Chống phân biệt đối xử trong trả lương

ANTĐ - Trong cuộc thảo luận sáng 23-5 xung quanh dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu cho rằng cần nghiên cứu để bổ sung các quy định cụ thể về tiền lương như cơ cấu của tiền lương, căn cứ trả lương, chống phân biệt đối xử trong trả lương.

Sáng 23-5, Quốc Hội tiếp tục làm việc với dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi). Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi).

Theo bà Mai, đến nay đã có 60 Đoàn đại biểu Quốc hội, 11 đại biểu Quốc hội và 2 Bộ và 1 cơ quan gửi văn bản góp ý kiến cho dự thảo Bộ luật.

Trong đó, vấn đề tiền lương và mức lương tối thiểu được nhiều đại biểu quan tâm. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng cần nghiên cứu để bổ sung các quy định cụ thể về tiền lương như cơ cấu của tiền lương, căn cứ trả lương, chống phân biệt đối xử trong trả lương, hình thức trả lương, hệ thống thang, bảng lương.

Một số ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể về tiền lương tối thiểu giờ để đáp ứng với sự linh hoạt của thị trường lao động, nhất là đối với loại hình lao động không trọn thời gian.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Bộ luật đã bổ sung các nguyên tắc đối với tiền lương tối thiểu theo tháng, tuần, ngày, giờ, được xác lập theo vùng, theo ngành và giao cho Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thị trường lao động, tình hình thực tiễn của từng ngành, nghề, loại công việc trong từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung các yếu tố xác định mức lương tối thiểu bao gồm: năng suất lao động, khả năng tăng trưởng kinh tế, các khoản trợ cấp an sinh xã hội và tương quan mức sống với các nhóm dân cư khác.
Bà Mai cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp thu các ý kiến này và tại Điều 92 của dự thảo Bộ luật đã quy định nguyên tắc xác định tiền lương tối thiểu theo hai nhóm yếu tố đó là điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động.
Về ý kiến đề nghị tăng mức lương làm thêm giờ ban đêm lên gấp đôi so với mức lương làm việc ban ngày, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý vấn đề này tại Điều 99 của dự thảo Bộ luật. Theo đó, người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường; người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.

Ngoài ra, dự thảo Bộ luật bỏ quy định về tạm ứng tiền lương đối với người lao động bị tạm giam (tại Điều 105 của dự thảo Bộ luật lao động trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2) vì trường hợp người lao động bị tạm giam mà bị oan được thực hiện theo quy định của Luật bồi thường nhà nước, còn người lao động sau đó nếu bị kết án sẽ không có cơ chế hoàn trả tiền lương đã tạm ứng.
Ngoài nội dung trên, một số nội dung cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi đó là quy định về giờ làm thêm, tuổi nghỉ hưu và chế độ nghỉ thai sản.