“Choáng” với giấy phép lái xe giả

ANTĐ - Thời gian qua, lực lượng CSGT trên cả nước đã phát hiện nhiều lái xe sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) giả điều khiển phương tiện. Công tác phát hiện và phòng ngừa đối với vi phạm này còn nhiều khó khăn.

Ngoài bằng giả, nhiều đối tượng còn dùng BKS, giấy tờ giả đi gây án


Muôn kiểu giấy phép giả

Lâu nay, Quốc lộ 6 vốn được xem là cung đường “nóng” về tai nạn. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này xuất phát từ nhiều lý do như: hạ tầng phục vụ giao thông chưa đồng bộ, tuyến đường có nhiều khúc cua gấp cùng với việc gia tăng các phương tiện lớn như xe khách, xe tải và đặc biệt là tình trạng các lái xe sử dụng GPLX giả điều khiển phương tiện. Con số thống kê chưa đầy đủ được Đội CSGT số 12 cung cấp, trong năm 2010, đơn vị đã phát hiện và thu giữ gần 20 GPLX giả. Còn từ đầu năm đến nay, gần 10 trường hợp lái xe sử dụng GPLX giả đã bị xử lý. Đáng báo động, hầu hết số trường hợp vi phạm đều “rơi” vào những người lái xe tải và xe khách. Điều này đặc biệt nguy hiểm, tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường về TNGT bởi cả 2 loại phương tiện này có điểm chung là chở rất nhiều người.

Đội CSGT số 12 cũng cho biết, hầu hết những trường hợp sử dụng GPLX giả bị đơn vị phát hiện đều rơi vào thanh niên nông thôn, miền núi. Riêng các trường hợp lái xe ô tô từ 4 đến 9 chỗ thường là xe gia đình hoặc công ty, cơ quan, do đó người lái xe rất chú ý đến những giấy tờ liên quan. Nhận định trên cũng được Trung tá Hoàng Văn Đạo-Đội trưởng Đội CSGT số 11 đồng tình từ quá trình tuần tra kiểm soát thực tế trên Đại lộ Thăng Long.

Qua tìm hiểu GPLX giả hiện nay có rất nhiều loại, nhưng phổ biến nhất vẫn là 2 loại: dùng phôi thật ảnh giả và giả toàn bộ. Cụ thể, bằng cách nào đó, người vi phạm có được những GPLX thật sau đó bóc ảnh trong GPLX rồi thay ảnh của họ vào. Nhưng cũng không loại trừ lái xe có được từ một đường dây mua bán bằng giả nào đó. Có trường hợp scan rồi in màu tuy nhiên cách làm trên dễ bị phát hiện. Ngoài ra, một số đối tượng còn dùng thủ đoạn in lụa phôi rồi ghi nội dung thông tin người cần làm bằng giả. Thủ đoạn này khó phát hiện hơn.

Nhiều bất cập, khó phòng ngừa

Để phát hiện GPLX giả không phải là việc dễ dàng

Trung tá Nguyễn Đăng Lĩnh-Đội trưởng Đội CSGT số 12 thông tin, tất cả các trường hợp sử dụng GPLX giả khi bị đơn vị phát hiện đều đã chuyển Cơ quan CSĐT CAH Chương Mỹ, Hà Nội thụ lý bởi không loại trừ có những trường hợp sử dụng giấy tờ, BKS giả để gây án.

Còn Trung tá Nguyễn Minh Tiến-Đội trưởng Đội CSGT số 7 cho biết, để phát hiện được một trường hợp vi phạm là rất khó khăn. Trên lý thuyết, muốn xác định được 1 GPLX là thật hay giả không khó khi chúng được soi bằng đèn hồng ngoại. Tuy nhiên thực tế, rất ít đội hay tổ CSGT nào khi làm nhiệm vụ có loại đèn này. Ngay cả 12 đội CSGT của Phòng CSGT CATP Hà Nội, muốn phát hiện GPLX giả hay thật đều chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của CBCS là chính.

Thượng tá Trần Sơn-Phó Trưởng phòng Hướng dẫn luật-Cục CSGT đường bộ-đường sắt (Bộ Công an) cho biết, trong năm 2010, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã phát hiện gần 5.000 trường hợp người điều khiển phương tiện ô tô, xe máy sử dụng GPLX giả. Còn từ đầu năm 2011 đến nay, số vi phạm bị phát hiện là hơn 1.189 trường hợp.

Thượng tá Trần Sơn đánh giá, quy trình thi, cấp GPLX hiện nay ở nhiều nơi, nhiều trung tâm còn rất lỏng lẻo trong khi đó mẫu GPLX lưu hành đã khá lạc hậu do được Bộ GTVT quy định từ năm 1996. Mặt khác, công nghệ in và bảo mật của GPLX hiện hành khá đơn giản, bộc lộ nhiều điểm yếu như: Chất liệu là giấy bìa, độ bền thấp, dễ bị hư hỏng, nhàu nát do ẩm mốc. Kích cỡ của GPLX chưa phù hợp khi sử dụng. Các thông tin ghi trong GPLX còn thiếu và chỉ có tiếng Việt, nội dung chưa phù hợp với Luật Giao thông đường bộ. Chính vì vậy, khả năng bị làm giả rất cao. Việc quản lý GPLX hiện tại cũng chưa tạo thuận lợi cho người sử dụng khi muốn đổi, cấp lại GPLX. “Việt Nam đã ký kết tham gia Hiệp định công nhận GPLX do các nước ASEAN cấp, với những bất cập trên rõ ràng là rào cản cho quá trình hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới”-Thượng tá Trần Sơn nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, đề án “Đổi mới quản lý GPLX” đã trình Bộ GTVT và dự kiến sẽ được triển khai trên cả nước trong cuối năm 2011. Khi đó, GPLX mới ngoài tiếng Việt còn có cả tiếng Anh. Các thông tin truyền thống như ảnh, họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi cư trú, hạng GPLX, ngày cấp, ngày hết hạn sẽ thiết kế tinh xảo, có tính chất bảo mật cao và được quản lý chặt chẽ khi cấp phát, thu hồi…