Chủ động làm quen với cách thi mới

ANTD.VN - Với gần 80.000 học sinh lớp 12 của Hà Nội, kỳ thi học kỳ I năm học 2016-2017 là cơ hội để các em tiếp cận với cách ra đề và tổ chức thi THPT quốc gia diễn ra vào tháng 6-2017. Tuy nhiên, thay vì thi theo đề thi chung do Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra theo dự kiến ban đầu, hiện các trường phải tự ra đề, tự tổ chức kiểm tra.

Chủ động làm quen với cách thi mới ảnh 1

Học sinh lớp 12 đang tập trung làm quen với cách thi mới ngay từ kỳ thi học kỳ I năm nay

Không thi chung như dự kiến

Theo dự kiến ban đầu của Sở GD-ĐT Hà Nội, các trường THPT sẽ tổ chức kiểm tra cuối học kỳ 1 năm học 2016-2017 đối với khối 12 giống như thi THPT quốc gia 2017. Theo đó, học sinh được phát số báo danh, có đề thi riêng, việc chấm thi bảo đảm theo đúng quy trình, môn ngữ văn tự luận rọc phách, các trường chấm chéo, còn lại tất cả môn thi trắc nghiệm sẽ gửi về Sở GD-ĐT để chấm bằng máy. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các trường lại được thông báo phải tự túc, thay vì thi chung như dự kiến.

Thay đổi này khiến không ít trường ngỡ ngàng vì việc chuẩn bị đề thi theo hướng tiệm cận với cách ra đề của Bộ GD-ĐT không đơn giản. Việc ra đề trắc nghiệm cho hầu hết các môn đòi hỏi nhà trường phải đầu tư ngân hàng câu hỏi tốt và nắm được các kỹ thuật làm đề để đảm bảo đánh giá đúng năng lực học sinh, bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của kỳ thi THPT quốc gia.

“Các trường mong muốn thi chung đề để có đánh giá khách quan trên mặt bằng rộng. Kết quả này sẽ là căn cứ để gia đình, nhà trường và bản thân học sinh cùng nhìn lại quá trình dạy và học để điều chỉnh kịp thời trước khi chính thức bước vào kỳ thi quan trọng vào tháng 6 tới. Với học sinh lớp 12, thời gian chuẩn bị và ôn thi không còn nhiều, do vậy phải tranh thủ tận dụng mọi cơ hội để làm quen với cách thi mới, đảm bảo đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi THPT quốc gia 2017” - bà Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai chia sẻ.

Thêm một khó khăn cho các trường là môn Giáo dục công dân trong đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT đòi hỏi cao về ứng dụng thực tế, trong khi nhiều nội dung viết trong sách giáo khoa chưa đi sâu, lại có quá ít tiết trong một tuần.

Đề thi minh họa môn này yêu cầu học sinh hiểu biết về pháp luật xã hội, đời sống. Muốn vậy, học sinh không chỉ nắm vững  kiến thức trong sách giáo khoa mà còn phải học hỏi, trau dồi kiến thức ở cuộc sống đời thường. Đây là điều khá khó khăn với cả giáo viên và học sinh khi một tuần chỉ có 1 tiết Giáo dục công dân.

Diễn tập giống thi THPT quốc gia

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy cho biết, nhà trường đã chủ động xây dựng ngân hàng câu hỏi và nghiên cứu cách ra đề dựa theo đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2017 của Bộ GD-ĐT ngay từ đầu năm. Do vậy, việc tổ chức kiểm tra giữa kỳ cũng đã được giáo viên trong xây dựng theo cách thi THPT quốc gia.

“Giáo viên các bộ môn khá vất vả trong việc vừa dạy học vừa tổ chức làm đề thi, kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu mới nhưng như thế học sinh mới có điều kiện làm quen, cọ xát trước khi chính thức bước vào kỳ thi này vào tháng 6 tới” - bà Nguyễn Thị Nhiếp cho biết.

Tương tự, các trường THPT khác cũng đang tích cực thay đổi phương pháp dạy học và kiểm tra, cho học sinh đăng ký lựa chọn các tổ hợp môn để chuẩn bị cho đợt kiểm tra cuối học kỳ 1.

Ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT WellSpring, quận Long Biên cho biết, nhà trường yêu cầu đối với các bài kiểm tra 1 tiết, giáo viên thực hiện theo dạng đề minh họa để học sinh làm quen với dung lượng kiến thức  đã học. Hiện nhà trường đã cho học sinh đăng ký lựa chọn nhóm môn để chủ động kế hoạch, mỗi tổ chuyên môn đều chuyển đổi ma trận đề sang dạng thích hợp với kỳ thi THPT quốc gia. 

Tuy nhiên, khó khăn với khối 12 là việc các em vẫn phải đảm bảo đủ cơ số điểm với tất cả các môn thi bên cạnh việc ưu tiên các môn tự chọn như trong kỳ thi THPT quốc gia. Để giải quyết tình trạng này, nhiều trường phải tổ chức dạng đề kiểm tra có phần tự chọn dành riêng cho khối tự nhiên và khối xã hội.

Bên cạnh đó, các trường cũng triển khai hình thức thi trắc nghiệm với khối lớp 10, 11 theo hướng 50% câu hỏi trắc nghiệm và 50% tự luận để các em tiếp cận dần dần với hình thức trắc nghiệm khi hình thức thi này dự kiến sẽ được tiếp tục duy trì trong kỳ thi THPT quốc gia các năm sau.