Chồng “râu quặp” cuống cuồng nổi loạn từ “xó bếp”

ANTĐ - Giờ người ta không coi sợ vợ là xấu. Các ông chồng “râu quặp” nói đó là “nể vợ” nhưng kì thực, trong lòng họ vẫn “âm mưu” một lần được làm chồng thực sự, được ăn to nói lớn, được quát vợ, được giương quyền.

Các cuộc nổi loạn từ “xó bếp” âm thầm được chuẩn bị và thực hiện, cũng từ đó, nó đã gây ra không ít câu chuyện dở khóc dở cười...

Ăn nhờ nhà vợ, cắm mặt suốt đời

Chuyện Hùng sợ vợ như sợ cọp, cả cơ quan anh, cả làng xóm láng giềng lẫn bạn bè anh không ai là không biết. Người ta cũng biết rõ nguyên nhân vì sao Hùng cúi mặt, ngậm tăm trước mọi lời lẽ quá đáng của vợ. Đó là một anh chồng đáng để thương hại. Hùng vốn không yêu Thu, vợ anh bây giờ. Nhưng vì danh vọng và tiền bạc, anh bỏ người yêu bốn năm của mình để đến với Thu. Bố Thu làm to, có tiền có quyền, ông có mỗi cô con gái rượu, cô lại yêu Hùng vô cùng. Lấy Thu, Hùng sẽ được lợi rất nhiều. Ông bố vợ giàu có thừa sức lo cho con rể một chỗ làm hết ý tại thủ đô và chắc chắn sẽ từng bước để đưa anh lên giữ chức vụ cao. Có lẽ chỉ mất năm năm là Hùng có thể trở thành sếp to ở đất thủ đô.

Trong khi đó, nếu anh tự thân vận động, tự mình bươn chải để giữ tình yêu thì chưa chắc đã trụ nổi ở đất này chứ đừng nói đến chuyện thăng tiến. Danh lợi làm mờ mắt, Hùng bỏ người yêu, ôm tình yêu giả vờ về làm chồng Thu. Đúng như Hùng mong muốn, con đường quan lộ của anh có người chống lưng nên thênh thang hẳn. Hùng không hẳn là người giỏi giang và nhanh nhẹn nên trong công việc, anh gây ra nhiều sai phạm. Tuy nhiên, tất cả đều được bố vợ giải quyết êm đẹp. Sau bốn năm, Hùng đã leo lên chức giám đốc một công ty chi nhánh, có quyền trong tay, quát trăm người nghe nhưng đằng sau cái vẻ oai hùng đó, ai cũng biết Hùng là anh chồng “râu quặp” sợ vợ. Chính Hùng cũng biết, cuộc đời anh từ ngày về làm chồng Thu, anh đã không còn được làm một thằng đàn ông theo đúng nghĩa của nó.

Về làm chồng Thu, Hùng không có một thứ gì trong tay. Đám cưới cũng do nhà vợ lo từ đầu đến cuối. Nhà cửa cũng do bên vợ sắm. Hùng không có gì nên anh mặc định rằng, anh chẳng hề có quyền gì trong gia đình. Mọi việc đều do Thu quyết định. Hiểu nôm na rằng, trong gia đình, Thu giữ vai trò là chồng còn Hùng là vợ. Hùng nghe lời vợ răm rắp. Anh không yêu vợ, cũng không nể vợ, trong lòng chỉ thấy sợ vợ, lo làm vợ phật ý thì ảnh hưởng đến công danh của mình. Anh làm theo tất cả những lời vợ chỉ đạo. Có lần, đang tiếp đối tác quan trọng, vợ anh bỗng thèm đi dạo liền gọi điện cho chồng. Công việc đang dở dang nên Hùng không muốn bỏ, anh vừa mở lời nói về cuộc họp thì đầu kia, Thu đã cúp máy. Chỉ cần như vậy là Hùng đủ hiểu, anh phải có mặt ngay lập tức, không được chậm trễ. Với Thu, chỉ có phục tùng và nghe lời, cô không chấp nhận bất cứ lí do nào cho những phản kháng yếu ớt từ phía chồng.

