Chọn mũi nhọn đột phá

ANTĐ - Mặc dù trong suốt 20 năm qua, nước ta luôn đứng vào hạng nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo, song giữa sản lượng và chất lượng, giữa kim ngạch xuất khẩu và thu nhập của nông dân cũng như giữa thương hiệu và giá cả ngày càng tạo ra những nghịch lý hầu như không thể giải quyết. Liên tiếp trong một thời gian ngắn, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn đã hai lần làm việc, thảo luận và bàn giải pháp tháo gỡ cho vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Một nhà khoa học hàng đầu về lúa gạo nhận định, lúa gạo xuất khẩu của nước ta do thương lái thu mua, trong khi hầu như doanh nghiệp xuất khẩu chỉ lo kiếm lời không chăm lo đầu tư trở lại cho nông dân. Có ba yếu tố tác động đến tăng trưởng nông nghiệp: cơ chế chính sách, khoa học kỹ thuật và vốn đầu tư. Trong khi cơ chế chính sách đã đến giới hạn, khoa học kỹ thuật giậm chân tại chỗ dẫn đến sản xuất nông nghiệp chững lại, những khó khăn, mâu thuẫn ngày càng khó giải quyết tận gốc. 

Theo Đề án tái cấu trúc nông nghiệp vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 4-5%. Thế nhưng nút thắt của ngành này chưa được tháo gỡ  đúng chỗ. Mâu thuẫn lớn nhất trong nông nghiệp là sản xuất lúa gạo chiếm khoảng một nửa GDP của ngành này và chiếm hơn một nửa số nông dân cả nước. Ý kiến của nguyên Phó Thủ tướng phụ trách nông nghiệp cho rằng, muốn tháo gỡ tận gốc khó khăn của nông nghiệp-nông thôn cần phải đổi mới tư duy hàng chục năm nay chỉ tập trung làm ra lúa gạo.

Nếu chỉ chạy theo mục tiêu này, trong khi hiện nay lúa gạo lại thừa, xuất khẩu hiệu quả không cao, nông dân thua lỗ, ngán ngẩm với cây lúa thì câu hỏi đặt ra là, nước ta cứ “ôm” mãi thành tích xuất khẩu mấy triệu tấn gạo để làm gì? Nhà nước luôn phải bỏ tiền ra mua hàng triệu tấn lúa, xuất khẩu với giá thấp, chất lượng không đủ sức cạnh tranh, nông dân chật vật không thể có lãi 30% như mục tiêu Nhà nước đặt ra. Vì vậy, 7 triệu ha đất trồng lúa và mấy chục triệu nông dân làm lúa chính là nơi tập trung mâu thuẫn căng thẳng nhất. Theo ý kiến của một số chuyên gia nông nghiệp, chỉ cần giữ 5 triệu ha đất trồng lúa là có đủ sản lượng 30 triệu tấn lúa cho tiêu thụ trong nước và đảm bảo an ninh lương thực. Còn lại 2 triệu ha đất thì chuyển sang nuôi trồng thứ khác có thể tạo thêm chuỗi giá trị hàng hóa nông sản gia tăng, làm thay đổi thu nhập của nông dân. Thử hỏi nếu mọi nông dân đều trồng lúa chất lượng cao thì giá lúa có còn cao hay không? Chưa kể còn phải đầu tư nhiều hơn mà chưa chắc bán được giá cao trong nước cũng như xuất khẩu.

Trước tình trạng sản xuất lúa gạo, chăn nuôi đình trệ, nông dân thua lỗ, có nguy cơ bỏ ruộng, “treo ao”, đóng cửa chuồng trại, Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề phải nhanh chóng tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Chọn mũi nhọn đột phá tái cấu trúc có lẽ phải từ cây lúa.