Chống người thi hành công vụ ngày càng trắng trợn: ‘‘Phải xử mạnh”

ANTĐ - Mới đây nhất, ngày 17-9-2012, tại khu vực trước cửa Bệnh viện Mắt Trung ương, Hà Nội, một tài xế taxi đã bất ngờ nhấn ga hất một chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ lên nắp capo xe. Trước đó vài ngày, tại TP.HCM một nhóm thanh niên hung hãn mang theo vũ khí đã lái xe tông thẳng vào nhóm cảnh sát và nã đạn hoa cải vào lực lượng công an nhằm giải cứu đồng bọn. Chỉ trong một thời gian ngắn đã liên tiếp xảy ra các vụ án chống người thi hành công vụ. Điều đáng nói là các đối tượng phạm tội ngày càng manh động và trắng trợn thể hiện sự coi thường pháp luật.
Chống người thi hành công vụ ngày càng trắng trợn: ‘‘Phải  xử mạnh” ảnh 1


Sử dụng vũ khí nóng chống người thi hành công vụ

Theo tổng kết của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm - Bộ Công an, chỉ tính riêng trong năm 2011, đã xảy ra 761 vụ chống người thi hành công vụ, trong đó có tới 383 vụ nhằm vào lực lượng công an, tăng 6,9% so với năm 2010. Lực lượng bị đối tượng chống đối cao nhất là Công an phường, thị trấn, đồn, trạm, Công an xã (chiếm 44%), đứng thứ hai là lực lượng Cảnh sát giao thông (chiếm 23%). Đáng báo động là trong vài năm trở lại đây, tội phạm chống người thi hành công vụ chiếm tới 1,5% trong tổng số tội phạm hình sự. Công cụ, phương tiện mà các đối tượng sử dụng để chống lại người thi hành công vụ cũng rất đa dạng, từ những vũ khí nóng như súng, lựu đạn, mìn cho đến vũ khí tự chế, vũ khí thô sơ, gạch, đá, tay không hoặc sử dụng các phương tiên giao thông đâm trực tiếp vào cảnh sát đang làm nhiệm vụ.

Một vụ án  mới nhất được ghi nhận về sự trắng trợn của các đối tượng nhằm chống lại lực lượng thi hành công vụ đó là vụ án  xảy ra vào 1h30 sáng ngày 7-9, Tổ cảnh sát đặc nhiệm Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện nhóm 5 thanh niên mang theo hung khí đi vào hẻm khu chung cư 590 đường Cách Mạng Tháng 8 (phường 11, quận 3). Khi tổ công tác áp sát kiểm tra, nhóm thanh niên bỏ chạy toán loạn. Sau đó, một số tên quay lại dùng bom xăng giáo mác tấn công tổ công tác. Tổ đặc nhiệm đã phải nổ nhiều phát súng chỉ thiên để trấn áp, truy đuổi và khống chế 2 đối tượng, hai đối tượng khác trốn vào nhà dân gần đó tử thủ. Trong lúc lực lượng chức năng bao vây căn nhà thì bất ngờ một chiếc xe 7 chỗ lao đến, tông thẳng vào nhóm trinh sát, khi cửa xe bật mở, nhiều kẻ dùng súng hoa cải bắn về phía cảnh sát nhằm giải cứu đồng bọn sau đó tháo chạy. 

Có thể thấy, tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ, chống lại lực lượng Cảnh sát trong thời gian gần đây đang tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Ở một số vụ, khi lực lượng Cảnh sát giải quyết các vụ đánh nhau, gây rối trật tự công cộng thì đối tượng gây án rất manh động và liều lĩnh, thể hiện hành vi phạm tội đến cùng. Có thể kể đến trường hợp nhóm côn đồ đã tấn công lực lượng Cảnh sát hình sự, lái ô tô đâm thẳng vào cán bộ khám nghiệm hiện trường, dùng hung khí chém cảnh sát xảy ra trên phố Hồng Mai (Hà Nội) vào tháng 7-2011. Vụ tấn công đã làm 3 cán bộ Cảnh sát hình sự bị trọng thương. 

