Chủ động ngay từ đầu năm

ANTĐ - Hôm qua (25-12), Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013.

Năm 2013, sẽ thực hiện một loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp

Giảm lệ phí trước bạ

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, một trong những thành công lớn của năm 2012 là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiềm chế ở mức thấp. CPI tháng 12-2012 tăng 6,81% so với tháng 12-2011, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của các năm trước và đạt được mục tiêu đề ra. Lãi suất cho vay giảm từ 5-8% so với cuối năm 2011. Bội chi ngân sách Nhà nước bằng 4,8% GDP. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 ước đạt trên 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (13%).

Dự báo tình hình năm 2013 còn diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu ra 9 nhóm giải pháp lớn. Trong đó, trọng tâm là tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh bằng những giải pháp cụ thể, quyết liệt để giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho. Ông nhấn mạnh: “Tâm lý xã hội về lạm phát vẫn còn nặng nề. Do đó, không được chủ quan vì giá cả thị trường thế giới vẫn thất thường… Chính phủ xác định lạm phát năm 2013 phải thấp hơn năm 2012. Phải thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động. Điều hành lãi suất theo thị trường, tăng cường quản lý thị trường vàng, cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối; tiếp tục tái cơ cấu hệ thống tín dụng, ngân hàng...”.

Trình bày nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, Chính phủ sẽ tập trung 2 vấn đề chính: giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu, nợ đọng. Về hỗ trợ thị trường, Chính phủ sẽ triển khai các giải pháp về thuế, phí, tăng cường khả năng vay vốn... Cụ thể, sẽ gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT cho những doanh nghiệp có nhiều lao động, chế biến, gia công… Đặc biệt, Chính phủ không ban hành chính sách thực hiện việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện. Đồng thời, sẽ giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi. Mức thu chung sẽ là 10%. Các địa phương được điều chỉnh tăng không quá 50% mức quy định chung. Đối với ô tô đăng ký lần 2 trở đi, mức thu chung là 2% và thực hiện thống nhất trên toàn quốc.

Ưu tiên vốn cho người mua nhà

Liên quan tới vốn tín dụng, sẽ tiếp tục giảm lãi suất, có biện pháp tăng tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu... đến hết năm 2013. Chính phủ sẽ chỉ đạo ưu tiên cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội với lãi suất, kỳ hạn hợp lý. Ngân hàng Nhà nước sẽ dành từ 20-40 nghìn tỷ đồng, với lãi suất hợp lý, kỳ hạn 10 năm để các ngân hàng thương mại cho đối tượng này vay. Chính phủ cũng đề nghị giảm 50% tiền thuê đất năm 2013, năm 2014 đối với các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân.

Về vấn đề nóng - cứu thị trường bất động sản - Phó Thủ tướng cho biết, sẽ rà soát các loại dự án và đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tái cơ cấu, điều chỉnh kinh doanh phù hợp với thị trường. Cùng với đó, sẽ nghiên cứu để sớm hình thành các định chế tài chính mới như Quỹ Tiết kiệm nhà ở, Quỹ đầu tư bất động sản, Cơ quan tái thế chấp nhà ở... nhằm tạo kênh huy động vốn trung và dài hạn cho thị trường. Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo xem xét việc mở rộng đối tượng và điều kiện mua và sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Về giải quyết nợ xấu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động triển khai các giải pháp tự xử lý nợ xấu như đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý, thu nợ.

Thống nhất cao với các giải pháp cụ thể, quyết liệt của Chính phủ, các địa phương mong Chính phủ sớm hoàn thiện và thông qua Nghị quyết để có căn cứ triển khai thực hiện. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng kiến nghị, thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ nên kéo dài hơn 1 năm (có thể đến hết năm 2014) để doanh nghiệp có thể tập trung nguồn lực tốt hơn. Đánh giá giải pháp miễn, giảm thuế là cần thiết, song Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Dương Anh Điền kiến nghị cần có giải pháp cân đối hợp lý để các địa phương không quá lo lắng khi nguồn thu bị hụt đi. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Quân đề nghị phải chủ động quyết liệt ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2013. Ông nói: “Không nên để rơi vào tình trạng bị động, lúng túng như năm 2011, 2012. Quý I thường là giai đoạn nước rút, nếu không chuẩn bị trước, hiệu quả sẽ thấp...”.

Hà Nội đề xuất phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu

Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng cho biết, TP đề xuất Chính phủ cho phép phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu xây dựng Thủ đô trong 3 năm (2013-2015). Khoản tiền này chủ yếu dùng để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung cho Thủ đô.