Chống phân biệt chủng tộc ở Anh – Cuộc chiến chưa có hồi kết

ANTĐ - Căng thẳng cuộc “nội chiến” trong lòng bóng đá Anh vẫn tiếp tục leo thang. Ngay cựu trung vệ Tam Sư - Sol Campbell công kích Liên đoàn bóng đá Anh (FA) nạn phân biệt chủng tộc trong cuốn tự truyện của mình, Paul Ince ngay lập tức lên tiếng bảo vệ FA.
Trong sự nghiệp thi đấu của mình, Sol Campbell đã rất nhiều lần khoác áo đội tuyển Anh nhưng chỉ duy nhất 3 lần được trao tấm băng đội trưởng Tam Sư, và cả 3 lần đó đều trong những trận giao hữu quốc tế. Đây là lý do mà cựu trung vệ của Tottenham, Arsenal và Portsmouth cho rằng vấn nạn phân biệt chủng tộc diễn ra ngay trong nội bộ cơ quan bóng đá cao nhất nước Anh là FA.
Cuốn tự truyện của Sol Campbell tạo nên một làn sóng với nhiều ý kiến trái chiều bởi từ lâu, vấn đề phân biệt chủng tộc luôn là một chủ đề được bàn tán và tranh cãi nhiều nhất tại nước Anh nói riêng và trong nền bóng đá ở xứ sở sương mù nói chung.
Trước đây, khi báo giới xứ sở sương mù cho rằng nên mời tài năng trẻ đang lên của M.U là Adnan Januzaj chọn Tam Sư để cống hiến, tiền vệ Jack Wilshere đã thể hiện sự phản đối mạnh mẽ khi cho rằng chỉ những cầu thủ sinh ra tại Anh mới có thể khoác áo đội tuyển Anh.
Sol Campbell (phải) chụp cùng người đồng đội ở tuyển Anh và Arsenal - Tony Adams

Theo chia sẻ của Campbell trong cuốn tự truyện của mình, anh có thể đảm nhiệm chiếc băng đội trưởng tới 10 năm nếu là người da trắng. Màn “khẩu chiến” này được đẩy lên cao trào mới khi đội trưởng da màu đầu tiên của Tam Sư là Paul Ince bất ngờ lên tiếng ủng hộ FA.

“Thật sự mọi so sánh giữa tôi và Sol Campbell đều là khập khiễng. Nhưng tôi muốn nói rằng đội tuyển Anh có rất nhiều nhân tài cũng như cá tính lớn như David Seaman, Alan Shearer, Rio Ferdinand, John Terry, Steven Gerrard…nên không cầu thủ nào có thể là đội trưởng Tam Sư trong 10 năm. Hơn thế nữa, tôi chỉ muốn mọi người nhớ đến mình từng là đội trưởng tuyển Anh chứ không phải cầu thủ da màu đầu tiên được đeo băng thủ quân”, Paul Ince tâm sự.

Được HLV Graham Taylor tin tưởng trao băng đội trưởng lần đầu tiên năm 1993, trong trận đấu giao hữu giữa hai đội tuyển Anh và Mỹ ở Massachusetts, Paul Ince sau đó còn 6 lần được trao vinh dự này, nhưng trong số đó là 5 trận giao hữu khác của Tam Sư.

Đội trưởng ĐT Anh - Paul Ince chụp cùng HLV trưởng Tam Sư, Glenn Hoddle năm 1998

Trận đấu chính thức duy nhất mà Paul Ince là thủ quân đội tuyển Anh là khi Tam Sư cầm chân Italia với tỷ số 0-0 trên sân khách để giành quyền tới vòng chung kết World Cup 1998 ở Pháp. Tất cả người hâm mộ đội tuyển Anh còn nhớ hình ảnh người đội trưởng da màu quấn băng trắng trên đầu cùng chiếc áo đẫm máu chảy xuống từ vết thương, “tả xung hữu đột” trên sân.

“Sol Campbell là bạn và cũng là người đồng đội tài năng của tôi ở tuyển Anh. Tôi không muốn nói gì khiến anh ấy buồn lòng. Nhưng sự thật là tôi được đeo băng đội trưởng ở hầu hết những CLB tôi thi đấu, từ M.U, Inter Milan, Liverpool, Middlesbrough, Wolves và đội tuyển Anh. Và tất cả đều nhờ tài năng và sự kính trọng của mọi người với tôi chứ không phải vì màu da của tôi”, Paul Ince tâm sự.

Tuy nhiên, những phát biểu được xem là “lá chắn” cho FA của Paul Ince vẫn không thể khiến tình hình bớt căng thẳng hơn. Thực tế cho thấy, từ trước đến nay Tam Sư mới chỉ có 4 đội trưởng da màu, gồm Paul Ince (7 lần), Sol Campbell (3), Rio Ferdinand (7) và Ashley Cole (1). Và trong 18 trận đấu đó của tuyển Anh thì có tới 14 trận chỉ đơn thuần là giao hữu.

 

Và cuộc “nội chiến” chống phân biệt chủng tộc trong lòng bóng đá Anh, nơi khởi nguồn của môn thể thao Vua, vẫn chưa thể đi đến hồi kết…