Chú à, cháu cũng có bố là bộ đội!

ANTĐ - Một buổi sáng mùa đông. Ngoài trời từng cơn gió thổi lạnh buốt. Chị Lan vẫn tất bật với công việc của mình. Chị bảo tí nữa lại phải đi công trình. 10 năm đã qua kể từ ngày lấy chồng bộ đội, chị đã quen với cảnh chồng xa nhà, có khi cả tháng mới về nhà một lần. Trước thì mệt mỏi lắm, kêu nhiều lắm, nhưng chẳng lẽ cứ than vãn mãi, nên giờ thành quen, việc gì cũng quay đi một mình, quay lại cũng… một mình.
Chú à, cháu cũng có bố là bộ đội! ảnh 1

Hậu phương vững chắc

Chị Lê Thị Tuyết Lan và anh Nguyễn Trung Thông, cán bộ Ban Chính trị, Lữ đoàn 87, Cục Tác chiến điện tử, Bộ Tổng tham mưu đóng quân tại Sóc Sơn, Hà Nội là bố mẹ của cháu Nguyễn Phương Dung, học lớp 3 trường Tiểu học Xuân La - cô bé từng vượt qua 30.000 bài dự thi để đoạt giải Nhất cuộc thi viết thư gửi các chiến sĩ ngoài hải đảo do Báo An ninh Thủ đô tổ chức và trao giải tháng 9 vừa qua. Những cảm xúc rất chân thành, xúc động của cô bé gửi gắm trong bức thư cũng bắt nguồn từ chính những suy nghĩ chân thật của cô con gái có bố là bộ đội xa nhà.

Trong bức thư dài 4 trang gửi chú bộ đội ngoài hải đảo, Phương Dung đã viết: “Chú à! Cháu cũng có bố là bộ đội đang công tác ở đất liền nên cháu rất thấu hiểu sự thiếu thốn tình cảm của người cha là lính, cũng như các con của người lính như thế nào mỗi khi gia đình gặp khó khăn. Ngay cả những lúc vui mừng được điểm 10, được nhà trường trao phần thưởng học sinh giỏi, cũng chỉ biết vui cùng mẹ mà không có bố bên cạnh động viên, khích lệ và ôm hôn. Có lần cháu tâm sự chuyện đó với bố, khi nghe xong chuyện bố cháu bảo, dù xa nhà làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhưng đôi tháng bố vẫn được về thăm mẹ con cháu vài ngày. Nếu so với các chú ở đảo xa vẫn còn hạnh phúc hơn nhiều. Qua đó, cháu thấy các chú đã chịu quá nhiều hy sinh, gian khổ để canh giữ biển đảo, bảo vệ hòa bình cho các cháu được cắp sách tới trường…”.

Mặc dù mới học lớp 3 nhưng từ nhỏ đã xa bố, nên Phương Dung thấu hiểu những vất vả mà mẹ phải gánh chịu và vượt qua. Quen nhau đã 11 năm, từ khi chị Lan còn bán hàng ở cổng đơn vị do anh Thông đóng quân tại Đông Anh. Tình cảm dần lớn, hai người nên vợ nên chồng dù phía trước còn muôn vàn gian khó. Nhà chị Lan ở tận Phú Thọ, còn nhà anh Thông ở mãi Nghệ An, bố mẹ gia đình hai bên kinh tế đều khó khăn, không giúp gì được cho đôi vợ chồng trẻ. Biết là lấy nhau sẽ vất vả nhưng chị vẫn quyết tâm đến với anh Thông: Ngày ấy cũng có nhiều người ở Hà Nội ngỏ ý lắm mà không hiểu sao lại chỉ quý mến anh Thông. Có lẽ là do tính anh ấy hiền lành, thật thà. Môi trường quân đội rèn luyện cho người ta những đức tính đáng quý. Vì vậy có thể nói có chồng làm quân đội cũng có phần yên tâm” - chị Lan tâm sự. 10 năm qua, cũng vì tính cách đó của anh đã giúp chị vượt qua mọi khó khăn để là hậu phương vững chắc cho anh yên tâm công tác.

Nhớ lại 10 năm qua, chị không khỏi chạnh lòng. Nói là vất vả nhưng phải là người trong cuộc mới hiểu được những vất vả của người vợ không có chồng bên cạnh. 9 tháng mang nặng đẻ đau, nuôi con thơ một mình, bố mẹ hai bên đều ở xa nên lúc nào cũng chỉ có 2 mẹ con nương tựa vào nhau. “Lấy nhau xong thì anh ấy chuyển xuống công tác ở Sóc Sơn. Lúc bé Dung cũng hay ốm, có lần phải đi cấp cứu vào viện, cứ một mình tôi xoay như chong chóng. Lúc đó tôi cũng lo cho con bé, tưởng ngã quỵ, giá có chồng bên cạnh thì cũng đỡ, vì người đàn ông bao giờ cũng vững vàng hơn phụ nữ. Thông thường 2 tuần anh ấy mới được về một lần vào cuối tuần. Nhưng có 3 năm đi học ở Bắc Ninh thì 1-2 tháng mới được về nhà một lần. Nhiều lúc mệt mỏi lắm. Con cái ốm đau, rồi cũng có lúc tôi cũng ốm nữa chứ, người ta thì sớm tối có vợ chồng bên cạnh. Còn mình thì chồng cứ đằng đẵng. Nghĩ cũng tủi thân lắm. Vì vậy lúc nào tôi cũng phải cố.

