Chối bỏ đứa trẻ sinh đôi vì lời nguyền

ANTĐ - Chỉ vì tin vào lời nguyền rằng cặp song sinh sẽ mang lại lũ lụt, đói nghèo, sản xuất nông nghiệp xấu hoặc thậm chí tử vong, mà tại nhiều nơi ở châu Phi, nhất là Madagascar, một hòn đảo bị ám ảnh nặng nề bởi ma thuật huyền bí cùng những điều cấm kỵ và mê tín dị đoan đã khiến không ít gia đình phải từ bỏ cặp con sinh đôi của mình.

Để có thể giữ và nuôi 2 cô con gái sinh đôi, người mẹ này phải đưa chúng rời bỏ làng

“Dứt ruột” con thơ

Xuất hiện e dè, có phần sợ hãi trong bộ phim tài liệu “Unreported World: The Cursed Twins” (Tạm dịch: Không có trong báo cáo của thế giới: Những cặp song sinh bị nguyền rủa”) được phát sóng trên Kênh Channel 4 vào ngày 9-5 vừa qua, một người mẹ trẻ 20 tuổi Cecile - từng bỏ rơi cặp song sinh của mình ở ruộng lúa, có những tâm sự vô cùng xót xa. Cecile nói rằng, cô không hề biết mình đang mang thai đôi. Khi chúng được sinh ra, cô rất sốc. Gia đình cô rất muốn giữ lại 2 đứa trẻ để nuôi, nhưng theo nguyên tắc của bộ tộc, không còn cách nào khác, họ phải bỏ chúng đi.

Tuy nhiên, cũng có một vài bà mẹ “dũng cảm” khi kiên quyết giữ lại những đứa con của mình. Họ muốn chứng minh rằng, sự mê tín mù quáng không mạnh hơn tình yêu của người mẹ dành cho con. Nhưng quyết định của họ không được các bô lão chấp nhận. Muốn được giữ, được nuôi cặp sinh đôi này, họ buộc phải rời khỏi làng. Mẹ con họ phải sống trong cảnh cơ hàn, bị mọi người ruồng bỏ. “Chúng tôi đã phải di chuyển hơn 30 lần trước khi được dựng một túp lều tạm ở đây. Bởi vì, ngay cả khi chúng tôi thuê một ngôi nhà cùng với những đứa trẻ sinh đôi, mọi người đều nghĩ rằng mẹ con chúng tôi sẽ không mang lại may mắn” - Carolin - một người phụ nữ kém may mắn ở Madagascar - khi cô sinh hạ tới 3 cặp anh em sinh đôi, bùi ngùi cho biết. 

Lời nguyền mù quáng

Mặc dù, Bộ Tư pháp của đất nước này đã cố gắng tăng cường sự bảo vệ của những cặp sinh đôi và giúp đỡ những gia đình đang chống lại những điều cấm kỵ này thông qua một loạt các luật và các chiến dịch truyền thông, nhiều người dân địa phương vẫn còn bỏ em bé sinh đôi của họ tin rằng họ là một nguyền rủa với gia đình. 

Tương truyền rằng, trong cuộc nổi dậy ở Madagascar chống lại chính quyền thực dân Pháp vào năm 1947, một Nữ hoàng của bộ lạc đã trốn thoát, nhưng 2 đứa con sinh đôi của cô vẫn còn mắc kẹt ở lại. Vì quá thương con, vị Nữ hoàng này đã ra lệnh cho một nhóm binh sĩ quay trở lại tìm kiếm, giải cứu 2 đứa trẻ.

Nhưng không ngờ, cả nhóm binh sĩ này đã bị tàn sát dã man, còn 2 đứa trẻ sinh đôi kia cũng biệt tăm tin tức. Mặc dù không có bất cứ bằng chứng lịch sử nào chứng minh sự kiện này đã xảy ra ở Madagascar, nhưng các trưởng lão của bộ tộc luôn đổi lỗi chính 2 đứa trẻ sinh đôi của Nữ hoàng là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại thảm hại trong cuộc nổi dậy của bộ tộc xưa ấy. Cho đến ngày nay, Trưởng tộc người Antambahoaka, Nicole Andre vẫn tuyên bố: “Có treo cổ tôi, tôi cũng kiên quyết không xóa bỏ tục lệ này”.

Trước kia, các cặp sinh đôi thường bị bỏ rơi ở các bụi rậm cho đến chết. Có một sự thật đau đớn, xót xa là những cặp đôi tội nghiệp ấy bị “bỏ rơi” khi vẫn còn trong bọc nước ối và hầu hết vẫn chưa mở mắt. Trong khi đó, các bà mẹ quặn thắt lòng khi phải làm những việc ngược với bản năng của một người mẹ, phải từ bỏ cặp đôi dứt ruột sinh ra. Tất cả những gì họ có thể làm lúc này là cắt dây rốn và quay lưng lại với chính 2 đứa con còn đỏ hỏn của mình. 

Ngày nay, khi một số hòn đảo xa xôi ngoài khơi bờ biển châu Phi đã tiếp cận được ánh sáng văn minh thì hầu hết những cặp đôi đều được đưa tới các trung tâm, trại trẻ mồ côi làm con nuôi. Chúng có cơ hội bắt đầu cuộc sống mới trong sự yêu thương của những ông bố, bà mẹ ở Italia, Pháp, Thụy Điển và Canada.

Tia sáng…

Bà Julie Rasoarinanana, người điều hành “Trung tâm Chào đón và Quá cảnh của những đứa trẻ sinh đôi bị bỏ rơi” cho biết, kể từ khi thành lập vào năm 1987, trung tâm từng là “ngôi nhà” của ít nhất 300 cặp song sinh từ vài tháng đến tuổi thanh thiếu niên. Hiện có 82 trẻ lưu trú ở trung tâm, 40 cặp song sinh đã mất vì bệnh tật, phần khác chúng được nhận làm con nuôi. 

29 năm qua Gogo cùng sống và lớn lên với người anh em sinh đôi tên Mike ở một trại trẻ mồ côi, bùi ngùi giãi bày: “Điều đáng buồn nhất là tôi phải xa gia đình, người thân ngay từ khi mới sinh. Tôi có thể đang mua rau của em gái mình mà không biết cô ấy có mối quan hệ ruột thịt như thế nào với mình. Nghĩ về những điều ấy, tôi chỉ muốn khóc gào thật to… Thật trớ trêu. Xót xa và cả cay đắng”. Hiện, Gogo dành nhiều thời gian đi đến các vùng nông thôn, cố gắng giải thích cho người dân về việc tại sao họ nên từ bỏ những điều cấm kỵ, hủ tục mù quáng.