Chồng không đồng ý cho đi học cao học, sau một đêm vợ nhập viện vì xuất huyết dạ dày

ANTD.VN - PGS.TS Nguyễn Duy Thắng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật chia sẻ, Viện đã tiếp nhận không ít trường hợp vào khám trong tình trạng niêm mạc xung huyết đỏ rực, thậm chí xuất huyết dạ dày chỉ sau một đêm vì… stress quá nặng.

PGS.TS Nguyễn Duy Thắng chia sẻ tại hội nghị khoa học tiêu hóa, gan mật, diễn ra ở Hà Nội sáng 26-5

Mới đây, tại phòng khám của Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật tiếp nhận một phụ nữ ngoài 30 tuổi đến khám trong tình trạng mệt mỏi, phờ phạc, bụng đau, có biểu hiện của đau dạ dày. Qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết dạ dày, dù trước đó cô hoàn toàn khỏe mạnh, chưa hề có biểu hiện bị viêm loét dạ dày.

PGS.TS Nguyễn Duy Thắng chia sẻ, tại Viện đã tiếp nhận không ít trường hợp vào điều trị trong tình trạng niêm mạc xung huyết, đỏ rực lên chỉ sau một thời gian ngắn như vậy. Phần lớn ca bệnh đều có sẵn vi khuẩn H.p và đều liên quan đến ức chế tinh thần, stress tâm lý nặng.

Vì thế, với trường hợp phụ nữ ngoài 30 tuổi kể trên, bác sĩ hỏi: “Trong tuần qua hoặc 2-3 ngày gần đây cô có gặp áp lực, ức chế tâm lý gì không?”. Người bệnh cho biết, đêm hôm trước cô và chồng có cãi nhau vì cô xin đi học cao học mà chồng không đồng ý, cả đêm cô không ngủ được, gần sáng thì có biểu hiện đau bụng dữ dội…

Phân tích thêm về vấn đề này, GS.TS Đào Văn Long - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu và Đào tại tiêu hóa, gan mật, vi khuẩn H.p (Helicobacter pylori) là một trong những nguyên nhân gây loét dạ dày, hành tá tràng và là yếu tố nguy cơ cao của ung thư dạ dày. 

GS.TS Đào Văn Long trình bày báo cáo khoa học tại hội nghị

Việt Nam là khu vực có tỷ lệ người nhiễm cao. Vừa qua, Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật đã thực hiện một nghiên cứu khảo sát tình trạng nhiễm H.p trên 258 gia đình với 696 cá thể đến khám vì triệu chứng của đường tiêu hóa trên.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ nhiễm H.p trong quần thể ở nước ta là 85,9%. Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm H.p ở trẻ dưới 8 tuổi đạt 96,2%. Điều này hoàn toàn ngược lại so với tỷ lệ nhiễm H.p ở các nước phát triển bởi ở các nước này thì tỷ lệ trẻ em nhiễm H.p rất thấp (chỉ chiếm khoảng 20% so với 80% của người lớn).

PGS.TS Nguyễn Duy Thắng nêu rõ, ở Việt Nam, không những trẻ em là đối tượng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn H.p cao nhất mà có những trẻ bị nhiễm H.p từ khi mới… 2 tuổi. Đây là trường hợp một em bé bị nhiễm khuẩn từ người mẹ (mang khuẩn H.p) thông qua đường nếm, mớm thức ăn bón cho con.

Cũng theo PGS Thắng, vi khuẩn H.p là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày chứ không phải cứ có khuẩn H.p là bị ung thư dạ dày. Khi có các triệu chứng bệnh lâm sàng như đau bụng, ợ hơi, hay nôn, ăn uống không được thì người bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán, không nên tự điều trị tại nhà.