Chớm đông, chợt lạnh

ANTĐ - Sáng nay, đội mưa đi trong cái không khí lành lạnh của mùa đông và ngắm người đi đường cũng như mình bắt đầu này khăn, này áo, tôi chợt muốn rủ bạn bè tranh thủ giờ nghỉ trưa đi cà phê tán chuyện.

Trời mưa, trong một quán vắng nào đó, ngồi bên nhau và nhìn ra bầu trời mênh mông trắng xám ngoài kia, chắc chắn mỗi người sẽ tự nhủ, hãy gần nhau thêm chút nữa. Vậy mà, vừa lên mạng đã thấy entry của bạn mang tựa đề: “Chẳng lẽ lại trở về”, vội vàng vào đọc. “10 năm ở Hà Nội, buồn nhiều hơn vui, vất vả nhiều hơn sung sướng, bơ vơ nhiều hơn hội tụ... Chẳng lẽ lại trở về? Năm không rộng, tháng không dài... Mình đã sống được 1/2 cuộc đời”. Thốt nhiên buông một tiếng thở dài. Cái tâm trạng mang hoài niệm ấy sao chọn đúng lúc để về, để làm lòng người chùng cả lại. Gia đình bạn, chúng tôi đâu có lạ gì. Suốt những năm chia ngọt sẻ bùi thời sinh viên, nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nỗi muộn phiền vì cơm áo gạo tiền đều được lấp đầy bởi những câu chuyện gia đình. Hoàn cảnh của nhau ai cũng nắm rõ như lòng bàn tay. Chỉ vài lời an ủi thôi, thế cũng đủ để quãng đời đầu tiên ở Thủ đô đầy kỉ niệm. Rồi khi ra trường, cũng lại tất bật công việc nhà cửa, lại hóa xa cách nhau. Đứa đã lập gia đình, đứa sinh con, đứa kịp li hôn, đứa lên chức tăng lương, thành đạt trước tuổi, nhưng cũng có đứa chưa tìm được cho mình một tình yêu, một công việc ổn định. Nhưng ý nghĩ trở về quê thì dường như đây là lần đầu tiên được nhắc đến.

Trở về, có nghĩa là sẽ từ bỏ mảnh đất này, trở về quê hương đầu tiên của mình. Bạn đã tìm được duyên mới, bạn có việc gia đình, hay bạn đã chán ngán cuộc sống đô thị nhiều bon chen? Chẳng biết an ủi bạn thế nào nữa, vì đường đời ai cũng có lối đi riêng mình. Ở hay về chắc chắn là có lí do và chỉ có bạn mới đưa ra quyết định sáng suốt nhất. Xa xót buồn. Cảm giác cái lạnh như đã về sâu lắm. Biết đâu, mùa đông nay, và cả mùa đông sau nữa, tôi và bạn đã chẳng còn được chung nhau quê hương thứ hai này.

Trong cốc trà nóng đầu mùa đông, những người bạn cùng phòng tôi, người thì bảo may mà bão số 6 không về Hà Nội, kẻ lại thương quê hương miền Trung oằn mình gánh bão chồng lên bão, lũ chồng lên lũ. Riêng tôi, có một nỗi lo mà chắc nhiều người cũng đồng tình. Đó là lo cho những cây sưa. Điệp khúc mưa to gió bão là sưa tặc hoành hành, cứ sau mỗi cơn mưa báo chí chỉ còn chụp được những gốc sưa ròng ròng nhựa đã trở nên quá phổ biến. Hình như người ta mặc nhiên chấp nhận điều đó. Sưa bị cưa ngang thân, cành và lá còn treo lủng lẳng trên dây điện, chuyện “cướp gỗ sưa”, và trong cơn bão số 5 vừa rồi, một “mạng” sưa ở Giảng Võ và một “mạng” sưa nữa ở vườn hoa Đại học Thủy Lợi đã ra đi. Nhiều vụ cắt trộm, cưa trộm, đốn trộm sưa đã bị xử, cũng có người bị tù lên đến 9-10 năm. Nhưng đó là chuyện đã qua, chỉ xảy ra sau khi hành vi trộm cắp đã thực hiện xong, có nghĩa là, đã rất nhiều cây sưa không còn tồn tại trên phố. Cứ đà này, nếu không có một biện pháp cứng rắn thì chả mấy chốc, sưa trở thành loài cây quý hiếm và... tuyệt chủng ở Hà Nội.

Sưa không là bảo vật quốc gia, cũng chẳng phải là một loài cây độc đáo đến mức không đâu có. Người Hà Nội phần thì yêu đắm yêu say loài hoa ấy mỗi độ xuân về, phần thì chỉ thực sự biết đến cây sưa khi rộ nên nạn chặt trộm loài cây đắt tiền này. Song, nếu chỉ trông chờ vào sự quản lí của công ty công viên cây xanh và ý thức của người dân thì xem ra là một điều không mấy khả thi. Bằng chứng là thời gian qua lần lượt những cây sưa bị rơi vào tầm ngắm của trộm. Không thể có chuyện mỗi gốc sưa là một người canh gác 24/24 mà cần những biện pháp mạnh tay hơn nữa, để mỗi khi gió mùa tràn qua, lòng người không khỏi se sắt lạnh vì những thứ ăn theo thời tiết.