Chủ động trước mùa mưa bão

(ANTĐ) - Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2010 trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, bão kèm theo mưa lớn có khả năng xuất hiện nhiều và sớm, lượng mưa ở khu vực Bắc Bộ dự báo sẽ cao hơn trung bình hàng năm, cũng có nghĩa công tác phòng chống lụt bão, thiên tai năm 2010 sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ những năm trước, UBND thành phố, Cục Quản lý đê điều, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội đã chủ động lên các phương án phòng chống lụt bão và bảo vệ đê điều.

Chủ động trước mùa mưa bão

(ANTĐ) - Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2010 trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, bão kèm theo mưa lớn có khả năng xuất hiện nhiều và sớm, lượng mưa ở khu vực Bắc Bộ dự báo sẽ cao hơn trung bình hàng năm, cũng có nghĩa công tác phòng chống lụt bão, thiên tai năm 2010 sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ những năm trước, UBND thành phố, Cục Quản lý đê điều, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội đã chủ động lên các phương án phòng chống lụt bão và bảo vệ đê điều.

Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ủy ban phòng chống lụt bão thành phố, công tác tu bổ đê và phòng chống lụt bão đã được tiến hành từ lâu với sự đầu tư lớn. Năm nay, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đầu tư 2 dự án tu bổ đê chống lũ thường xuyên và duy tu với tổng kinh phí 34 tỷ bao gồm hơn 20 hạng mục công trình, nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ đầu tư chống sạt lở là gần 100 tỷ. Thành phố cũng đầu tư hơn 46 tỷ. Ngoài ra thành phố còn đầu tư kinh phí hàng trăm tỷ đồng cho các quận huyện trong công tác phòng chống lụt bão. Điều đó cho thấy, công tác phòng chống lụt bão được Bộ Nông nghiệp, thành phố hết sức quan tâm với mục tiêu ngày 30- 4 hoàn thành tu bổ kè và 30-5 hoàn thành tu bổ đê.

Hiện nay, Hà Nội có 20 tuyến đê chính với tổng chiều dài 469,913km, trong đó có 6 trọng điểm PCLB và các vị trí xung yếu cần chú ý như đê hữu Hồng thuộc huyện Phúc Thọ, cống Liên Mạc, cụm công trình cống qua đê Yên Sở, đê, kè Gia Thượng, Thanh Am, đê, kè Xuân Canh (Đông Anh), Đổng Viên (Gia Lâm)... Với mỗi vị trí này, UB PCLB đều chuẩn bị những phương án cụ thể với từng trọng điểm.

Những phương tiện như rọ thép lõi đá hộc để thả xuống khu vực sạt lở, bao cát, xà lan, ôtô vận chuyển, thuyền, lực lượng thi công, máy phát điện, lực lượng y tế và cứu hộ, lực lượng hậu cần phục vụ đều đã được chuẩn bị đầy đủ tại mỗi khu vực. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão kiểm tra, đánh giá toàn bộ hiện trạng đê điều, từ đó tu sửa ngay những nơi xung yếu, kiểm kê vật tư dự trữ trong công tác PCLB trên các trọng điểm và tuyến đê chống lũ và các cống nội địa, các hồ đập, trạm bơm và công trình thủy lợi nói chung.

Lũ rừng ngang và lũ quét cũng có khả năng sẽ xảy ra ở khu vực ven núi huyện Mỹ Đức, vùng hữu Bùi thuộc huyện Chương Mỹ và các xã miền núi Ba Vì và Sóc Sơn. Phương án phát hiện và khẩn trương sơ tán người, tài sản, tìm kiếm cứu nạn đã được chỉ đạo xuống từng cơ sở. Đối với hệ thống công trình trên địa bàn thành phố, các phương án chống úng ngập cũng đang được chỉ đạo sát sao.

Ngoài ra, công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng hệ thống đê điều và đầu tư nâng cấp những đoạn trọng yếu, rà soát bổ sung các phương án sơ tán dân, nâng cao nhận thức cộng đồng đối với hiểm họa thiên tai, đôn đốc công tác chuẩn bị, nhất là phương án “4 tại chỗ” đồng thời, tăng cường dự báo bão, lũ... cũng được tập trung triển khai và hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2010. Tuy nhiên, mặc dù đã được đầu tư, nâng cấp và chuẩn bị hết sức chu đáo, khẩn trương với mục tiêu giảm đến mức thấp nhất những hậu quả do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm 2010, song công tác PCLB của thành phố vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, những tình huống bất ngờ và khó lường có thể xảy ra như mùa  mưa bão cuối năm 2008, lượng mưa lớn gây sạt lở, úng ngập đối với các tuyến đê chống lũ thường xuyên là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, hệ thống đê nội địa với những yêu cầu về thiết kế, đầu tư còn hạn chế tại khu vực Hà Tây cũ cũng là một khó khăn không nhỏ nếu có những biến cố bất thường. Một số các công trình thủy lợi được xây dựng từ lâu, công nghệ, máy móc lạc hậu, hệ thống kênh mương bồi lắng sẽ dẫn đến việc tiêu thoát nước chậm. Cùng với đó, trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng, các khu công nghiệp, xây dựng phát triển cũng là một trong những nguyên nhân gây ách tắc kênh tiêu, thay đổi địa hình. Và một thực tế khác là sạt lở trên các tuyến sông chống lũ vẫn xảy ra, lũ lên và nước rút đều gây sạt lở. 

Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn, ngoài việc thực hiện sự chỉ đạo của thành phố linh hoạt trong công tác phòng chống lụt bão thì các quận huyện cũng cần có phương án “phòng tránh - đối phó kịp thời - khắc phục khẩn trương”, tránh mọi tư tưởng chủ quan, ỷ lại, trông chờ. Với phương châm “phòng là chính - chống tích cực”, hy vọng chúng ta sẽ đối phó có hiệu quả với lụt bão có thể xảy ra trong năm nay.  

Khánh Huyền