Người ta vẫn truyền nhau câu chuyện nổi tiếng về việc Thu đánh chồng trong lúc giận dữ mà anh chồng vẫn ngồi nguyên để vợ đánh, thậm chí, cô vợ đanh đá còn úp nguyên cái nồi cơm điện lên đầu chồng mà anh chồng vẫn ngậm bồ hòn làm ngọt. Trước mặt nhân viên, Hùng thét ra lửa bao nhiêu thì về nhà, trước vợ, anh nhún nhường bấy nhiêu. Hễ sai lời vợ thì chắc chắn Hùng sẽ bị vợ xỉa xói bằng điệp khúc: “Anh được như bây giờ là nhờ ai?”, sau đó, bao nhiêu công trạng của bố vợ, của nhà vợ đối với Hùng sẽ được vợ liệt kê lần lượt, thứ tự vô cùng bài bản và khoa học. Không ai nghĩ, có ngày Hùng dám vùng lên vì anh nín nhịn đã quá lâu rồi, chẳng ai biết rằng Hùng đang chờ thời. Anh chỉ chờ cho bố vợ về hưu, bố vợ hết ảnh hưởng trong công việc với anh thì ngay lập tức, anh sẽ nổi loạn. Sự kiên nhẫn chờ thời của Hùng cuối cùng cũng đến sau bảy năm làm ông chồng “râu quặp”.

Bố vợ anh nghỉ hưu, Hùng giờ thay thế chức giám đốc của bố. Cậu rể không có nhiều tiền hơn bố vợ nhưng có quyền hơn. Anh chẳng sợ bài dọa của vợ nữa vì bố vợ không thể gây ảnh hưởng tới chức vụ hiện tại của anh. Cuộc nổi loạn bao năm chuẩn bị của anh chính thức bắt đầu vào ngày bố vợ nhận quyết định nghỉ hưu và anh được đề bạt lên thay thế. Hùng xây nhà riêng, trả lại ngôi nhà ngày xưa bố mẹ vợ cho. Anh không lấy một thứ của nhà vợ. Hùng đứng tập hàng tiếng đồng hồ trước gương để quát vợ. Anh ghi âm cả giọng quát để nghe lại xem có cần căng thẳng hơn và mạnh giọng hơn nữa không. Lần đầu tiên trong bao nhiêu năm làm chồng Thu, Hùng dám từ chối vợ khi cô yêu cầu đưa cô đi ăn lúc anh đang dở cuộc họp. Hùng không về thì Thu đến. Cô hằm hằm xông vào giữa cuộc họp quát tháo ông chồng. Có nằm mơ Thu cũng không ngờ cô bị lĩnh trọn ly nước vào mặt và bị chồng đuổi về. Sững sờ, Thu đi ra mà không kịp hiểu tại sao ông chồng bao lâu cun cút nghe lời mình giờ lại dám vùng dậy như vậy.

Những công việc trong nhà giờ cũng thay đổi. Không còn chuyện Thu tự quyết nữa. Nếu Thu tự ý xây thêm thứ gì ở nhà mà không hỏi ý kiến chồng, Hùng sẵn sàng đập đi hết. Chính anh cũng tự ngạc nhiên rằng sau từng ấy năm bị vợ “đàn áp”, tại sao anh có thể “vùng dậy” một cách mạnh mẽ như thế? Trong nhà anh bây giờ, thay cho tiếng quát mắng của Thu là tiếng anh quát tháo. Nhiều lần đồng nghiệp, bạn bè đến chơi, ai cũng tròn mắt ngạc nhiên khi thấy Thu cun cút nghe lời chồng. Nhưng những oai nghiêm của anh không thể hiện được lâu vì ông bố vợ lại vào cuộc. Ông tuy đã về hưu nhưng lại nhiều mối quan hệ. Ông thân quen với giám đốc ở tuyến trên nên ông nhờ giám đốc “nắn gân” con rể. Chỉ vài giáo thị từ trên ban xuống, Hùng tự sẽ hiểu nếu anh không biết điều thì chức giám đốc của anh khó lòng mà giữ nổi. Cuộc nổi loạn chấm dứt, vợ anh lại lên ngôi. Mà chắc chắn một điều rằng, khi chị cầm trịch trở lại, Hùng sẽ bị “đàn áp” kinh khủng hơn nhiều những gì trước đó anh đã được nhận.

