GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân):

Chọn “sống chung với Covid-19”, mở cửa trở lại sản xuất, kinh doanh an toàn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ ngày 21-9, Hà Nội cho phép nhiều doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ được hoạt động trở lại. Mục tiêu “sống chung với Covid-19”, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì sản xuất, đạt các mục tiêu kinh tế- xã hội tiếp tục được đặt ra. GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô xung quanh vấn đề này.

- Phóng viên: Hà Nội đã quyết định “sống chung với Covid-19”, cho phép một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại. Giáo sư đánh giá thế nào về quyết định này của thành phố?

- GS. TS Đặng Đình Đào: Có nhiều ý kiến xung quanh quyết định này của Hà Nội, người thì cho rằng thành phố cho sản xuất trở lại hơi muộn, người thận trọng lại muốn đợi hết dịch mới tính đến sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tôi nghĩ chọn “sống chung với Covid-19” là đúng, vì thành phố cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh. Nếu kéo dài giãn cách thì sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội. Dù vậy, cùng với việc “mở cửa” sản xuất, kinh doanh, Hà Nội vẫn cần tính đến yếu tố an toàn dịch bệnh.

- Vậy theo giáo sư, ưu tiên của Hà Nội ở thời điểm này nên là gì?

- Việc đầu tiên thành phố cần làm vẫn là đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân và công nhân trong doanh nghiệp. Hiện tại tôi được biết, đa số các điểm tiêm chủng làm tốt công tác này, nhưng cũng có những điểm tiêm chủng làm chưa tốt, còn nhiêu khê. Bằng mọi nguồn lực, thành phố phải hoàn thành việc tiêm vaccine một cách nhanh nhất. Đối với công nhân tại các nhà máy, khu công nghiệp, các chủ doanh nghiệp cũng phải xắn tay cùng chính quyền để tiêm vaccine cho công nhân, vì ngân sách của thành phố chỉ có giới hạn thôi. Không những vậy, Hà Nội cũng phải tính đến việc tiêm vaccine cho năm tới, vì không phải tiêm 1 mũi được cả đời, mà phải tiêm định kỳ. Không nên để dịch bùng lên rồi mới đi lo vaccine.

Bên cạnh đó, cần lưu tâm đặc biệt đến vấn đề an sinh xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân các nhà máy. Nhìn vào TP.HCM, Bình Dương thì thấy, công nhân ùn ùn rời thành phố, bỏ việc tại các nhà máy. Hà Nội lượng người rời đi ít hơn nhưng cũng không tránh khỏi sự dịch chuyển này. Như vậy thì sau khi mở cửa nhà máy, công nhân ở đâu để làm việc, đứng dây chuyền? Suốt một thời gian dài, chúng ta chỉ tập trung cho nhà xưởng, sản xuất. Nhà ở cho công nhân quá yếu kém. Đa số công nhân ở trong những khu nhà trọ chật hẹp, thiếu thốn, nếu có dịch bệnh thì lây lan rất nhanh, 1 người bị sẽ bị cả chùm. Đợt dịch này buộc các doanh nghiệp phải tính đến bài toán dài hơi là đảm bảo điều kiện ăn ở cho công nhân. Có an toàn mới sản xuất bền vững được. Các nước châu Âu họ phục hồi nhanh vì tỷ lệ tiêm chủng của họ cao. Ngoài ra, thành phố mở cửa cho nhiều hoạt động thì người dân phấn khởi, nhưng cũng cần tuyên truyền để người dân thực hiện tốt 5K. Mới đây thôi người dân vẫn còn lơ là phòng chống dịch.

- Mặc dù rất trông đợi cuộc sống “bình thường mới”, nhưng thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp lại đang chần chừ, e dè chưa tái sản xuất. Liệu có phải do doanh nghiệp đã quá yếu mà chính sách hỗ trợ chưa đủ, thưa giáo sư?

