Chống chồng chéo và lạm thu

ANTĐ - Dự thảo Luật phí và lệ phí đã được đưa ra lấy ý kiến dư luận để chuẩn bị đưa ra Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sắp tới. 

Sáng 10-9, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Một số vấn đề trong dự thảo Luật phí và lệ phí”. Đây là một hội thảo quan trọng, không chỉ vì nó tập hợp được đông đảo chuyên gia quản ký, kinh tế, pháp lý mà quan trọng hơn, nó đã đề cập được toàn diện hơn những vấn đề của phí và lệ phí, đóng góp hữu ích cho Dự thảo Luật phí và lệ phí. 

Vấn đề phí và lệ phí đã được người dân và các doanh nghiệp, người thụ hưởng dịch vụ công và cũng là người đóng phí và lệ phí kêu ca rất nhiều. Ngay trên diễn đàn Quốc hội, trong phiên họp tháng 5-2015, các đại biểu Quôc hội đã khẳng định: Pháp lệnh phí, lệ phí hiện hành còn một số hạn chế trong quá trình thực hiện, đặc biệt là danh mục phí, lệ phí hiện hành không phù hợp với thực tiễn. Một số thủ tục hành chính trong quá trình thu còn rườm rà, phức tạp, nguồn thu chưa triệt để, sử dụng nguồn thu phí và lệ phí hiệu quả chưa cao.

Một câu hỏi quan trọng được đặt ra trong hội thảo ngày 10-9 là Dự thảo Luật phí và lệ phí đã khắc phục được những bất cập đó chưa? Trong khi khẳng định Dự thảo Luật phí và lệ phí đã có nhiều tiến bộ nhưng chưa khắc phục hết được những bất cập về phí và lệ phí trong đời sống. 

Hai điểm tiến bộ nhất được Hội thảo  ngày 10-9 nêu ra là: Thứ nhất, khái niệm phí đã phản ánh đúng bản chất của các khoản thu. Nhà nước mở rộng xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ cho xã hội, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo công bằng hơn trong cung cấp dịch vụ công. Thứ hai, quy định về Danh mục phí và lệ phí. Và đó cũng là hai điểm cần phải sửa đổi thêm để khắc phục những bất cập về phí và lệ phí. 

Khi xác định rõ các khoản thu phí và lệ phí với nguyên tắc “đảm bảo bù đắp chi phí” thay cho nguyên tắc “đảm bảo thu hồi vốn trong thời gian hợp lý”, bổ sung thêm nguyên tắc xác định mức thu “hợp lý”. Theo đó, mức thu phí của Nhà nước để bù đắp chi phí không nhằm mục đích lợi nhuận. Hơn nữa, việc bù đắp chi phí này phải đảm bảo hợp lý để phù hợp với thu nhập dân cư, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của người nộp phí, lệ phí. Nếu xác định nguyên tắc này, các khoản phí và lệ phí chắc chắn phải giảm mạnh. 

Có thể ví dụ ngay việc tăng lệ phí trước bạ ô tô tại TP Hồ Chí Minh từ 1-9 lên gấp 5 lần so với trước có phải để bù đắp chi phí hay để thực hiện chính sách hạn chế ô tô? Có còn cảnh để được đóng một con dấu, các doanh nghiệp phải nộp một khoản phí không tưởng? 

Đối với danh mục phí và lệ phí, các tham luận tại hội thảo cũng chỉ ra nhiều loại phí và lệ phí vẫn chồng chéo. Có thể ví dụ như đã có lệ phí trước bạ khi xác định quyền sở hữu, sử dụng bất động sản nhưng vẫn còn các mục lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất... 

Rút kinh nghiệm, khi Pháp lệnh Phí và lệ phí quy định chỉ có 73 loại phí và 43 loại lệ phí nhưng cuối cùng thì số lượng đã lên đến 301 loại phí và 130 khoản lệ phí, nhiều chuyên gia cho rằng Quốc hội nên cụ thể hóa danh mục, quy định luôn chi tiết các khoản phí lệ phí để đảm bảo tính minh bạch, tránh tình trạng tùy tiện và  lạm thu.