Chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu

ANTĐ - Sơ kết công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2013, UBND TP Hà Nội đánh giá, “còn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là phải ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng”.

Đất đai luôn là lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí (Ảnh minh họa)

Kiểm điểm hàng loạt đơn vị, cá nhân

Về việc xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, tổng hợp mới nhất cho thấy, TP chưa xử lý trường hợp vi phạm nào. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2013, Thanh tra TP và các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã thực hiện 171 cuộc thanh tra. Theo đó, cơ quan chức năng đã kết thúc, kết luận 98 cuộc. Nội dung thanh tra tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, vốn được cho là dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như quản lý đầu tư xây dựng, tài chính ngân sách, quy hoạch và quản lý sử dụng đất đai... Qua thanh tra, TP đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi 16,793 tỷ đồng; đã thu hồi 27.565,4m2 đất đối với 2 tổ chức; kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 23 tập thể và 31 cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý dẫn đến sai phạm; chuyển cơ quan điều tra 1 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 11,6 tỷ đồng.

Xung quanh hành vi ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, kết quả kiểm tra thường xuyên và đột xuất của TP chỉ ra, “nhìn chung, đã có chuyển biến về mặt nhận thức; phong cách ứng xử trong hoạt động giao tiếp và thực thi công vụ giữa cán bộ công chức với công dân và doanh nghiệp đã được cải thiện”. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít trường hợp cán bộ, công chức, viên chức chưa thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính. Để phòng, chống tham nhũng, các cơ quan hành chính của TP đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 18 công chức, viên chức. Một số quận, huyện (như Hoài Đức, Phúc Thọ) đã chuyên đổi vị trí công tác của toàn bộ công chức kế toán cấp xã, viên chức kế toán các trường theo quy định.

UBND TP nhận định, tình hình tội phạm tham nhũng hiện nay vẫn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, nhất là trong quản lý sử dụng đất đai, các dự án đầu tư xây dựng có nguồn vốn ngân sách, GPMB, tài chính ngân hàng... UBND TP thẳng thắn nhìn nhận: “Công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là phải ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang xảy ra. Tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực gây bức xúc và bất bình trong xã hội”.

Tính chiến đấu còn thấp

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, song UBND TP cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng là tính chiến đấu của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn thấp. Bằng chứng là rất ít vụ việc tham nhũng được phát hiện qua công tác kiểm tra trong nội bộ tổ chức Đảng, cơ quan mà chủ yếu là do nhân dân tố giác hoặc báo chí phản ánh. Bên cạnh đó, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi xảy ra tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức, không tương xứng với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý. Việc thu hồi tài sản tham nhũng còn hạn chế. Một số đơn vị triển khai thực hiện kế hoạch công tác phòng chống tham nhũng còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả.

Để nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, UBND TP đề ra 9 nhóm giải pháp. Theo đó, bên cạnh việc siết chặt hơn nữa yêu cầu công khai, minh bạch, TP sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân bị chiếm đoạt và thất thoát.

TP cũng cam kết sẽ tổ chức đối thoại giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp về phòng, chống tham nhũng nhằm trao đổi, thảo luận, đề xuất các vấn đề về pháp lý phục vụ công tác phòng chống tham nhũng...

Chưa có ai vi phạm quy chế tặng quà

UBND TP Hà Nội khẳng định, đã chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện Quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Đến nay, các đơn vị báo cáo chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm. Về việc đổi mới phương thức thanh toán, trả lương qua tài khoản, đến nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị dự toán của TP đã thực hiện thanh toán cá nhân qua tài khoản đạt tỷ lệ rất cao, tới 92%. Số còn lại chưa có điều kiện triển khai thực hiện do một số cơ quan, đơn vị ở xa trung tâm, hệ thống ngân hàng chưa lắp đặt máy ATM.