ca sĩ Trần Thu Hà:

Chú, cháu cùng máu lãng tử

ANTĐ - Trở về nước với vai trò giọng ca “đinh” trong đêm nhạc của chú ruột- Trần Tiến, cô cháu gái Trần Thu Hà không ngại…“kể tội” vị nhạc sĩ tài ba bằng những câu chuyện thú vị mà chỉ có người trong cuộc mới biết.
Chú, cháu cùng máu lãng tử ảnh 1

Trốn viện để về nhà viết nhạc!

Nữ ca sĩ gốc Hà Nội tâm sự, 10 năm rồi cô vẫn nhớ như in cái ngày chú Trần Tiên đột nhiên đau bụng dữ dội phải đi cấp cứu.Cô tức tốc vào bệnh viện, thấy chú mình đang nhăn nhó nằm trên giường bệnh, gương mặt xanh xao, giọng nói lại rất yếu ớt. Ông ra hiệu bảo cô ra ngoài mua cho mình một cuốn vở học sinh và cây bút để… viết di chúc. Thương chú, lại lo lắng không hiểu chuyện gì đang xảy ra, cô chạy ngay ra ngoài tìm mua bút vở. Nhưng về đến nơi nhìn quanh không thấy chú mình đâu, còn mọi người lại đang nháo nhác tìm ông khắp bệnh viện. Cô và một số người thân sốt sắng trở về nhà tìm thì thấy ông đang ngồi  giữa nhà, ngay cạnh chiếc đàn, tay lăm lăm ghi chép nốt nhạc và cười rất tươi. Hóa ra lúc nằm ở trong bệnh viện, ông giả vờ nhờ người đẩy ra chỗ đi vệ sinh, rồi “móc nối” với một người bạn nhờ mang một chiếc xe đẩy khác chờ sẵn ở đó, tranh thủ không ai để ý rồi “chuồn” khỏi viện. Thấy vẻ mặt lo âu xen lẫn ngạc nhiên của mọi người, ông vỗ ngực cười tươi rói: “Chú khỏe rồi, hết bệnh rồi, chú vừa được truyền một nguồn năng lượng đặc biệt nên khỏe lắm”. 

Trần Tiến kể trong lúc nằm trên giường bệnh và tưởng như mình sắp chết đến nơi, ông mơ thấy mình rơi vào một con đường hầm sâu hun hút với rất nhiều thứ ánh sáng kỳ lạ và đủ màu sắc. Tỉnh dậy ông một mực tìm cách trốn về nhà và ghi lại những cảm xúc kỳ lạ đó viết thành ca khúc “Sắc màu”. Chỉ có điều 3 hôm sau khi tuyên bố khỏe thì ông lại phải nhập viện cấp cứu một lần nữa. Lần này, bác sĩ chỉ định mổ bởi ông bị viêm ruột thừa cấp mà chỉ cần chậm thêm ngày nữa thôi là sang thế giới bên kia. Ca khúc này sau đó được cô cháu gái Trần Thu Hà thể hiện rất thành công và trở thành một trong những bài “tủ” đóng đinh với tên tuổi của cô. Nhớ lại, nữ ca sĩ nói vui lần nào ông chú ngã bệnh là y rằng sáng tác ra các ca khúc hay, mà người hưởng lợi nhất lại là cô vì được dịp “đánh bóng” tên tuổi và giọng hát của mình. Thế nên lâu lâu ông không… ốm là cô lại nói đùa: “Cháu cứ mong chú bệnh nhiều”. 

“Chú tôi hay… khóc lắm!”

Trần Thu Hà bảo cô với chú Trần Tiến không chỉ gần gũi trong âm nhạc mà còn rất gần nhau trong cả quan niệm sống. Thậm chí nhiều lúc Trần Tiến còn gần gũi với cô về mặt tinh thần có khi hơn cả bố - NSND Trần Hiếu. Cô tự tin rằng mình hiểu nhạc của chú mình nhất, đó là một gia tài lớn mà nếu không thai thác thì quá uổng nhưng mà cũng “kén người khai thác lắm!”. Cô cũng tự nhận trong mình có dòng máu lãng tử của ông chú, có lẽ cũng bởi thế mà ngày cô ra đời, biết cha mẹ cô đặt tên cho cháu gái mình là Trần Thu Hà, ông liền sáng tác bài hát “Dòng sông mùa thu” để tặng cô. Dường như trong ca khúc đó ông đã gửi gắm dự cảm về cuộc đời  cháu gái thân yêu của mình mà ngẫm lại, cô bảo thấy cũng có phần đúng.

Còn riêng cô cho đến bây giờ cứ lần nào nghe ca khúc “Quê nhà” do ông sáng tác là cô lại hình dung ra hình ảnh ông vừa ôm đàn ca hát vừa mếu máo khóc. Cô bảo trông thế chứ ông cũng hay khóc lắm, cứ hát bài nào viết về gia đình, về quê hương là ông lại khóc. Cô cũng nghe kể ngày nhỏ ông sợ nước lắm. Thấy vậy bố cô mới lôi ông em trai ra bờ ao, dìm xuống nước để dạy bơi nhưng kết quả là ông uống no bụng nước mà vẫn không biết bơi. Chỉ đến khi bố cô bắt ông để chuồn chuồn cắn rốn, sợ quá đâm ông mới biết bơi.  

Cô cũng từng được nghe ông tâm sự muốn thực hiện một chuyến du hành đi tìm lá diêu bông, đi đến đâu hát đến đấy, hát trên bờ cỏ, hát trên thuyền hay trước cửa nhà gì đó. Nhưng tựu trung lại là không bán vé, không vì mục đích từ thiện, cũng không quảng cáo mà ai thích đến thì nghe, ai thích đi tìm lá diêu bông cùng ông thì tham gia. Có lần nghe ông kể đi diễn ở Quảng Ninh, diễn xong đang ngồi ăn thì có người ra hỏi: “Này Trần Tiến, ở vùng Hoành Bồ cách đây không xa có lá diêu bông đấy”. Nghe vậy ông cười rất tếu táo: “Chắc ông bạn nhầm rồi, có mà lá mơ lông ăn thịt chó thì có”. Rồi có lần ông lên Điện Biên diễn, diễn xong cũng có bà lão ra bảo: “Chú có thích đi tìm lá diêu bông không, tôi chỉ cho”. Thấy ông bán tín bán nghi, bà lão bảo chiếc lá đó có thật đấy, nhưng ở tận trong rừng sâu của vùng Phong Thổ (Lai Châu). Hễ vào tuần trăng cuối cùng của mùa thu, ở vùng ẩm thấp, chiếc lá đó ra đời trong một giây phút rất thiêng mà ai có duyên ngồi nhìn thấy lá mọc rồi mang về thì sẽ rất hạnh phúc. Ông chú cô tin lắm. Thế nên cứ nhất mực ấp ủ ý định một ngày nào đó đi tìm lá diêu bông là vì vậy!