Bên cạnh đó, số vụ đối tượng chống trả lại các lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm hình sự, ma túy, kinh tế cũng hết sức nguy hiểm và gây những hậu quả rất nghiêm trọng. Điển hình là vụ đối tượng buôn bán ma túy ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã xả súng vào lực lượng truy bắt khiến 3 chiến sỹ Công an tỉnh Hòa Bình hy sinh, 4 đồng chí khác bị thương. Hay như vụ truy bắt 2 đối tượng phạm tội tại Xuân Đường - Đồng Nai, các đối tượng này đã xả súng làm bị thương một đồng chí công an xã và khiến một chiến sỹ Cảnh sát hình sự hy sinh. Trên địa bàn Hà Nội, trong năm 2011 đã xảy ra 186 vụ chống người thi hành công vụ, còn trong 6 tháng đầu năm con số này là 84 vụ. Đáng chú ý, ngay cả với lực lượng Cảnh sát cơ động có vũ trang, lực lượng Cảnh sát liên ngành, điển hình là các Tổ công tác 141 cũng liên tiếp vấp phải sự phản ứng của các đối tượng. 

Đâm xe vào lực lượng cảnh sát, phải truy tố về tội giết người

Trong lĩnh vực giao thông trật tự, thống kê cho thấy, trong 3 năm từ 2009 đến 2011 đã xảy ra 132 vụ chống đối Cảnh sát giao thông. Trong đó riêng 6 tháng đầu năm 2012 đã xảy ra 20 vụ. Các đối tượng chống đối thường không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng Cảnh sát giao thông, nhiều vụ còn lao thẳng phương tiện vào các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ.

Vào ngày 17-9-2012 vừa qua, tại khu vực trước cửa Bệnh viện Mắt Trung ương, khi lực lượng cảnh sát trật tự Công an phường Nguyễn Du tiến hành kiểm tra chiếc xe taxi của hãng Mai Linh dừng đón khách sai quy định. Khi lực lượng cảnh sát yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài xế taxi đã không tuân thủ mà còn bât ngờ nhấn ga hất Thượng sỹ Nguyễn Xuân Hiếu lên nắp capo xe chạy một đoạn đường dài gần 500m cho đến khi bị người dân chặn lại.

Chuyện lực lượng Cảnh sát giao thông bị đối tượng lao thẳng xe máy vào người gây tai nạn hoặc hất lên nóc capo đang trở nên phổ biến hiện nay. Các vụ việc liên tục xảy ra chỉ trong thời gian ngắn, không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn làm giảm sự nghiêm minh của pháp luật tạo một tiền lệ xấu. Song việc xét xử các đối tượng này còn chưa tương xứng với hành vi phạm tội. Việc lao xe thẳng vào lực lượng cảnh sát là hành vi nguy hiểm mà đối tượng biết trước được khả năng có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi. Hậu quả chưa xảy ra là ngoài ý muốn chủ quan của đối tượng. Chính vì vậy, hành vi này phải được xét xử với tội danh giết người. Việc xử nhẹ các đối tượng chống người thi hành công vụ cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng chống người thi hành công vụ gia tăng. Chính vì vậy đối với các vụ án này phải được xử lý nghiêm và cần tiến hành xét xử lưu động công khai để làm gương cho các đối tượng khác.

Ai sẽ bảo vệ lực lượng thi hành công vụ?

Đó là câu hỏi cấp bách được đặt ra trong tình hình loại tội phạm chống người thi hành công vụ đang diễn ra hết sức phức tạp và trắng trợn như hiện nay. Theo Luật sư Chu Mạnh Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Danh chính - Đoàn Luật sư Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chống người thi hành công vụ hiện nay một phần là do tội phạm có bản chất lưu manh chuyên nghiệp, với sự liều lĩnh nên rất manh động, coi thường pháp luật, sẵn sàng chống lại các lực lượng thực thi nhiệm vụ nhằm trốn tránh pháp luật. Song nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng chống người thi hành công vụ lại xuất phát từ chính nhiệm vụ của những người thi hành công vụ. Do đặc điểm công việc của người thi hành công vụ thường xuyên tiếp xúc và ảnh hưởng đến lợi ích (bất hợp pháp) của người dân nên thường dẫn đến việc xung đột. 