Cũng vì chồng cứ biền biệt nên nhiều năm nay anh chị dự tính sinh thêm cháu nữa mà không thực hiện được. “Năm nay cháu Dung đã học lớp 3, hai vợ chồng cũng đã nhiều tuổi nhưng anh ấy cứ thỉnh thoảng tuần mới về một lần nên cũng khó. Cứ như thế này thì chả biết bao giờ mới sinh tiếp được”, chị Lan chia sẻ.

Đã có lần tôi bảo anh ấy hay ra quân, về nhà làm cái gì cũng được, miễn là vợ chồng ở cạnh nhau, chứ cứ chồng một nơi, vợ con một nẻo chán lắm. Đợi đến khi nghỉ hưu, lúc đó 60 tuổi rồi thì cũng gần hết đời người. Nhưng mấy năm nay quen rồi nên không nói đến chuyện đó nữa, sợ anh ấy lại suy nghĩ anh hưởng đến công việc. Nhưng sau rồi, tôi lại thấy mình thật nông nổi và ân hận về những suy nghĩ của mình. Cuộc sống này có biết bao nhiêu người là bộ đội, có những người làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo xa xôi, nhiều năm không được về nhà có nghĩa là có biết bao nhiêu người phụ nữ vất vả hơn tôi, có bao nhiêu đứa con xa bố đằng đẵng nhiều năm liền. Tôi bỗng thấy mình có lỗi với suy nghĩ nông nổi ấy!

Những hạnh phúc, những tự hào

Vất vả là vậy nhưng chị Lan luôn tự hào vì chồng là bộ đội. Chị bảo trong gia đình cũng có nhiều người làm bộ đội. Những người vợ dù ở thời bình cũng phải xa chồng nên chị cũng đã quen với những chuyện đó. Anh Thông tuy công tác xa nhà nhưng anh là người thương vợ thương con, hết lòng vì gia đình. “Công việc của em vất vả, cuộc sống cũng vất vả vì cái gì cũng một mình phải lo hết nhưng tôi luôn an ủi là bù lại phần chồng con. Anh Thông  là người hiền lành. Ở đơn vị thì thôi chứ về nhà là anh làm hết mọi việc, như để bù lại cho vợ con. Cứ mỗi lần được về nhà là anh lại đưa con đi chơi, mua cho cái này cái kia như thể là để bù đắp cho những ngày trống vắng. 

Cũng vì luôn phải xa chồng nên những khoảnh khắc anh được về là thời gian vô cùng đáng quý với gia đình chị Lan, điều mà với những gia đình khác đó là chuyện bình thường. Với cháu Phương Dung thì đó cũng là những ngày “vui như Tết”: “Bố cháu hiền lắm, chiều cháu lắm. Mỗi khi về bố thường đưa cháu đi chơi, mua cho cháu nhiều đồ chơi, kể chuyện cho cháu nghe. Nhưng đến khi bố lên đơn vị thì nhà vắng hẳn, hai mẹ con cũng buồn hơn. Nhiều khi tủi thân cháu hay hỏi mẹ sao bố cứ đi suốt thế, thì mẹ lại động viên bố là bộ đội, vì công việc nên bố phải xa nhà. Cũng có nhiều bạn có bố là bộ đội chứ không riêng gì con”. 

Cũng vì sớm sống trong cảnh bố xa nhà nên Phương Dung có phần trưởng thành hơn so với tuổi. Sau mỗi giờ tan học, cô bé lại phụ mẹ nhặt rau, quét nhà. Thương mẹ vất vả nên Dung luôn cố gắng học tập tốt để mẹ không phải phiền lòng, lo lắng. Hàng năm Phương Dung đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm 2013, cô bé còn đoạt giải ba cuộc thi giải toán qua mạng, giải nhất cuộc thi viết chữ đẹp của trường…

Nói về gia đình mình, anh Nguyễn Trung Thông tâm sự: Tôi may mắn vì có người vợ đảm đang, tháo vát. Mọi việc trong gia đình đều một mình cô ấy lo liệu. Tôi ở đơn vị tận Sóc Sơn, nhiều khi cả tháng mới về nên có muốn cũng không giúp vợ được nhiều. Nhưng biết làm sao được, công việc là vậy. Tôi thường động viên vợ con nhiều người còn vất vả hơn mình, nhất là những chiến sĩ công tác ở hải đảo xa xôi có khi cả năm mới được về thăm nhà một lần.

Tết đang đến gần. Chị Lan và bé Phương Dung có mong mỏi lớn nhất là Tết này bố được về ăn Tết. “Tết mà anh ấy phải trực, không được về thì buồn lắm. Ngày Tết các gia đình sum họp. Nhà mình vợ chồng, bố con đã xa nhau cả năm, đến Tết cũng xa nữa thì… Thông thường cứ một năm trực, một năm được về. Mình cũng không thể xin về được vì những người khác cũng có vợ con. Vì vậy nên đã lấy chồng bộ đội là phải chấp nhận khó khăn, vất vả. Nhưng cũng có những hạnh phúc, những tự hào không phải ai cũng có được.