Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới:

"Choáng" với 15 môn học bắt buộc

ANTD.VN - Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được công bố đang gây thắc mắc vì đưa ra quá nhiều môn học bắt buộc.

Còn nhiều băn khoăn các môn học bắt buộc và tự chọn bậc THPT

Sự kỳ vọng về thay đổi lớn nhất trong chương trình giáo dục phổ thông mới là việc sắp xếp lại các môn học hợp lý, tránh dàn trải, có tính tập trung, hướng nghiệp cao ở bậc THPT. Tuy nhiên, theo dự thảo chương trình tổng thể vừa được công bố thì học sinh lớp 10 có tới 15 môn học bắt buộc và tự chọn bắt buộc.

Giảm tải hay tăng tải?

Ngay sau khi các phương tiện truyền thông đăng tải dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, một trong những điểm khiến nhiều phụ huynh băn khoăn nhất là tổng số môn học dường như quá “đồ sộ” đối với học sinh THPT, mà vốn theo mục tiêu đổi mới là cần phải phân hóa và để học sinh tự chọn theo định hướng nghề.

“Ngay sau khi nhận được thông tin về chương trình giáo dục phổ thông mới, tôi cảm thấy khó hiểu khi học sinh lớp 10 phải học tới 15 môn học bắt buộc và bắt buộc có phân hóa, chưa kể 2 môn tự chọn. Tổng số tiết trong một năm học lên tới 1.110 tiết học, hơn nữa lại chỉ học một buổi như vậy có quá nặng nề cho các con không?” - bà Phạm Việt An, phụ huynh học sinh trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội băn khoăn.

Ở lớp 11, 12, yêu cầu phân hóa mạnh, đồng nghĩa với việc không học dàn trải tất cả các môn mà tập trung vào những môn tự chọn theo định hướng nghề. Tuy nhiên, theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, học sinh những lớp này vẫn phải học tới 9 môn bắt buộc và tự chọn bắt buộc. Trong đó, riêng các môn tự chọn bắt buộc, học sinh sẽ phải chọn 3 trong số 11 môn và chuyên đề tự chọn. Trong khi trước đó, các chuyên gia biên soạn chương trình tổng thể cho rằng lớp 11, 12 chỉ nên có 4 đến 5 môn bắt buộc còn lại là tự chọn.

Còn nhiều băn khoăn các môn học bắt buộc và tự chọn bậc THPT

Từng đề xuất Văn, Toán cũng là môn tự chọn

Trước băn khoăn với 9 môn học bắt buộc ở 2 lớp cuối cấp bậc THPT liệu có đi ngược với chủ trương phân hóa mạnh, định hướng nghề hay không, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết, trong 6 môn học bắt buộc, có những môn Giáo dục thể chất, giáo dục an ninh quốc phòng và trải nghiệm sáng tạo thời lượng học tập ít, không gây quá tải cho học sinh. 

Để đưa ra quyết định này, Bộ GD-ĐT đã điều tra bằng phiếu hỏi trên mạng với 2.749 học sinh của 5 trường THPT của Hà Nội, Nam Định và Hưng Yên. Kết quả, học sinh chọn môn rất tập trung, trong đó cao nhất là Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn.

Còn lại học sinh phải học chủ yếu các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 3 môn tự chọn bắt buộc. “Đúng là chúng tôi có cả dự kiến đưa Ngữ văn và Toán vào tự chọn bắt buộc chứ không phải là bắt buộc. Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế thì phần lớn đều nhận được lời khuyên đây là 2 môn ít có chương trình nước nào không dạy đến lớp 12, nên ở dự thảo này chúng tôi quyết định đưa vào môn học bắt buộc” - GS Nguyễn Minh Thuyết giải thích.

Việc đưa ra môn học bắt buộc, bắt buộc có phân hóa và tự chọn bắt buộc cũng được Bộ GD-ĐT giải thích cụ thể. Theo đó, môn học bắt buộc là môn học mà mọi học sinh đều phải học. Môn học bắt buộc có phân hóa là môn học mà nội dung được thiết kế thành các chủ đề hoặc học phần, trong đó một số chủ đề hoặc học phần là bắt buộc đối với tất cả học sinh, một số chủ đề hoặc học phần được tự chọn tùy theo nguyện vọng của học sinh và điều kiện đáp ứng của cơ sở giáo dục. Môn học tự chọn bắt buộc là môn học mà học sinh bắt buộc phải lựa chọn trong số các môn học định hướng nghề nghiệp ở lớp 11, 12 theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông.

Trước lo ngại về việc học sinh có được thật sự tự chọn môn học theo năng lực, sở thích của mình hay phải chọn theo điều kiện dạy học của nhà trường, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: “Chúng tôi đã tranh luận rất nhiều việc nên quy định sẵn tổ hợp các môn để học sinh tự chọn hay tự chọn từng môn? Sau đó, chúng tôi đã đi đến thống nhất là nên để học sinh chọn từng môn sẽ tốt hơn với điều kiện phải chọn tối thiểu 3 trong số các môn tự chọn bắt buộc”. 

Để đưa ra quyết định này, Bộ GD-ĐT đã điều tra bằng phiếu hỏi trên mạng với 2.749 học sinh của 5 trường THPT của Hà Nội, Nam Định và Hưng Yên. Kết quả, học sinh chọn môn rất tập trung, trong đó cao nhất là Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn. GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết, để triển khai các môn tự chọn, sắp tới Ban biên soạn chương trình sẽ xin phép thực hiện điều tra nội dung này trên phạm vi toàn quốc.