Mượn con bạn về “dằn mặt” vợ

Không âm mưu lật đổ sự “thống trị” của vợ, Dũng chỉ xin vợ giữ thể hiện cho mình trước đám đông, bạn bè, anh em còn ở nhà, vợ muốn bắt nạt, đàn áp anh thế nào anh cũng chịu. Ở ngoài xã hội và ở trong nhà, Dũng hoàn toàn trái ngược nhau. Dũng làm trưởng phòng của một công ty xây dựng, anh quát nạt, đốc thúc mọi người làm việc nhiều nhưng về nhà, Dũng toàn nghe vợ quát. Khẩu hiệu của Dũng là “im lặng là vàng”. Vợ nói gì mặc vợ, anh chỉ có nhiệm vụ nghe và tỏ ra hối lỗi. Có những chuyện không phải là lỗi của anh, anh cũng chẳng buồn phản kháng. “Cứ để vợ nói, chán thì vợ thôi. Có mất gì đâu mà phải cãi vợ” - Dũng phân trần. Lịch làm việc và sinh hoạt của anh bị vợ quản chặt. Hàng ngày, dù có phải đi làm hay không đi làm, Dũng cũng phải dậy từ 6h sáng để đi chạy với vợ rồi về nhà nấu ăn sáng cho vợ anh. Buổi trưa, anh cũng không được ở lại công sở làm việc mà phải quáng quàng chạy về nhà nấu cơm trưa vì vợ anh thích thế, “thế cho nó tình cảm”.
Mọi chuyện vợ bảo Dũng đều làm nhưng anh ngại nhất là chuyện bị vợ quản chặt tài chính. Đừng bao giờ mong lập được quỹ đen vì vợ anh đã kịp làm thân với kế toán nơi Dũng làm việc, mọi lương thưởng của Dũng, vợ anh đều nắm rõ. Mỗi tháng chỉ cho anh ba trăm nghìn tiền xăng xe, một trăm nghìn tiền điện thoại, ba trăm nghìn tiền tiêu vặt còn lại bao nhiêu lương của anh, vợ giữ hết. Dũng phải tự căn ke chi tiêu bởi nếu anh có thiếu, vợ cũng không chi thêm cho. Anh cũng không dám vay mượn vì nếu vay, anh cũng không có khoản dư ra để trả. Có lần, lỡ tay đãi bạn đi ăn sáng vài bữa, Dũng bị hụt tiền xăng xe, còn hơn tuần nữa mới hết tháng mà anh đã tiêu hết tiền nên xe không còn tí xăng nào, Dũng cũng không cách nào đẩy xe. Đường đường là trưởng phòng mà tuần đó, Dũng phải chịu cảnh xe buýt chen chúc khốn khổ để đi về. Thi thoảng, có vài nhân viên cùng đường thì cho anh quá giang chút ít.
Trong nhà là thế, nhưng ở ngoài chỗ có bạn bè, Dũng là anh chồng quát ra lửa. Vợ để cho Dũng quát thoải mái mà vẫn cười tươi, vẫn ngoan ngoãn và cố gắng ra vẻ xoa dịu chồng. Thực ra, đó là kết quả của những cuộc thương lượng không ngừng nghỉ của Dũng bởi trước đó, vợ anh vẫn xối xả quát anh trước đám đông mà không nề hà chuyện gì. Mới đầu, Dũng tìm đến sự giúp đỡ của bố mẹ vợ. Anh nhờ bố mẹ vợ khuyên con gái của ông bà không đành hanh, hành hạ chồng nữa nhưng bố mẹ không giúp anh. Mẹ vợ bảo con gái trị được chồng thì phải mừng chứ sao lại đi giúp rể trị con mình. Không được sự ủng hộ từ nhạc phụ, Dũng xoay kế khác. Anh không cho vợ đẻ. “Vợ muốn có con thì nhất định phải nhờ mình. Mình không cho thì có mà trời đẻ” - Dũng cười hả hê khi nghĩ ra tuyệt kế của mình. Nhưng trần đời cũng chả có vợ chồng nào hài hước như vợ chồng anh. Dũng dùng bao cao su khi gần gũi mà không hề biết vợ đã chọc thủng nó bằng kim nên tuyệt kế của anh trở thành vô tác dụng. Có con, vợ càng được đà quát chồng. Chồng lại càng cuống quýt. Dũng sợ vợ, lại sợ cả con.