Trong khi đó, phương tiện, công cụ hỗ trợ của lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ vẫn còn thiếu nên khi sử dụng trong lúc thi hành công vụ không uy hiếp tức thì được đối tượng. Luật sư Chu Mạnh Cường cho rằng: mặc dù Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực thi hành từ ngày 

1-1-2012 có quy định 7 trường hợp được phép nổ súng trong khi thi hành công vụ song các quy định về trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và các chế tài về sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong phòng vệ, tự vệ và trấn áp các hành vi vi phạm pháp luật nói chung lại chưa đầy đủ, chung chung và khó áp dụng trong thực tiễn nên đã hạn chế khả năng đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật của các lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta chưa có hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ cán bộ, chiến sỹ khi sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ nên có sự chùn tay (sợ làm chết người, sợ vi phạm pháp luật) không đủ uy lực để trấn áp, đè bèp sự phản kháng của tội phạm. 

Không những thế, khi xảy ra những vụ chống người thi hành công vụ thì các chế tài pháp luật lại quá nhẹ. Theo Tiến sỹ, giảng viên Trần Đức Thìn - Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng hiện nay chỉ những vụ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người thi hành công vụ thì mới bị xử lý hình sự, còn các vụ gây hậu quả ít nghiêm trọng thường chỉ giải quyết bằng biện pháp hành chính. Ngoài ra, theo Điều 257 Bộ luật Hình sự quy định về tội “Chống người thi hành công vụ” khởi điểm của khung hình phạt chỉ là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng. Ngay cả trong các trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, xúi giục lôi kéo, kích động người khác phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm thì khung hình phạt tù thấp nhất cũng chỉ hai năm và cao nhất là 7 năm.

Một điều dễ nhận thấy, với khung hình phạt khởi điểm là cải tạo không giam giữ, so với thực trạng của hành vi chống người thi hành công vụ hiện nay là không “tương xứng”. Do vậy theo Luật sư Phạm Trung Hiếu, Văn phòng Luật Công Minh, để hình phạt đủ sức răn đe, cần sửa đổi khung hình phạt tại khoản 1 Điều 257 BLHS theo hướng bỏ hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, áp dụng ngay hình phạt tù giam, với mức án khởi điểm từ 1 đến 3 năm tù giam. Song song với đó, trong quá trình điều tra vụ án chống người thi hành công vụ, các cơ quan tiến hành tố tụng cần sớm đưa những vụ án điểm, có tính chất nghiêm trọng ra xét xử công khai với mức án nghiêm khắc để răn đe đối tượng và rút kinh nghiệm chủ động phòng ngừa.

Nghị định 34/NĐ-CP, chỉ quy định mức phạt chỉ là 4 triệu đồng/ trường hợp đối với hành vi chống người thi hành công vụ và 1,4 triệu đồng cộng với hình phạt bổ sung tước giấy phép lái xe 30 ngày đối với hành vi không tuân thủ hiệu lệnh của người tham gia giao thông là quá thấp. Từ thực trang này đã dẫn đến việc hiệu lực răn đe của pháp luật vẫn chưa đủ mạnh, dẫn tới một số người có dấu hiệu coi nhẹ, “nhờn” luật.

(Luật sư Chu Mạnh Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Danh chính - Đoàn Luật sư TP Hà Nội )

Theo tôi, tình trạng công an bị tấn công hiện nay rất phổ biến. Ở các nước tiến bộ cảnh sát sẽ bắn ngay khi người vi phạm phản ứng và bắn chết tại chỗ nếu manh động chống trả. Xử lý rắn như thế mới nghiêm trị được các đối tượng côn đồ. Trong khi ở Việt Nam, công an, kiểm lâm, phóng viên bị côn đồ tấn công thường xuyên mà chưa có biện pháp chống trả tương ứng ngay lập tức. Điều này sẽ khiến các đối tượng lại tiếp tục vi phạm. 

(Anh Ngô Hoàng Hưng - Công ty Bảo hiểm BIC - Hà Nội)

Trên thực tế còn xảy ra tình trạng một số cán bộ khi thực thi nhiệm vụ  thiếu khả năng thuyết phục quần chúng hoặc có biểu hiện chưa đúng mực gây ức chế cho người dân, dẫn đến một số vụ chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, bất luận vì lý do gì thì tất cả mọi người đều phải tuân thủ pháp luật. Nếu lực lượng thi hành nhiệm vụ vi phạm pháp luật thì cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trong điều kiện các đối tượng chống người thi hành công vụ ngang nhiên và manh động  như hiện nay, tôi cho rằng cần trao thêm quyền cũng như những công cụ hỗ trợ đặc biệt để lực lượng thực thi nhiệm vụ có thể trấn áp mạnh các đối tượng phạm tội đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

 (Anh Cao Mạnh Hải - Công ty Vinaconex)