Chọn HLV trưởng ĐTVN: Đi đâu mà vội

ANTĐ - Một quan chức VFF thừa nhận HLV Mai Đức Chung sẽ thay thế HLV Falko Goetz ở ĐTVN. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, không như trường hợp chọn tổng thư ký, việc chọn ghế HLV trưởng ĐTVN “chẳng có gì phải vội vàng”.

Phải đến ngày 28-2 tới, trong cuộc họp Ban chấp hành (BCH) VFF mới lấy ý kiến và chính thức công khai tên của HLV trưởng ĐTQG. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề thủ tục bởi cho tới thời điểm này, khó có ứng viên nào sáng giá hơn ông Mai Đức Chung. Bản thân ông Chung cũng đã bật đèn xanh cho VFF: “Trở thành HLV ĐTQG là mong muốn của mọi HLV. Tôi sẽ đồng ý nếu như VFF ngỏ lời”.

Như vậy nhiều khả năng, cựu HLV trưởng ĐT nữ Việt Nam sẽ lần đầu tiên ngồi ghế HLV trưởng ĐTQG một cách chính thức. Nhưng nếu điều này xảy ra, cựu HLV Navibank SG cũng chưa thể bắt tay ngay vào công việc. Theo kế hoạch năm 2012 của VFF, ĐTVN sẽ được tập trung lần 1 vào ngày 22 tháng... 8, để chuẩn bị cho mục tiêu quan trọng nhất năm 2012, là AFF Cup (diễn ra tại Thái Lan và Malaysia từ 24-11 đến 22-12). Điều đó có nghĩa, vị HLV trưởng ĐTVN sẽ có khoảng 6 tháng “ngồi chơi xơi nước” trước khi chính thức bắt tay vào công việc huấn luyện. Nhưng nếu được công bố, HLV Mai Đức Chung sẽ càng có thêm nhiều thời gian để lựa chọn cầu thủ và xây dựng lối chơi cho đội tuyển. Song rõ ràng 6 tháng là quá dài, và đó là cái cớ để VFF không phải vội vàng gì trong việc công bố danh tính HLV ĐTQG.

Theo kế hoạch, sau khi kết thúc giải U19 Đông Nam Á, ông Chung sẽ sang Slovakia “tu nghiệp” tại CLB MSK Zilina. Trong quãng thời gian này ông Chung được tham gia vào công tác huấn luyện, đào tạo theo mô hình bóng đá chuyên nghiệp ở đây 1 tháng. VFF đánh giá rất cao chuyến đi này của ông Chung. Sau khi kết thúc chuyến đi này, ông Chung sẽ về nước và bắt đầu công việc của mình từ tháng 4. Vị HLV này cho biết: “Đây sẽ là một chuyến đi rất hữu ích với tôi. Việc tiếp xúc với những nền bóng đá phát triển, tiên tiến sẽ luôn là một “trường lớp” vô giá với bất cứ HLV Việt Nam nào ở thời điểm này. Tôi hy vọng nó sẽ giúp tôi hoàn thành tốt hơn công việc của mình sau khi trở về Việt Nam”.

Đề xuất thành lập Tiểu ban kỷ luật của VPF có hợp lý?

Để giúp Ban kỷ luật (BKL) của VFF giảm tải công việc, quan trọng hơn là cần có những án kỷ luật nhanh sau từng vòng đấu, VPF vừa đề xuất thành lập Tiểu ban kỷ luật của riêng mình. Nhưng điều này khó tránh khỏi những lo ngại về sự chồng chéo và thiếu khách quan trong việc xử lý. Ai cũng biết ở VPF, đa số thành viên “chóp bu” đều là những ông chủ của các đội bóng. Liệu ai có thể tin rằng nếu như những đội bóng ấy có “vấn đề” về kỷ luật, thì sẽ bị xử thẳng tay? TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn khẳng định, Tiểu BKL sẽ chỉ xử lý những vụ việc nhỏ, nhưng vụ khó hơn sẽ được chuyển qua BKL VFF. Còn Trưởng BKL VFF Nguyễn Hải Hường khẳng định: “Tiểu BKL chỉ  có phạm vi xử lý những vụ việc đơn giản. Còn với những vụ việc phức tạp và quy mô, chúng tôi sẽ làm”. Chỉ có điều, thế nào là vụ việc đơn giản, thế nào là vụ việc lớn, thì lại chẳng ai nói về cách phân biệt cả!