Năm nay, con gái anh mười hai tuổi. Từ khi nó sinh ra đến giờ, chưa bao giờ anh dám quát con một tiếng. Anh muốn nó học nữ công gia chánh cũng phải lấy tinh thần hàng tuần liền mới dám nói nhưng nghe con nói một câu không thích là anh cũng vội vàng gật đầu, “không thích cũng được, con cứ làm những gì con thích thôi”. Có lần, bị con gái giận vì anh mải làm quên giờ đón, nó không chịu nói chuyện với anh, anh cứ ngồi khóc như trẻ con rồi gọi vợ xin vợ khuyên con làm lành với anh. Bạn thân anh thi thoảng vẫn chẹp miệng, tặc lưỡi thương thằng bạn khổ, sống trong nhà mà chịu tới tận hai tầng áp bức là vợ và con gái. Thường thì Dũng vẫn chẳng chú ý gì chuyện đó, anh tự nhủ: “Mình sợ vợ mình chứ có phải vợ người đâu mà phải xấu hổ”. Nhưng rồi cái ý định nổi loạn được nung nấu trong anh khi một lần, anh tận mắt được chứng kiến bạn thân anh dậy vợ. Cái cách bạn anh quát vợ mới oai hùng làm sao, cách bạn anh bắt vợ làm cái này, cái kia mới dũng mãn làm sao. Bao giờ anh mới làm được như thế. Nghĩ mãi trong đầu câu hỏi ấy, Dũng bắt đầu nghĩ đến việc thoát khỏi kiếp “râu quặp”.

Dũng là người rất thương con. Vợ anh vẫn thường lấy con ra làm lực lượng để cảnh cáo anh. Dũng biết vậy nên anh quyết sẽ trở thành một người cha cứng rắn, làm cho con phải sợ và vợ phải ngạc nhiên. Mặc cho những lần quát con, anh phải lấy hết dũng khí. Sự thay đổi của anh diễn ra khá từ từ và khó khăn. Thậm chí, có lần, anh quát con khiến nó bỏ nhà đi. Sau lần ấy thì Dũng chừa, giờ quát con bao giờ anh cũng phải lấm lét theo dõi thái độ của nó thế nào rồi mới dám quát tiếp. Nhưng mọi chuyện đảo lộn hoàn toàn khi Dũng bỗng nhiên đưa một bé trai 10 tuổi về nhà và nói đó là con của anh. Dũng nói, nếu vợ anh không chấp nhận nuôi con trai anh thì anh sẵn sàng li hôn. Vợ Dũng tuy đành hanh, đanh đá nhưng chị cũng là một người phụ nữ. Chồng dắt con trai riêng về nhà là một việc gây sốc với chị. Để xây dựng một gia đình là chuyện chẳng hề dễ dàng, hơn nữa, chị với anh cũng đã hơn mười năm sống với nhau, cũng đã có với nhau một mặt con, chị không muốn gia đình tan vỡ nên chị chấp nhận nuôi con riêng của chồng.
Thực ra đó là con của một người bạn anh, anh nhờ bạn cho anh “mượn” con để đóng vở kịch này. Mục đích của Dũng trước là để “dằn mặt” vợ, sau là để “dằn mặt” con. Có con trai riêng, vợ và con gái dường như biến khỏi thế giới của anh. Anh chỉ chăm lo cho cậu con và chỉ chiều chuộng cậu con. Vợ anh lo mất chồng vì anh quả quyết sẵn sàng li hôn nên không dám đành hanh như xưa nữa. Càng thấy chồng chiều con thì vợ lại càng lo sợ. Dũng hả hê vì thấy kế hoạch của mình đang dần thành công. Hơn một tháng sau khi cậu con riêng xuất hiện, Dũng để cháu về nhà với gia đình thực của cháu rồi nói với vợ rằng, anh sẽ để mẹ của cháu nuôi con để giữ hạnh phúc cho gia đình của anh. Sau sự cố “con riêng”, vợ Dũng cũng hiền lành hơn vì đến lúc ấy, trong đầu chị mới xuất hiện ý nghĩ, hóa ra chị cũng rất dễ bị mất chồng.

