Chủ động phòng ngừa, đấu tranh xử lý vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong 6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng thuộc Công an TP Hà Nội đã phối hợp Cục QLTT thành phố triển khai nhiều biện pháp, chương trình, kế hoạch tập trung đấu tranh xử lý các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm, qua đó kiểm tra, xử lý hơn 2.783 vụ việc...

Thực tế diễn biến phức tạp

Theo thông tin từ CATP Hà Nội, nửa đầu năm 2024, hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp. Các mặt hàng chủ yếu được vận chuyển, kinh doanh chủ yếu như bánh kẹo, bia rượu, thực phẩm chức năng, thực phẩm đông lạnh… các nguyên liệu thực phẩm. Trong hoạt động này bộc lộ một số vi phạm chủ yếu như lợi dụng việc tạm nhập tái xuất để kinh doanh thực phẩm trái phép, thực phẩm hết hạn sử dụng, trà trộn các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ có mẫu mã tương tự hàng nhập khẩu chính ngạch gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như nhận biết của người tiêu dùng.

Kiểm tra, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm

Kiểm tra, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm

Thực trạng sản xuất kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái các thương hiệu đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu vẫn tiếp tục diễn ra, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Việc sử dụng các loại hoá chất ngoài danh mục trong bảo quản, chế biến thực phẩm, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng hoặc không đảm bảo an toàn, sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ hoá chất công nghiệp vẫn diễn ra trên địa bàn TP Hà Nội.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm chức năng tiếp tục có xu hướng tăng mạnh với nhiều mẫu mã và sản phẩm mới, nhiều trong số đó là hàng giả, hàng nhái, không được kiểm định chất lượng. Trước nhu cầu tiêu thụ thực phẩm chức năng tăng cao, lợi nhuận lớn, tình hình vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng có nhiều diễn biến phức tạp. Các tổ chức, cá nhân vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng ngày càng nhiều với thủ đoạn tinh vi và quy mô lớn. Phần lớn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng được nhập từ biên giới qua đường tiểu ngạch vận chuyển về nội địa thay đổi bao bì, nhãn mác.

Kiên quyết đấu tranh xử lý các vi phạm

Trước diễn biến phức tạp về an toàn thực phẩm, các lực lượng chức năng CATP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp, kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn... Trong đó, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an các quận, huyện, thị xã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quản lý thị trường, Hải quan… tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm.

Cùng đó, các đơn vị chủ động phối hợp với các ban - ngành, đoàn thể tại địa phương tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm ký cam kết an toàn thực phẩm năm 2024. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm.

6 tháng qua, CATP đã kiểm tra, xử lý 2.783 vụ việc, trong đó xử lý hình sự 6 vụ, 24 bị can phạm tội sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; xử phạt hành chính 2.740 vụ, xử phạt số tiền 9,1 tỷ đồng...

Điển hình, ngày 12-1-2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Ngọc Phương (SN 1994, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội); Phùng Thị Mai (SN 1993, trú tại huyện Ba Vì, Hà Nội), Vũ Quang Trường (SN 1999, trú tại quận Nam Từ Liêm); Trần Thanh Xuân (SN 2000, trú tại tỉnh Thanh Hoá) và Mai Văn Phương (SN 1999, trú tại Thanh Hoá) về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm” xảy ra tại Hà Nội.

Trong đó, Phùng Thị Mai sản xuất hàng giả là thực phẩm chức năng hiệu ALIPAS tại huyện Ba Vì rồi bán cho Trịnh Ngọc Phương và Xuân để tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội. Mai Văn Phương sản xuất hàng giả tại Thanh Hoá rồi bán cho Trường và Xuân tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, CATP Hà Nội đã khám xét 2 xưởng sản xuất của 2 nhóm đối tượng, phát hiện và thu giữ tổng số 878 hộp thực phẩm chức năng giả cùng nhiều viên thuốc, nguyên liệu, công cụ sản xuất hàng giả là thực phẩm chức năng.

Tiếp đó, ngày 17-4, Phòng Cảnh sát kinh tế CATP Hà Nội đã phối hợp Cục QLTT thành phố kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh đối với cơ sở kinh doanh Hải sản Phú Thành, địa chỉ tại chợ Tam Hiệp, huyện Thanh Trì do Phạm Thanh Tuấn (SN 1975, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn đã phát hiện và tạm giữ hơn 1 tấn nầm lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Căn cứ hành vi vi phạm, Cục QLTT Hà Nội đã xử phạt trường hợp này số tiền 77,5 triệu đồng.