Chồng chéo trong quản lý an toàn thực phẩm

ANTD.VN - Sau khi Luật An toàn thực phẩm (ATTP) có hiệu lực năm 2010, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật vẫn còn nhiều vướng mắc, chủ yếu do các quy định vẫn chưa thống nhất, công tác quản lý chồng chéo, đội ngũ cán bộ mỏng…

Việc quản lý ATTP hiện nay còn nhiều chồng chéo

Còn nhiều vướng mắc

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật An toàn thực phẩm sáng 17-11, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong 5 năm triển khai Luật ATTP, 3 ngành NN&PTNT, Y tế và Công Thương đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm.

Đồng thời, các ngành đã tăng cường tuyên truyền pháp luật về ATTP cho công dân biết và thực hiện. Đến nay, Sở Công Thương đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho hơn 2.100 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn; cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP cho tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm với tổng số hơn 16.000 người. 

Nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật ATTP, đại diện Phòng Kinh tế các quận, huyện thuộc Hà Nội cho rằng, việc phân công quản lý về ATTP còn chồng chéo nên khi triển khai xuống các cơ sở còn gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, cán cán bộ tham gia quản lý công tác ATTP đa số còn kiêm nhiệm, chưa được đào tạo, chưa có chức danh. Ngoài ra, một số hàng hóa, sản phẩm dù tham gia ký cam kết nhưng công tác thanh tra, kiểm tra gần như không có dẫn đến không biết doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thực hiện không.

Tại nhiều địa phương, đa phần các cơ sở sản xuất, kinh doanh là nhỏ lẻ, manh mún, vì vậy việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn. Đại diện doanh nghiệp lại cho rằng, trong quá trình thực hiện Luật, nhiều thủ tục còn bất cập khiến doanh nghiệp phải đi lại nhiều, trong khi cán bộ hướng dẫn doanh nghiệp còn chưa thống nhất, không có cán bộ chuyên trách và có kiến thức về ATTP…

Quy định “đá” nhau

Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Vân, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội, việc thực hiện Luật còn chồng chéo là do nhiều quy định hiện nay vẫn còn “đá” nhau. Cụ thể, tại Khoản 5, Điều 19, Nghị định 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Đảm bảo nguyên tắc 1 cửa, 1 sản phẩm, 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của 1 cơ quan quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, Điều 20, 21, 22 của Nghị định này quy định trách nhiệm quản lý của từng Bộ lại phân định theo nhóm sản phẩm. Nếu cơ sở sản xuất nhiều nhóm sản phẩm, trong đó có sản phẩm thuộc quản lý của cả 3 Bộ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13.

Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý, phân định trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan và gây khó khăn cho cơ sở khi thực hiện quy định của pháp luật về ATTP. Một cơ sở hàng năm phải chịu sự hậu kiểm của ít nhất 2 cơ quan với nhiều nội dung trùng lắp trong công tác ATTP.

Về việc các quy định chưa thống nhất, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay 3 Bộ quản lý ATTP đang phối hợp, họp bàn với nhau để có thể ban hành một Nghị định thay thế Nghị định 38/NĐ-CP để thống nhất trong việc quản lý ATTP.