Chóng mặt và choáng váng: Phân biệt để tránh nhầm lẫn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chóng mặt hay choáng váng là hai triệu chứng khác nhau xuất phát từ những bệnh lý khác biệt, mà đôi khi nhiều người nhầm lẫn.
Chóng mặt là triệu chứng thường gặp và là nguyên nhân hàng đầu của các bệnh lý thần kinh

Chóng mặt là triệu chứng thường gặp và là nguyên nhân hàng đầu của các bệnh lý thần kinh

Cảnh giác với triệu chứng chóng mặt

Chóng mặt là triệu chứng của nhiều bệnh, trong đó có bệnh về thần kinh. Chóng mặt là một cảm giác hay ảo giác về cử động của cơ thể hoặc môi trường, thường gặp nhất là cảm giác xoay tròn kèm theo buồn nôn, đi đứng không vững, dáng đi lệch lạc, có thể khởi phát hay nặng lên khi cử động đầu. Trong khi đó, choáng váng mô tả cảm giác mất thăng bằng, loạng choạng, muốn té xỉu.

Với trường hợp chóng mặt, triệu chứng này thường bắt nguồn từ rối loạn thần kinh hay hệ thống tiền đình gồm tai, mắt hay tiền đình tủy sống. Chóng mặt còn hay đi kèm với các triệu chứng khác như nhức đầu, buồn nôn, mất thính lực hay rung giật nhãn cầu… Trái lại, nguyên nhân dẫn đến choáng váng xuất phát từ thiếu máu hoặc oxy lên não do hạ huyết áp, bệnh lý tim mạch hay do rối loạn chuyển hóa… Choáng váng thường kèm theo các triệu chứng lảo đảo, bủn rủn, lú lẫn…

Khi thấy người thân choáng váng, chóng mặt, người nhà nên đỡ người bệnh lập tức ngồi hay nằm xuống để tránh những thương tổn như té ngã, đồng thời cho bệnh nhân uống nhiều nước, hít thở sâu, giảm cường độ sáng. Nếu choáng váng do lượng đường trong máu giảm, có thể cho bệnh nhân ăn một chút gì đó để lấy lại sức. Lưu ý người bệnh không nên leo thang bộ, tự chạy xe hay vận hành máy móc sẽ rất nguy hiểm. Đồng thời, người nhà cũng tránh để bệnh nhân sử dụng chất kích thích như rượu, bia hoặc đi giày dép quá cao dẫn đến té ngã…

Chế độ ăn cho người hay chóng mặt

Chóng mặt là triệu chứng thường gặp và là nguyên nhân hàng đầu của các bệnh lý thần kinh. Khi bị chóng mặt, người bệnh thường băn khoăn không biết đây là triệu chứng của rối loạn tiền đình hay thiểu năng tuần hoàn não. Ngoài ra, chóng mặt còn có thể do tâm lý, thường do stress. Trước hết, khi chóng mặt, bệnh nhân nên nằm nghỉ sẽ làm cơn chóng mặt qua đi; nếu cơn chóng mặt lặp lại, nên đi khám tại các phòng khám đa khoa hoặc các phòng khám về thần kinh.

Đối với chế độ ăn, sau khi cơn chóng mặt qua đi, bệnh nhân có thể uống 1 cốc trà gừng. Trong trường hợp bị chóng mặt, phải giảm bớt nhưng không phải nhịn ăn. Do nhiều người sợ nôn nên nhịn ăn, điều này không đúng, chỉ giảm 20-30% khẩu phần trong ngày. Thực phẩm ưu tiên khi bị chóng mặt cần ăn đường đơn kèm đường phức hợp (mật ong, mật mía, nước ngọt) để tăng đường huyết. Nhưng cần bổ sung đường phức hợp vì đường đơn chỉ giải quyết được tình trạng trong 30 phút. Đường phức hợp bao gồm bánh quy, bột ngũ cốc, sữa.

Do bình thường ăn các thực phẩm thô nhưng khi chóng mặt cần chọn các thức ăn đã được chuyển hóa một phần (cháo, súp), ưu tiên thêm các thực phẩm giàu lơxim vì đây là axit amin thiết yếu, là chất dẫn truyền giúp cho việc chuyển hóa ôxy lên não (có trong các thực phẩm thịt gia súc, gia cầm và các loại đậu). Ngoài ra, cần uống nước đều đặn và ít một. Nếu bị chóng mặt, có thể dùng ống hút để uống nước thêm và không nên kiêng ăn, hãy chia nhỏ bữa ăn.

Một số lưu ý

Nếu bệnh nhân có triệu chứng chóng mặt kéo dài cần phải đi khám chuyên khoa tai mũi họng để bác sĩ phát hiện bệnh lý. Trường hợp người bệnh có triệu chứng chóng mặt nghi ngờ liên quan đến thần kinh Trung ương thì phải được bác sĩ chuyên khoa thần kinh xem xét và đánh giá. Biến chứng bệnh lý có thể xảy ra phụ thuộc vào nguyên nhân gây chóng mặt, tuy nhiên không có biến chứng nguy hiểm do chóng mặt từ nguyên nhân thần kinh ngoại biên cấp tính và hiếm khi thấy chóng mặt cấp tính xảy ra trong lúc bệnh nhân đang lái xe hay đang điều khiển máy móc nguy hiểm. Tiên lượng bệnh cũng phụ thuộc vào nguyên nhân, hầu hết các đợt chóng mặt do nguyên nhân thần kinh ngoại biên cấp tính đều tự giới hạn.

Nếu bệnh nhân đã có một cơn chóng mặt tư thế kịch phát lành tính thì có khả năng tăng nguy cơ bị những cơn chóng mặt xảy ra sau đó, có khoảng 7 - 23% tái phát trong giai đoạn ngắn và 50% tái phát trong giai đoạn dài. Những bệnh nhân có bệnh lý về thân não hay tiểu não sẽ giảm khả năng thích nghi và triệu chứng chóng mặt có thể kéo dài bất định.