Chủ động hóa giải nguy cơ

ANTĐ - Có hàng trăm nguyên nhân dẫn tới bạo lực trong đời sống xã hội. Đạo đức xã hội suy đồi, phân hóa giàu nghèo, sự tham lam, ích kỷ, thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng sống, thiếu chế tài nghiêm khắc, nghiện game online, lạm dụng bia rượu... đều có thể là căn nguyên dẫn tới những hành vi bạo lực. Người dân lo lắng khi cách hành xử, giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm diễn ra thường ngày. 

Đa số lên án gay gắt những hành vi đó nhưng hầu như quên mất rằng chính mình luôn ở thế bị động trong tình huống có thể phát sinh bạo lực. Chúng ta sẽ phải hành xử như thế nào để bạo lực không bùng phát hoặc hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại khi gặp phải hành vi bạo lực? Nên dùng lý lẽ giải thích, thỏa hiệp; tự kiềm chế, xuống nước, xin lỗi, bỏ chạy hay cũng đe dọa dùng bạo lực ở mức độ cao hơn đối phương? Đó là câu hỏi mà không phải ai cũng có thể trả lời một cách chính xác, khoa học.

Để có được cách hành xử đúng đắn, phù hợp trong tình huống có thể phát sinh bạo lực, mỗi người nên tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng phòng ngừa cần thiết ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bên cạnh việc trang bị cho học sinh những hiểu biết thực sự về văn hóa ứng xử trong cộng đồng, ngành giáo dục phải có trách nhiệm hình thành cho các em ý thức về cái đẹp, cái thiện. Quan trọng hơn, chúng ta phải giáo dục học sinh luôn biết tôn trọng con người, tôn trọng xã hội và tuân thủ nghiêm túc những nguyên tắc cơ bản của nó. Chúng ta vẫn nghĩ đạo đức, văn minh, văn hóa là cái gì đó xa lạ nhưng đôi khi đó chỉ đơn giản là không chen ngang khi xếp hàng để mua vàng ngày “vía Thần tài” hay trong lúc chờ đợi tới lượt lên cáp treo thăm chùa ở trên núi. Cộng đồng sẽ hành xử như thế nào khi một thanh niên chen ngang lên trước những người già, trẻ em đã xếp hàng hàng giờ trước đó? Ai đó sẽ bức xúc rồi buông lời phê phán và bạo lực rất có thể sẽ bùng phát.

Bạo lực có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, trong gia đình, ngoài xã hội, nơi công sở, trường học, hàng ăn, quán karaoke hay nơi lễ hội. Trong đó, các hành vi bạo lực nếu xảy ra ở nơi công cộng, đông người là nguy hiểm nhất, bởi nó dễ tạo ra hiệu ứng đám đông, gây nguy hại tới rất nhiều người. Thế giới đã chứng kiến rất nhiều thảm họa đau lòng khi hành vi bạo lực bùng phát ở một đám đông thiếu kiểm soát. Khi đó, mâu thuẫn giữa cá nhân hoàn toàn có thể phát triển thành xung đột giữa các nhóm tập thể và lan rộng. Thế nên, không chỉ với mỗi cá nhân, kỹ năng, phương án phòng chống, ngăn chặn hành vi bạo lực ở nơi công cộng là đặc biệt quan trọng với lực lượng chức năng. 

Với tầm nhìn xa và được sự chỉ đạo, đồng ý của Bộ Công an và TP Hà Nội, ngay trước Tết Nguyên đán 2015, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ huy các lực lượng liên quan của CATP Hà Nội diễn tập phương án cứu hộ, cứu nạn; cấp cứu nạn nhân khi xảy ra tình huống tai nạn do chen lấn, xô đẩy trong đám đông. Không chỉ giúp tăng khả năng xử lý tình huống, sự phối hợp hiệp đồng của các lực lượng chức năng, cuộc diễn tập đã thể hiện sự chủ động chuẩn bị của các cơ quan quản lý Nhà nước trước bất kỳ tình huống nào cũng như gửi tới nhân dân Thủ đô và cả nước thông điệp về trách nhiệm, ý thức bảo vệ cộng đồng, kỹ năng tự phòng ngừa, xử trí cụ thể khi xảy ra hành vi bạo lực nơi tập trung đông người. Cũng chính nhờ sự chủ động trong mọi tình huống như thế, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ở Hà Nội đã luôn được đảm bảo, thành phố luôn yên bình trong suốt nhiều năm qua, như Tiến sĩ Katherine Mulle-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã nói: “Dù là người Việt Nam hay bạn bè quốc tế, khi đến Hà Nội, bạn đều được hưởng sự an bình, vui vẻ, thân thiện, hiền hòa mà thành phố dành tặng”...