Chủ động đón “làn sóng” đầu tư từ Nhật Bản

ANTĐ - Khoảng 50% doanh nghiệp Nhật Bản có ý định đầu tư ra nước ngoài rất muốn đến Việt Nam. Đầu tư từ Nhật Bản được đánh giá là ổn định và chất lượng nên Việt Nam cần chủ động khai thác, thu hút nguồn vốn từ quốc gia này.

Chủ động đón “làn sóng” đầu tư từ Nhật Bản ảnh 1Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản muốn đến Việt Nam đầu tư

Việt Nam - Điểm đến hấp dẫn

Theo số liệu thống kê chưa chính thức của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI), 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) Nhật Bản có ý định đầu tư ra nước ngoài muốn hướng tới thị trường Việt Nam. Ông Đinh Ngọc Hải - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, xu hướng đầu tư của các công ty Nhật Bản cũng được đa dạng hóa, từ chỗ chỉ là các doanh nghiệp lớn, tập trung vào lĩnh vực sản xuất thì nay đã mở rộng sang SMEs đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ, công nghệ thông tin, nhân lực, nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ. “So với các doanh nghiệp lớn, SMEs có những điều kiện khác biệt. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần cách tiếp cận hiệu quả hơn”- ông Đinh Ngọc Hải nói. 

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho biết, tính đến hết tháng 9-2014, Nhật Bản đứng thứ ba trong số các quốc gia có vốn FDI tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,43 tỷ USD, chiếm 12,9% tổng vốn đầu tư. Các dự án của Nhật Bản được triển khai trên 16/18 ngành, lĩnh vực nhưng dẫn đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 86 dự án cấp mới và 74 dự án tăng vốn với tổng số vốn đăng ký là 1,028 tỷ USD (chiếm 74,1% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ hai là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng số vốn 131,86 triệu USD (chiếm 9,2% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ ba là lĩnh vực xây dựng (chiếm 5,9% tổng vốn đầu tư). 

Theo ông Đinh Ngọc Hải, Nhật Bản muốn có sự ủng hộ của Việt Nam trong quá trình gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mặt khác, các doanh nghiệp nước này có xu hướng rút đầu tư khỏi Trung Quốc, chuyển về Việt Nam. “Sắp tới, Việt Nam vẫn là điểm đến quan trọng của doanh nghiệp Nhật Bản” - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản dự báo.

Cơ hội nâng cao trình độ nhân lực

SMEs đóng vai trò lớn trong nền kinh tế Nhật Bản, chiếm đến 97% số doanh nghiệp ở quốc gia này. Tuy nhiên, ông Nogo Kondo - đại diện một công ty Nhật Bản đang tìm hiểu thị trường Việt Nam cho hay, 1/4 lãnh đạo các doanh nghiệp này đã quá già khiến cơ hội làm ăn bị thu hẹp lại. Vì vậy, doanh nghiệp Nhật Bản muốn tìm thị trường có dân số trẻ, nhiều tiềm năng như Việt Nam. Trên thực tế, các công ty Nhật Bản đã mở lớp dạy tiếng Nhật và đưa nhiều công nhân Việt Nam sang thực tập tại Nhật Bản để học tập kinh nghiệm. Ông Đinh Ngọc Hải cho biết: “Việt Nam có nhiều lao động trẻ khỏe nhưng Nhật Bản lại thiếu. Hiện tại, có trên 5 triệu người có kinh nghiệm đã nghỉ hưu ở Nhật Bản có thể hỗ trợ cho Việt Nam”. 

Theo đánh giá của giới chuyên môn, chất lượng các dự án do doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư khá ổn định, đồng đều và đảm bảo. Kỹ sư người Nhật giàu kinh nghiệm và có tính kỷ luật cao. Vì vậy, lao động Việt Nam làm việc trong công ty Nhật Bản sẽ học hỏi được những kinh nghiệm cần thiết để thành công. Hiện nay, Nhật Bản có khoảng 1.000 doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta, đồng nghĩa với việc hàng vạn lao động Việt Nam được tạo việc làm. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh đầu tư FDI từ Nhật Bản suy giảm, muốn thu hút được nguồn vốn đầu tư và trình độ công nghệ của quốc gia này, các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam cần có cách thức tiếp cận doanh nghiệp Nhật Bản một cách hợp lý, đặc biệt là SMEs. Mong muốn của các SMEs Nhật Bản là được đầu tư vào những nơi có cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo an toàn vệ sinh và môi trường khu công nghiệp phù hợp; có nhà ở, trường học, bệnh viện… hoàn chỉnh; có nguồn lao động hiểu phong cách làm việc, văn hóa và tiếng Nhật…