Khăn gói quả mướp bỏ nhà đi để dọa vợ

Cuộc nổi loạn của Sơn “râu quặp” nổ ra sau hơn năm năm anh và Vân, vợ anh hiện giờ, trở thành vợ chồng. Người ta vẫn nói “con giun xéo lắm cũng quằn”, đến khi không thể chịu nổi sự đàn áp của vợ nữa, Sơn mới dám vùng dậy đòi quyền lợi cho mình. Cái sự bắt nạt chồng của Vân cũng khiến nhiều người buồn cười. Chị không nạt chồng như những bà vợ sư tử khác mà chị nạt chồng bằng những dỗi hờn, nũng nịu. Chỉ cần Sơn làm việc gì không vừa ý Vân thì y như rằng anh sẽ nhận được cơn mưa nước mắt cùng hàng trăm lời trách than như khóc hờ của vợ. Cũng có lúc Vân quát chồng nhưng chị lấy sự mềm yếu làm vũ khí nhiều hơn. Mà ở đời, Sơn sợ nhất là nước mắt phụ nữ. Cứ nhìn thấy vợ khóc là anh nhũn người, không dám quát tháo gì nữa. Ở nhà anh, thường hiếm khi nghe tiếng quát tháo, tiếng khóc là phần nhiều. Có đôi khi, sơn tự hỏi vợ anh lấy đâu ra lắm nước mắt như thế và vì sao vợ anh khóc giỏi như thế. Có lần vui vẻ, Sơn trêu vợ: “Em mà đi đóng phim thì là nhất. Hai giây thì nước mắt đầy mặt”. Chỉ thế thôi mà quay ra, anh đã thấy vợ anh rưng rức khóc vì chị cho rằng chồng mình đang chê mình. Cuộc sống vợ chồng vì thế mà mệt mỏi vô cùng. Lắm lúc, Sơn thèm được vợ quát. Thà anh sợ vợ vì vợ đành hanh còn hơn là sợ vợ vì vợ trẻ con, động tí là khóc như trẻ con hờn. Nghĩ rằng chẳng thể chiều vợ mãi theo cách đó, Sơn tìm cách để thoát khỏi sự đàn áp bằng nước mắt của vợ. Bỏ nhà đi là chiêu thức được anh lựa chọn.

Theo lời khuyên của bạn bè, Sơn sẽ dừng hẳn các hoạt động dỗ dành vợ, anh sẽ phải quen với cảnh để mặc cho vợ khóc và tập dần việc quát vợ ngay cả khi vợ đang khóc. Nếu tất cả những việc đấy đều không khiến Vân thay đổi thì anh sẽ dùng biện pháp cuối cùng là bỏ nhà đi. Những bí kíp được bạn bè đưa cho đều được Sơn áp dụng nhiệt tình. Nếu để ý, Vân sẽ thấy mỗi khi quát chị, chồng chị luôn phải mặc quần có túi và tay anh luôn đút trong túi quần. Sơn luôn nắm thật chặt tay để lấy bình tĩnh khi nặng lời với vợ và tận mắt thấy vợ khóc. Nhưng tất cả đều không có tác dụng. Vân thậm chí còn khóc nhiều hơn. Phát điên với tiếng ơ hờ mỗi đêm, Sơn dọn đồ bỏ nhà đi thật. Anh không liên lạc với vợ, không nghe điện thoại, không đọc tin nhắn vì anh sợ anh sẽ mềm lòng khi nhìn thấy tâm tư của vợ qua tin nhắn.

Sơn bỏ đi và chỉ dặn lại một câu: “Nếu em còn cứ khóc lóc suốt ngày như thế, không bao giờ anh trở lại nữa”. Vân tưởng chồng chỉ dọa mình nhưng chị không ngờ, Sơn làm thật. Anh đi biền biệt một tháng trời, không liên lạc về nhà, anh cũng chuyển công việc về nhà làm nên Vân tìm mọi cách cũng không thể nói chuyện với chồng. Đến lúc ấy chị mới sợ thực sự. Một tháng một mình, không có sự giúp đỡ của chồng, Vân cũng trưởng thành lên nhiều. Nghe tin đồn Sơn có bồ bịch bên ngoài, Vân càng thêm hoảng hốt. Cái bệnh mau nước mắt, hờn dỗi, nũng nịu của chị cũng dần được cải thiện. Khi sơn trở về, Vân không dám trách móc một lời. Hễ có chuyện gì, Vân đều phải nhớ lại lần bỏ nhà đi của chồng để kìm cảm xúc không cho nước mắt thoải mái chảy ra nữa.

