Chống “tiền bẩn” tham nhũng

ANTĐ - Cuộc chiến chống tham nhũng cam go trên bình diện toàn cầu có thể có bước tiến tích cực hơn nếu thực hiện hiệu quả 2 công cụ mới chống tham nhũng, đó là Sáng kiến Thu hồi tài sản tham nhũng (StAR) và Đơn vị Liêm chính thị trường tài chính (FMI).

Thu hồi tài sản tham nhũng sẽ góp phần tích cực thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 25-5 đã thúc giục cộng đồng quốc tế cùng hợp tác triển khai StAR và FMI. Đây được coi là 2 công cụ hữu hiệu giúp các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, thiết lập các cơ chế tài chính minh bạch, tăng cường liêm chính của các dòng tài chính cũng như áp dụng các công cụ pháp lý hiệu quả chống “tiền bẩn” và dòng tài chính bất hợp pháp, thu hồi các tài sản tham nhũng, góp phần giảm đói nghèo. 

Sự thúc giục của WB diễn ra trong bối cảnh tham nhũng đang là tệ nạn nghiêm trọng trên thế giới, là quốc nạn tại không ít quốc gia. Theo ước tính của WB, mỗi năm tham nhũng gây thiệt hại tới 2.600 tỷ USD, tương đương với hơn 5% GDP toàn cầu; trong đó 1.000 tỷ USD là chảy vào túi quan tham, được cất giấu và tẩy rửa tinh vi qua bất động sản hay tài khoản trong các ngân hàng khắp thế giới. 

Một lượng tài sản khổng lồ đã bị tham nhũng song phát hiện ra ai tham nhũng, tham nhũng bao nhiêu không phải dễ và càng khó hơn là thu hồi số tài sản bị tham nhũng. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy thường phải mất từ 10-15 năm sau khi nhà lãnh đạo về vườn hay thôi chức mới phát hiện có tham nhũng và cũng chỉ có khoảng 10-15% số tài sản này được thu hồi.

Một báo cáo của UNODC cho biết, cựu Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos cùng gia đình đã biển thủ 5-10 tỷ USD trong giai đoạn cầm quyền 1972-1986. Song phải sau 18 năm đấu tranh không mệt mỏi, kết thúc vào tháng 1-2004, chính phủ Philippines mới chỉ thu hồi được vẻn vẹn 624 triệu USD. 

Tài sản tham nhũng nếu được thu hồi là những nguồn lực đáng kể đóng góp cho phát triển, xóa đói giảm nghèo tại những quốc gia đang phát triển. Phó Chủ tịch WB Daniel Leipziger từng ước tính rằng, mỗi 100 triệu USD lấy lại từ tham nhũng có thể giúp tiêm chủng cho 4 triệu trẻ em, cung cấp nước sạch cho 250.000 hộ gia đình hoặc điều trị cho 600.000 người nhiễm HIV/AIDS trong một năm.

Trong khi đó, WB hiện là thể chế tài chính đa phương duy nhất cung cấp cho các nước đang phát triển những trợ giúp kỹ thuật để truy tìm các dòng tài chính bất hợp pháp, tăng cường năng lực quản trị tài chính, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Chương trình chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố của WB đang cung cấp những trợ giúp nhằm tăng cường năng lực chống tội phạm có tổ chức và khủng bố, nâng cao liêm chính của hệ thống tài chính các nước - nhân tố quyết định sự ổn định và phát triển các nước này. 

Tích cực triển khai StAR và FMI sẽ giúp các nước đang phát triển sử dụng phối hợp các công cụ pháp lý và tài chính để tăng cường hiệu quả chống các tổ chức tội phạm và tham nhũng, đồng thời phát triển các chính sách thích hợp cho cuộc chiến này. StAR - một sự hợp tác giữa WB và UNODC - trợ giúp các nước truy tìm và thu hồi các nguồn tài chính của các quan chức tham nhũng.