Chủ động tăng 1% tỷ giá để ổn định thị trường

ANTĐ - Theo tỷ giá mới, mức trần được nới rộng từ 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD. 

Sáng 7-5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chính thức điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1%, theo đó mức trần được nới rộng từ 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD. 

Theo NHNN, thời gian qua, tỷ giá có xu hướng tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý và kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, tỷ giá trên thị trường vẫn diễn biến trong biên độ quy định của NHNN. Để chủ động thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đối phó với các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế, NHNN quyết định điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ áp dụng từ ngày 7-5-2015 từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD. 

Chủ động tăng 1% tỷ giá để ổn định thị trường ảnh 1

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định việc tỷ giá được điều chỉnh tăng 1% 
là phù hợp với thị trường 

Với biên độ tỷ giá +/-1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần là 21.890 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.456 VND/USD. Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để tiếp tục ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trên mặt bằng giá mới.

Sau quyết định của NHNN, các ngân hàng thương mại đã ngay lập tức điều chỉnh mức giá niêm yết theo hướng tăng từ 50-70 đồng mỗi USD. Ngay trong buổi sáng, tỷ giá VND/USD được Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) niêm yết ở mức 21.670 VND/USD (mua vào) tăng 50 đồng và 21.740 VND/USD (bán ra) tăng 70 đồng so với ngày hôm trước. Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cùng có giá niêm yết là 21.660 – 21.740 VND/USD. Sang buổi chiều, tỷ giá niêm yết đã điều chỉnh giảm nhẹ. Báo An ninh Thủ đô đã ghi lại một số ý kiến của chuyên gia  về vấn đề này.

TS. Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á:

Tăng 1% là vừa đủ

“Biến động tỷ giá trong những ngày vừa qua cho thấy, cần có sự điều chỉnh. Việc tăng thêm 1% ở thời điểm này cũng là hợp lý. Mức tăng này vừa đủ để cho các doanh nghiệp điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm. Việc điều chỉnh giúp thị trường ngoại tệ ổn định hơn, tỷ giá sát với thị trường hơn.

Người dân, doanh nghiệp còn có tâm lý giữ ngoại tệ không bán ra, thậm chí mua vào chờ tỷ giá tăng để hưởng chênh lệch. Nếu có điều chỉnh tiếp cũng phải bước sang đầu năm sau. Bối cảnh đồng USD tăng giá sẽ tiếp tục tạo tâm lý găm giữ, thu gom USD khiến nguồn cung khan hiếm hơn nhưng sức ép này không thực sự quá lớn”. 

TS. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: 
Không tác động tiêu cực tới lạm phát

“Khi tỷ giá được các ngân hàng TMCP điều chỉnh tăng chạm trần, tôi đã đề xuất NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng với mức 0,5%. Vì vậy, việc tỷ giá được điều chỉnh tăng thêm 1% là phù hợp với tình hình thị trường.

Theo lý thuyết về sức mua tương đồng thì giá trị tiền VND được giữ ở mức cao. Tuy nhiên, thị trường bên ngoài luôn buộc chúng ta phải điều chỉnh do tỷ giá của Việt Nam chưa sát với thị trường. Điều chỉnh tăng thêm 1% mới chỉ góp phần “hạ nhiệt” nhưng sẽ không dừng lại ở đây. Chính vì thế, có lẽ cần điều chỉnh thêm 1% nữa từ nay tới cuối năm.

Tỷ giá tăng thêm 1% khiến giá hàng nhập khẩu tăng theo và khả năng sẽ làm tăng lạm phát thêm khoảng 0,2%. Còn đối với các ngân hàng, để giữ chân khách hàng, tránh tình trạng rút tiền mua USD thì có thể lãi suất sẽ có xu hướng tăng lên. Hiện Việt Nam đang kiểm soát tốt lạm phát, dù giá xăng tăng, tỷ giá điều chỉnh... nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Chúng ta không lo việc điều chỉnh tác động quá tiêu cực tới lạm phát”. 

TS. Cấn Văn Lực - Giám đốc Trường Đào tạo Ngân hàng BIDV:
Điều chỉnh là phù hợp

“Việc NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng thêm 1% là phù hợp với thời điểm hiện nay. Trường hợp không điều chỉnh sẽ tạo ra diễn biến tâm lý, sức ép khá căng thẳng. Với mức 1%, NHNN đã điều chỉnh hết biên độ đặt ra cho cả năm. Tuy nhiên, việc điều chỉnh hết biên độ dự kiến sẽ tạo ra sức ép khá lớn trong giai đoạn từ nay tới cuối năm. 

Biên độ điều chỉnh mục tiêu mà NHNN đặt ra cho cả năm là 2% được vạch ra trong bối cảnh thị trường chưa có những biến động lớn về giá USD về giá dầu. Còn thực tiễn chúng ta cần phải có sự linh hoạt trong điều chỉnh cho sát với thị trường”. 

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam:
Xuất khẩu thủy sản sẽ gặp khó 
Chủ động tăng 1% tỷ giá để ổn định thị trường ảnh 5

“Thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm sút. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do tỷ giá có diễn biến bất lợi cho thị trường Việt Nam. Đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác nên các nhà nhập khẩu liên tục đề nghị đàm phán giảm giá trong khi giá thành sản xuất trong nước và nhập khẩu nguyên liệu không giảm. 
Các kết quả rà soát thuế chống bán phá giá cũng như việc khôi phục sản xuất ở một số nước xuất khẩu lớn như: Ấn Độ, Thái Lan cũng gây ra khó khăn không nhỏ cho xuất khẩu thủy sản. Để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản, cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm các thị trường mới, tránh dàn trải mà cần tập trung vào nội dung, cách làm. Đồng thời, phải đẩy mạnh, phối hợp với các tham tán thương mại, thương vụ của Việt Nam nhằm có thêm thông tin về thị trường xuất khẩu”.