“Bỏ nhà đi mà ngày nào tôi cũng phải phục ở ngoài, đợi vợ tắt hết đèn đi rồi mới dám quay về nhà bạn ngủ chứ cũng có phải sung sướng gì đâu” - Sơn giãi bày về một tháng biến mất để “dằn mặt” vợ của mình.

Thích làm “râu quặp” để hưởng an nhàn

Không như các ông chồng bị vợ đàn áp khác, Lâm lại để cho vợ đàn áp thoải mái, tùy ý vì anh thích như vậy. Anh không thích làm trụ cột trong gia đình, không thích là người phải ra xã hội bươn chải kiếm tiền về nuôi vợ nên anh để mọi việc ấy cho vợ gánh, còn Lâm vui vẻ làm việc nhà, chăm con và nghe vợ quát mắng. Nhiều lần, bạn bè anh hỏi, tại sao làm thằng đàn ông mà anh có thể sống một cuộc đời như vậy. Lâm chỉ cười hề hề rồi đáp lại, mỗi người một cuộc đời so sánh làm gì cho mệt thân. Thế nên hình ảnh Lâm lụi cụi đi chợ, hì hục nấu cơm rửa bát đã chẳng còn là việc lạ với mọi người quen biết vợ chồng anh. Nếu cả nhà đi chơi, việc lái xe anh cũng nhường cho vợ.

Trong nhà điện hay đường nước bị hỏng, anh cũng để yên đợi vợ về sửa. Cũng như thành một thói quen, Lâm nghe mọi lời chỉ bảo của vợ và anh làm việc gì cũng phải hỏi ý kiến vợ, kể cả việc nhỏ nhặt như cắt tóc ngoài quán hay tự soi gương cắt. Chả biết từ bao giờ, Lâm coi vợ là “thánh sống” để việc gì cũng xin thánh chỉ. Nhưng rồi, cũng có lúc anh muốn được sống như một ông chồng thực sự nhưng Lâm không nổi loạn để đòi quyền cho mình. Anh xin vợ cho mình được làm chồng. Anh xin vợ mỗi tháng cho anh làm chồng vào một ngày cố định. Ngày đó anh muốn làm gì cũng được, muốn quát mắng vợ ra sao cũng được. Vợ anh vui vẻ đồng ý vì thấy chuyện cũng chẳng có gì to tát. Đó là ngày Lâm được lên mặt với mọi người, để cho mọi người thấy rằng “bình thường tôi nể vợ thôi chứ tôi đâu có sợ vợ”.

Tuy nhiên, được một ngày quát mắng, Lâm lại thích được hai ngày, hai ngày lại muốn hơn nữa thế nên anh nảy ra ý giành quyền làm chồng thực sự cho mình. Lâm vẫn không đi làm nhưng anh không làm mấy việc trong nhà nữa, chỉ ở nhà, chỉ tay năm ngón bắt vợ nghe theo. Vợ anh vừa kiếm tiền nuôi cả nhà, giờ lại không được chồng đỡ đần việc gì, vừa mệt vừa bực, chị về trút cả lên chồng. Anh chồng cố cãi cũng không bằng được miệng lưỡi đàn bà.

Mà vợ Lâm thì vô cùng ghê gớm, không có chuyện vợ chồng đóng cửa bảo nhau, lần nào quát chồng, chị cũng ra đầu nhà đứng để tất cả hàng xóm nghe được, chị nhất định phải làm mất mặt chồng mới thấy hả hê. Vợ Lâm đứng quát chồng thì Lâm nài tay kéo vợ, xin vợ vào nhà, chị càng gào lên: “Sao phải vào nhà? Tôi cứ la toáng lên cho cả làng cả tổng biết đấy”. Lỗi của Lâm là đã không chịu làm một ông chồng “râu quặp” yên phận mà đòi nổi loạn đòi làm “chồng”. Hóa ra, đôi khi làm “râu quặp” cũng thật hạnh phúc...