Chọn kịch bản "an toàn" sân khấu vắng người xem

ANTĐ - Cách đây vài chục năm, thời hoàng kim của sân khấu Hà Nội, những vở kịch “Mùa hè ở biển” của Xuân Trình, “Nhân danh công lý” của Võ Khắc Nghiêm, “Tôi và chúng ta”, “Vụ án 2000 ngày” của Lưu Quang Vũ ra đời đã gây chấn động dư luận xã hội. Nhưng cũng từ đó đến nay, dù hàng trăm tác phẩm sân khấu được ra đời trong thời đổi mới, nhưng thật khó để tìm thấy những tác phẩm đỉnh cao. 

Chọn kịch bản "an toàn" sân khấu vắng người xem ảnh 1Vở kịch “Những người con Hà Nội”- Nhà hát Kịch Hà Nội

Sa đà vào sự vụn vặt, quẩn quanh

Các kịch bản về đề tài hiện đại phần lớn đều trở nên nhàm chán và không có sức hấp dẫn đối với người xem. Mô típ chung là sa đà vào sự vụn vặt, kể lể những éo le, những trắc trở tình duyên, những tình tay ba, tay tư với những màn mùi mẫn. Sợi dây xuyên suốt những tác phẩm sân khấu hiện đại vẫn là những con người đạo đức giả, cơ hội, háo danh, phản chủ, lừa lọc nhưng vẫn ngồi ghế cao, rồi sau đó là sự trả giá, nhân quả, sám hối… Quanh đi quẩn lại vẫn vậy. Và khi xem xong, không  đọng lại dư âm, trăn trở, day dứt trong khán giả. Trong khi, đáng lý sân khấu phải là nơi khán giả tìm đến để thỏa mãn những ước vọng, trăn trở trong cuộc sống của mình.

Vậy nguyên nhân nào khiến cho sân khấu Hà Nội lại quẩn quanh với những mô típ,  tác phẩm tầm trung mà không có được vở diễn đỉnh cao trong bối cảnh đất nước ngày càng phát triển, trình độ dân trí ngày một cao hơn? Lý do dễ nhận thấy nhất là  hầu như các nhà biên kịch chỉ đi vào những vấn đề chung với những kiến thức chung chung… Và để đi đến tận cùng, muốn giải quyết những mâu thuẫn xung đột cho thấu đáo thì người viết phải chấp nhận vượt qua lằn ranh của những vùng cấm. Thế nhưng, rất ít tác giả dám làm điều này.

Trong khi nhìn vào lịch sử đã qua của sân khấu Việt, các tác phẩm dù ra đời cách đây vài chục năm của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ vẫn khiến khán giả ngỡ ngàng bởi khả năng dự báo và tầm nhìn xa trông rộng của cây bút tài ba này. Nói như vậy, không phải sân khấu ngày nay không có những cây bút dám xông pha nhưng một tác phẩm sân khấu đến với khán giả phải qua nhiều bước dàn dựng. Nhiều khi kịch bản trót lọt nhưng đến phần đạo diễn lại cắt gọt cho “dễ nuốt” nên chỉ sau vài ba tháng tập luyện, cả ê kíp đã mang đến cho người xem một tác phẩm nửa vời, công thức và sáo mòn nên việc vắng khách là đương nhiên. 

Sợ già không mới - trẻ chưa tới tầm

Sân khấu hiện nay không thu hút được những người tài, người có khả năng bứt phá khỏi những khuôn mẫu về cách thức làm việc. Nhà phê bình sân khấu Cao Minh khẳng định “sân khấu hiện nay đang thiếu trầm trọng những người tài. Tôi nói điều này sẽ có nhiều người không đồng quan điểm nhưng đã quá muộn khi chúng ta cứ tự ru ngủ bằng liều thuốc né tránh sự thật”. Thực trạng này là do sân khấu không còn giữ được vị trí đúng mực của mình trong đời sống văn hóa của người dân. Thu nhập từ lĩnh vực sân khấu so với điện ảnh, ca nhạc cũng kém hơn rất nhiều nên phần lớn chỉ có những nhà viết kịch lâu năm mới đủ kiên trì với nghề. Còn các tác giả trẻ, những người tài đều bị hút về các lĩnh vực hấp dẫn hơn. Vì vậy, từ lâu nay, các nhà hát thường phải “so bó đũa chọn cột cờ”, dựng vở của người già thì không mới, còn dựng của người trẻ lại chưa tới tầm. 

Tiếp nữa, sân khấu đã từng có thời gian đi tiên phong trong các loại hình nghệ thuật vào những năm trước và giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới. Nhưng hiện nay, lĩnh vực này đang bị lạc hậu hàng thế kỷ so với các nước trên thế giới. Và một trong những lý do ấy là việc hoạch định chính sách văn hóa của các cấp quản lý chưa theo kịp xu thế thời đại. Tâm lý sợ phạm quy của những người cầm bút khiến cho khả năng dự báo bị thui chột. Điều đó làm cho sân khấu mấy chục năm nay chỉ có những tác phẩm tầm tầm để dễ qua cửa ải xét duyệt, còn tác phẩm đỉnh cao thể hiện qua tầm tư tưởng và tính nhân văn của tác phẩm vẫn chưa hiện diện trong đời sống văn hóa của nhân dân.

Trong bối cảnh xã hội như vậy, để sân khấu có những tác phẩm để đời sẽ được bắt đầu bằng việc thay đổi tư duy. Cụ thể là những vấn đề liên quan đến kịch bản, thu hút nhân tài, chế độ đãi ngộ và bồi dưỡng tài năng được đặt lên hàng đầu. Kế đến là thay đổi tư duy của các nhà quản lý văn hóa. Việc “cởi trói” trong quan điểm  sẽ giúp các cây bút làm nên các tác phẩm sinh động và tươi mới hơn, chí ít là như vậy. Cuối cùng, các nhà hát nên đề cao tiêu chí: kịch bản hay thay vì việc lựa chọn an toàn hay các mối quan hệ chồng chéo.