- Tôi cho rằng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của thành phố đến hiện tại là khá nhiều và đầy đủ. Vấn đề là sự hỗ trợ này có đến đúng doanh nghiệp đang cần hỗ trợ hay không? Có nhanh chóng, kịp thời hay không? Mặt khác, khi chính quyền đã tạo điều kiện thì doanh nghiệp phải chủ động, chứ không thể trông chờ được. Chẳng hạn như việc lao động không đảm bảo về an sinh, khi dịch bệnh họ bỏ về quê. Doanh nghiệp phải chủ động đưa ra chính sách để thu hút lao động chứ chính quyền không thể làm thay. Dịch bệnh còn diễn biến khó lường nên nhiều doanh nghiệp chần chừ, nhưng doanh nghiệp nào yếu kém quá đều đã bị thị trường thanh lọc, doanh nghiệp còn có thể “hồi sức” thì không nên chần chừ, vì Thủ tướng đã nói rồi, không có chuyện “zero Covid”, chần chừ là sẽ thua cuộc. Doanh nghiệp đợi đủ điều kiện mới làm lại thì sẽ chậm mất.

- Vẫn là vấn đề đảm bảo an sinh để giữ chân người lao động, đây là vấn đề cấp thiết nhưng có lẽ khó có thể thực hiện trong một sớm một chiều?

- “Quả bóng cơ hội” nằm trong chân của doanh nghiệp. Chẳng hạn doanh nghiệp nào cần tháo gỡ khó khăn gì thì cần kiến nghị ngay, chứ không thể đưa ra giải pháp chung chung cho tất cả. Với việc xây dựng nhà ở cho công nhân, thành phố nên yêu cầu doanh nghiệp phải bố trí xây dựng, đảm bảo hạng mục này, đảm bảo điều kiện mới cho hoạt động. Ngược lại doanh nghiệp có thể đề nghị thành phố hỗ trợ quỹ đất.

Vấn đề tiêm vaccine cho công nhân cũng như vậy. Hiện tại công nghiệp hóa diễn ra rất mạnh tại các địa phương. Người lao động rời Hà Nội về quê cũng sẵn sàng được các doanh nghiệp tại địa phương chào đón, giữ chân. Xung quanh Hà Nội là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… nơi nào công nghiệp cũng phát triển và liên tục tuyển công nhân. Nơi nào an toàn, điều kiện lao động tốt thì người lao động tìm đến. Nếu không thay đổi, doanh nghiệp Hà Nội sẽ mất lợi thế cạnh tranh ngay. Tư duy quản trị, ứng xử với người lao động phải thay đổi.

Doanh nghiệp tận dụng cơ hội sản xuất trong đại dịch

Doanh nghiệp tận dụng cơ hội sản xuất trong đại dịch

- Một trong những lo ngại lớn hiện tại của doanh nghiệp là lưu thông hàng hóa. Bởi khi sản xuất trở lại thì cần vận chuyển nguyên vật liệu tới nhà máy, rồi đưa thành phẩm từ nhà máy ra bến bãi. Theo giáo sư, giải pháp cho vấn đề này là gì?

- Theo phản ánh từ các doanh nghiệp thì khó khăn trong lưu thông hàng hóa nằm ở các địa phương, ở những quy định bất nhất, tự chúng ta làm cản trở lưu thông. Cơ sở hạ tầng giao thông của chúng ta vốn đã không đồng bộ, kho tàng, bến bãi, kho lạnh thiếu và lạc hậu, phương tiện vận chuyển hàng hóa quá thô sơ thì nhiều địa phương còn quy định quá khắt khe. Do đó, ngoài việc thống nhất quy định vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương, cần bàn thêm chuyện mạng lưới vận chuyển. Lâu nay chúng ta chỉ bàn đến vận tải bằng đường bộ, trong khi chúng ta còn lợi thế về đường sông, đường sắt mà không khai thác. Thế nên, đường bộ “luồng xanh” mà tắc là hàng hóa cũng tắc luôn, kèm theo đó là nhiều loại chi phí tăng thêm. Quan tâm cho đường sắt, đường sông sẽ có thêm các kênh vận chuyển hàng hóa, kể cả trong dịch bệnh.

- Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trao đổi!

“UBND TP Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch điều hành kinh tế - xã hội theo 2 kịch bản, tuy nhiên sẽ phấn đấu đạt kịch bản cơ sở là: Quý IV năm 2021 đạt tăng trưởng 6,98% và cả năm 2021 đạt 4,54%. Cùng với những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh về tín dụng, thuế, thị trường, nhân lực, kết nối cung cầu và tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính”.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh (phát biểu tại phiên họp của HĐND TP Hà Nội sáng 23-9)