Chồng chéo cấu trúc sở hữu ngân hàng

ANTĐ - Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012 do nhóm Tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô thực hiện với tiêu đề “Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu” vừa được công bố trên trang Web của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Một trong những nội dung đáng chú ý là các phân tích của tác giả Đinh Tuấn Minh về sự bất ổn trên thị trường tài chính.

Chồng chéo cấu trúc sở hữu ngân hàng ảnh 1
Sở hữu chéo giữa các ngân hàng ngày càng trở nên nghiêm trọng
Cụ thể, tác giả đưa ra nhận định: “Cấu trúc sở hữu của hệ thống ngân hàng ngày càng chồng chéo”. Vấn đề sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng ở Việt Nam ngày càng trở nên nghiêm trọng, là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn dựa trên quan hệ thay vì hiệu quả sử dụng. Đáng chú ý, hiện tượng sở hữu lẫn nhau giữa các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần cũng khá phổ biến ở Việt Nam. Từ những thông tin công bố của các ngân hàng, hiện có ít nhất 6 NHTM cổ phần có cổ đông là một NHTM cổ phần khác. Chẳng hạn, Eximbank hiện sở hữu 10,6% cổ phần tại Sacombank, 8,5% cổ phần tại Ngân hàng Việt Á.

Trong giai đoạn vừa qua, rất nhiều tập đoàn và tổng công ty Nhà nước đã tham gia góp vốn hình thành các tổ chức tín dụng. Hiện tại, có gần 40 doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân có sở hữu trên 5% tại các NHTM cổ phần. Hơn nữa, hầu hết các tập đoàn nhà nước đều có các công ty tài chính. Mối quan hệ giữa NHTM cổ phần với các tập đoàn tư nhân ngày càng trở nên phức tạp. Đặc biệt, nhiều ngân hàng có thể được sở hữu bởi rất nhiều công ty gia đình hoặc các thành viên gia đình vốn đồng thời lãnh đạo ở các doanh nghiệp khác. Tác giả nêu ví dụ tiêu biểu là trường hợp của ông Đ.T.T với ngân hàng N và ngân hàng PT. Tuy ông Đ.T.T chỉ sở hữu 2,97% cổ phần tại ngân hàng N và không có cổ phần tại ngân hàng PT, nhưng ông lại sở hữu gián tiếp cả 2 ngân hàng này. Cụ thể, ông này nắm 23,69% cổ phần Công ty CP A, và 34,94% cổ phần của Tổng công ty B. Trong khi đó, Công ty CP A trực tiếp sở hữu 9,41% ngân hàng PT. Còn Tổng công ty B có đầu tư 483 tỷ đồng tại Công ty CP C, vốn chiếm 9,85% vốn sở hữu tại ngân hàng PT và 11,93% tại ngân hàng N.

Từ thực tế trên, tác giả đưa ra cảnh báo, với trường hợp các NHTM có cổ đông lớn là các doanh nghiệp, thì rất có thể các NHTM này trở thành “sân sau”, chuyên huy động vốn từ dân để tài trợ cho các dự án. Mặc dù, theo quy định thì các ngân hàng không được cho các cổ đông của mình vay vốn, nhưng các ngân hàng có thể lách quy định này bằng cách cho các công ty con của các doanh nghiệp vay vốn. Tương tự, việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp sở hữu ngân hàng này có thể dễ dàng vay được vốn từ ngân hàng kia. Như vậy, các trường hợp sở hữu này đều có nguy cơ dẫn đến việc các NHTM sẽ tiến hành thẩm định vốn vay thiếu cẩn trọng. Nếu điều này xảy ra, đây có thể coi là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nợ xấu trong hệ thống các tổ chức tín dụng của Việt Nam hiện nay tăng cao.

Hướng tới giai đoạn tiếp  theo, bản báo cáo không quên nhắc nhở: “Cuộc chiến chống lạm phát phải kiên định vì kinh nghiệm của năm 2009 cho thấy, một khi cung tiền dễ dãi trở lại, lạm phát lại bùng phát, khiến chi phí kiểm soát sau đó tốn kém hơn nhiều...”. Tuy nhiên, để giúp cho nền kinh tế không bị tổn thất quá nhiều, thì điều quan trọng là Ngân hàng Nhà nước phải ưu tiên tập trung vào việc giải quyết nợ xấu, nợ quá hạn cho hệ thống các tổ chức tín dụng. Đây là nhiệm vụ sống còn để dòng vốn trong nền kinh tế lưu thông trở lại, giúp cho mặt bằng lãi suất cho vay giảm xuống.

* Người dân đang cất giữ hàng trăm tấn vàng

Báo cáo đưa ra nhận định, trong năm 2011, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có những biện pháp có hiệu quả để khơi thông được dòng vốn dưới dạng vàng vật chất, mà theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước lên đến 300-500 tấn để phục vụ mục đích kinh tế.