Trong số các tay súng nước ngoài đến tham chiến tại thành phố Marawi có những phần tử Hồi giáo cực đoan mang quốc tịch Malaysia và một số quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á như Indonesia và Singapore… Giới chức an ninh Malaysia lo ngại chiến dịch truy quét gắt gao của Philippines tại Marawi nói riêng và trên đảo Mindanao nói chung sẽ khiến những phần tử khủng bố “dạt” sang các nước khác ở Đông Nam Á.

Là một quốc gia Hồi giáo, Malaysia càng có lý do để lo ngại những tay súng cực đoan nước ngoài, trong đó có các phần tử khủng bố IS, bị truy quét tại Philippines sẽ tìm đến nước này để ẩn náu. Trong khi đó, Malaysia từ năm 2013 đến năm 2016 cũng đã bắt giữ tổng cộng 310 đối  tượng nghi có liên hệ với các tổ chức khủng bố, bao gồm cả IS.

Malaysia cũng đã được đặt trong tình trạng báo động kể từ khi những kẻ đánh bom liều chết và các tay súng có liên hệ với IS mở các cuộc tấn công ở Jakarta (Indonesia) vào tháng 1-2016. Tình trạng này được nâng cấp thêm từ sau vụ tấn công bằng lựu đạn tại một quán rượu ở ngoại ô Thủ đô Kuala Lumpur tháng 7-2016 làm 8 người bị thương, cuộc tấn công mà sau đó IS đã nhận là thủ phạm, và đặc biệt là sau vụ tấn công ở Marawi.

Nhằm đối phó với hiểm họa khủng bố, nhất là việc IS đã “thò vòi bạch tuộc” tới khu vực Đông Nam Á, Cảnh sát Hoàng gia Malaysia hồi đầu tháng 6 vừa qua đã quyết định nâng cấp Đơn vị chống khủng bố lên thành Bộ phận chống khủng bố, được đặt dưới sự chỉ huy của một trong những lãnh đạo cao cấp nhất của Cảnh sát Hoàng gia Malaysia. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Malaysia ông Zahid Hamidi cho biết, việc nâng cấp đơn vị chống khủng bố cho thấy quyết tâm đấu tranh với các hoạt động khủng bố của Chính phủ nước này.

Với cương vị chủ nhà, Malaysia đang nỗ lực để SEA Games 29 thật sự là ngày hội  thể thao lớn nhất của Đông Nam Á.