Chủ động ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đợt dịch thứ tư tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước, nhất là tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam, với một trong những nguyên nhân quan trọng là do xuất hiện các biến chủng mới được cảnh báo nguy hiểm hơn. Điều này đòi hỏi chúng ta phải chủ động, linh hoạt và sáng tạo hơn trong việc ứng phó với diễn biến mới của tình hình dịch bệnh.
Nhằm thích nghi và ứng phó với diễn biến mới của tình hình dịch bệnh Covid-19 chúng ta đã thực hiện thí điểm việc cách ly F1 tại nhà

Nhằm thích nghi và ứng phó với diễn biến mới của tình hình dịch bệnh Covid-19 chúng ta đã thực hiện thí điểm việc cách ly F1 tại nhà

Dịch bệnh có những diễn biến mới, khác trước

Đợt dịch thứ tư hiện nay dù đang được kiểm soát ở nhiều địa phương nhưng vẫn diễn biến rất phức tạp, nhanh ở TP.HCM và một số địa phương phía Nam. Tính từ ngày 27-4 tới sáng 15-7, trong đợt dịch thứ thư đã ghi nhận 34.582 ca mắc Covid-19, trong đó có 33.909 ca trong nước (chiếm tỷ lệ 98%), 7.547 người đã khỏi bệnh (22%), 100 ca tử vong. Có 11 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 7 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát.

Đáng chú ý, chỉ trong hơn 3 ngày đầu tuần này, cả nước đã ghi nhận thêm 8.187 ca mắc Covid-18 mới tại 34 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố có số ca bệnh mới tăng cao so với tuần trước là TP.HCM (tăng thêm 6.338 ca), Bình Dương (458), Tiền Giang (280), Đồng Nai (222), Đồng Tháp (161), Long An (129), Khánh Hòa (117), Vĩnh Long (114).

Nhìn lại từ khi dịch xuất hiện tại nước ta hồi tháng 1-2020, nước ta đã trải qua 4 giai đoạn dịch Covid-19 với tổng cộng 38.239 ca mắc Covid-19 (tính tới sáng ngày 15-7), trong đó 36.280 ca ghi nhận trong nước và 1.959 ca nhập cảnh, trong đó 27.895 ca ghi nhận trong nước, 9.878 người khỏi bệnh và 138 ca tử vong (số liệu công bố tính tới tối ngày 14-7). Qua mỗi đợt dịch, quy mô, địa bàn, mức độ lây lan dịch bệnh đều tăng.

Bộ Y tế đánh giá, đợt dịch thứ 4 bùng phát có quy mô lớn, nhiều nguồn lây, nhiều chủng, ổ dịch, đặc biệt sự xuất hiện biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 lây lan rất nhanh, nguy hiểm, làm tăng ca bệnh nặng so với 3 đợt dịch trước. Đặc biệt, dịch bệnh không chỉ xâm nhập một số cơ sở y tế mà còn vào các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các sự kiện văn hóa, tôn giáo có tập trung đông người và các đô thị đông dân cư.

Nguyên nhân của đợt dịch thứ 4, theo giới chuyên môn, là do biến chủng virus mới Delta có khả năng lây lan nhanh, mạnh, làm tăng bệnh nặng hơn và không chỉ lây nhiễm theo chuỗi mà còn lây rộng theo chùm, qua không khí. Giới chuyên môn nước ta cũng cho rằng, dịch bệnh Covid-19 tại các quốc gia trong khu vực và các nước láng giềng có diễn biến phức tạp với số mắc tăng cao. Bên cạnh đó, do tại đợt dịch thứ 4 này, dịch lây lan ở các khu công nghiệp và các thành phố lớn tập trung đông dân cư, lưu thông lớn và phức tạp trong khi các địa phương chưa có kinh nghiệm phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp với số lượng lớn người lao động ăn ở, làm việc tập trung nên bị động, lúng túng trong chống dịch thời gian đầu.

Chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong phòng chống dịch bệnh

Diễn biến mới và rất nhanh của tình hình dịch Covid-19 trong đợt dịch thứ 4 hiện nay đặt ra những thách thức không chỉ nghiêm trọng hơn mà còn rất mới mà chúng ta chưa gặp phải trong 3 đợt dịch trước đó. Điều này, đòi hỏi chúng ta phải có những biện pháp chống dịch quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, đồng thời cũng phải mới và phù hợp hơn, chủ động, linh hoạt và sáng tạo hơn nhằm đi trước diễn biến của dịch bệnh một bước. Có như vậy mới có thể sớm không chế, dập thành công đợt dịch thứ 4 hiện nay, đưa mọi hoạt động kinh tế-xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung lực lượng để hỗ trợ dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 Chỉ thị chống dịch số 15, 16, 19, nhưng theo Bộ Y tế, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, một số giải pháp chống dịch cần điều chỉnh, bổ sung, thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Hiện, Bộ Y tế đang chủ trì soạn thảo Dự thảo chỉ thị mới của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 kế thừa các giải pháp hiệu quả của 3 chỉ thị nêu trên, đồng thời nhấn mạnh quan điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng về công tác phòng chống dịch theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tập trung mọi nguồn lực nhằm dập dịch nhanh nhất, đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới.

Dự thảo chỉ thị mới về chống dịch Covid-19 cũng đưa ra nhiều giải pháp chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt. Đó là tăng cường kỷ luật chống dịch, cấp dưới phải tuyệt đối chấp hành chỉ đạo của cấp trên; người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về kết quả phòng chống dịch trong phạm vi, địa bàn quản lý; căn cứ tình hình dịch bệnh địa phương có thể vận dụng linh hoạt, bổ sung các biện pháp khác phù hợp.

Thực hiện khoanh vùng nhanh nhất ở phạm vi hẹp nhất có thể, không máy móc theo địa giới hành chính; bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân khu vực thực hiện cách ly, phong tỏa, có biện pháp phân phối, tiêu thụ hàng hóa, nông sản, thủy sản ở khu vực cách ly, phong tỏa... Trường hợp cần thiết theo diễn biến dịch bệnh, Thủ tướng sẽ quyết định áp dụng giãn cách theo vùng liên tỉnh.

Thích ứng với biến chủng virus mới cũng như thực tiễn tình hình mới, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân Covid-19, trong đó giảm thời gian cách ly y tế từ 21 ngày xuống 14 ngày cho các đối tượng F1 và người nhập cảnh; hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch Covid-19 cho đối tượng F1. Nhằm giảm tình trạng quá tải cho các cơ sở y tế đang điều trị người bệnh Covid-19 tại một số địa phương có số lượng người bệnh và nhu cầu điều trị tăng cao (TP.HCM, Bình Dương...), Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới về quản lý điều trị ca bệnh (F0), trong đó rút ngắn thời gian điều trị tại cơ sở y tế đối với người bệnh không có triệu chứng, ca bệnh phát hiện tại cộng đồng không có triệu chứng lâm sàng, người bệnh đã đủ tiêu chuẩn xuất viện; khi đảm bảo các chỉ số về lây nhiễm và đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, theo dõi tại nơi lưu trú.

Nhất quán với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và “chăm lo, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân là trên hết”, chúng ta đang chủ động thích ứng, linh hoạt và sáng tạo hơn trong việc ứng phó với diễn biến mới của tình hình dịch bệnh.