Chơi “game” nơi công sở - Sức hút khó cưỡng: : Quản chặt từ nhiều phía

ANTĐ - Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ đã đưa mục nghiện trò chơi internet vào bảng thống kê và chẩn đoán các rối loạn tâm thần, dễ gây mất khả năng kiểm soát cảm xúc. Bên cạnh đó, việc người chơi sử dụng thời gian làm việc để chơi trò chơi trên mạng là hành vi vi phạm quy chế lao động của công ty, sử dụng tài sản công bất hợp pháp.

Không ít người thường xuyên chơi game tại công sở (Ảnh minh họa)

Vẫn đang buông lỏng

Cách đây chưa lâu, Hội đồng kỷ luật Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên đã kỷ luật khiển trách đối với ông Nguyễn Kim Đ - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đông Hòa về hành vi sử dụng tài sản công trái phép, chơi game trong giờ làm việc. Được biết, khi phóng viên các báo đến làm việc với ông Đ về việc xảy ra ở xã Hòa Xuân Tây, thì vị lãnh đạo này lại đang chơi game tại phòng làm việc, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc.

Có lẽ đây chỉ là vụ việc điển hình đối với một cán bộ Nhà nước, bởi lâu nay người “nghiện” game thường được mặc định là những đối tượng trẻ tuổi, ham chơi, có nhiều thời gian vào mạng. Song thực tế cho thấy, người nghiện game hiện đã mở rộng ra cả ở những đối tượng đang làm việc tại các văn phòng, cơ quan, công sở. Khảo sát mới đây của Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 2 triệu game thủ, trong đó phần lớn là học sinh, sinh viên và cán bộ văn phòng. Tuy nhiên, hiện chưa có một nghiên cứu tổng thể về tình trạng nghiện internet ở nước ta hiện nay.

Trong khi đó, mỗi năm, các công ty kinh doanh game ở nước ta lại nhập về đủ loại game để càng lôi kéo được nhiều game thủ càng tốt. Dù bản thân những nhân viên làm việc trong công sở, văn phòng thừa khả năng nhận thức hậu quả của nó, nhưng sức hút của các trò chơi trên mạng vẫn khiến họ… không cưỡng được.

Theo luật sư Võ Đình Hải, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, ở Trung Quốc, từ năm 2007, chính phủ nước này đã có quy định các hãng phát triển game online phải cài đặt một phần mềm yêu cầu người dùng khai báo số  chứng minh thư. Còn thị trường game trực tuyến đang hỗn loạn hệt như chiến trường trong chính các trò chơi này. Trong khi chính quyền và các cơ quan chức năng đã có những cố gắng nhằm giảm bớt ảnh hưởng của game online thì một số phương tiện truyền thông vẫn nhiệt tình quảng cáo cho chúng. Đã đến lúc cần phải cấm quảng cáo game online giống như cấm quảng cáo sữa cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi, thậm chí, còn phải có những điều luật hạn chế game như hạn chế hút thuốc lá.

Hậu quả lâu dài

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc điều tra dư luận xã hội - Viện Xã hội học Việt Nam, hiện nay việc sử dụng internet quá mức đã được can thiệp nhưng vẫn còn tồn tại những tranh cãi xem hội chứng này có được coi là nghiện hay không. Một số nhà nghiên cứu xem nó như nghiện ma túy, rượu… khi xét về hậu quả mà hành vi này gây ra. Các nhà khoa học Anh cũng khẳng định, việc tiếp xúc quá nhiều với máy tính, internet, game... khiến người chơi mất đi tính sáng tạo. Sự tác động của công nghệ hiện đại khiến cho não bộ có những thay đổi lớn, chẳng hạn như việc những chức năng não ít được sử dụng đến sẽ dần bị thui chột. Con người sẽ dần mất đi trí tưởng tượng phong phú và những cảm xúc thông thường nếu như tiếp xúc thường xuyên với các loại máy móc, với công nghệ hiện đại.

Quan trọng hơn, khi nghiện game, khả năng trí tuệ sẽ giảm đi rất nhiều, không còn sáng suốt để nhận thức đúng sai. Thực tế đã chứng minh, người ham chơi game đến mức mụ mẫm đầu óc, hoặc bị ám ảnh bởi những hành động bạo lực của trò chơi... đã lên đến con số đáng báo động. 

Bác sĩ Trần Thị Thu Hà, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian gần đây, nhiều bệnh nhân được đưa vào điều trị tại Viện sức khỏe Tâm thần -  Bệnh viện Bạch Mai không chỉ ở độ tuổi vị thành niên mà còn có cả những người trưởng thành, đang đi làm tại các công sở. Bệnh nhân nhập viện điều trị tâm thần do nghiện game được chẩn đoán rối loạn chất dẫn truyền các xung thần kinh serotonin và dopamine. Việc thần kinh phải liên tục làm việc không nghỉ với cường độ cao khiến lượng dopamine tăng quá cao, gây cảm giác hưng phấn cao độ (như khi người ta uống rượu) khiến cho họ khó kiểm soát được những hành vi, thái độ của mình. Dopamine cũng là một trong nhiều chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitter), chuyển tín hiệu điện năng giữa các tế bào thần kinh, tới các cơ quan để tạo ra hành động. Sự rối loạn giữa hai yếu tố trên chính là nguyên nhân gây ra bệnh hoang tưởng cho các con nghiện game. Nếu bệnh lý này kéo dài có thể làm biến đổi sâu sắc nhân cách của bệnh nhân, ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động tâm thần khác.