Choáng váng khi nhận thông báo nộp tiền điện tháng 4

ANTD.VN - Nhiều hộ gia đình tại Hà Nội được thông báo tiền điện tăng vọt trong kỳ tính tháng 4-2020. Gần một nửa kỳ tính giá điện này là thời gian người dân thực hiện cách ly xã hội hoặc làm việc tại nhà.

Choáng váng khi nhận thông báo nộp tiền điện tháng 4 ảnh 1

Tiền điện tăng làm người dân lo lắng

Tiền điện tăng vọt

Cách đây vài ngày, anh Mạnh Hiếu (Nam Từ Liêm- Hà Nội) nhận được tin nhắn thông báo tiền điện tháng 4-2020. Theo đó, số tiền phải trả tháng này lên tới hơn 703.000 đồng cho 305 kWh, trong khi các tháng liền trước chỉ hết từ 450-480.000 đồng/tháng.

“Từ sau Tết, các con tôi được nghỉ học nên đều ở nhà, tiền điện, nước đều tăng.  Khi đó, vợ tôi vẫn phải nấu ăn 3 bữa cho cả gia đình, các thiết bị khác sử dụng như bình thường nên tiền điện đã tăng so với thời điểm trước Tết.

Tuy nhiên, gần nửa tháng nay 2 vợ chồng tôi cùng làm việc ở nhà, vẫn nấu ăn, tiêu dùng như vậy nhưng tiền điện tăng đến hơn 200.000 đồng/tháng. Tiêu dùng tăng thì tiền điện tăng, nhưng mức độ này thì ngoài tính toán”- anh Mạnh Hiếu nói.

Lo lắng là tâm trạng của chị Hương Thu (Hoàng Mai- Hà Nội) khi nhận được thông báo nộp tiền. Theo đó, chị vẫn giữ những như cầu sinh hoạt cũ nhưng lại phải trả thêm 115.000 đồng so với tháng 3 và tăng 90.000 đồng so với tháng 2-2020.

“Dịch Covid-19 khiến thu nhập giảm sút, nhưng tiền điện lại tăng. Tôi chưa hiểu vì sao lại tăng khi tôi vẫn sử dụng điện như vậy?”- chị Hương Thu băn khoăn.

Cùng có tâm trạng trên nhưng chị Thu Hằng (Long Biên- Hà Nội) lại cho biết: “Tháng này cả gia đình ở nhà, thắp sáng nhiều hơn. Điện dùng cho máy tính, máy bơm, nấu nướng đều tăng. Đặc biệt tôi còn thường xuyên nướng bánh nên tiền điện tăng mạnh”- chị Thu Hằng nói. Số tiền điện chị Thu Hằng phải trả trong tháng này là 1,3 triệu đồng, tăng 600.000 đồng so với tháng trước.

Trong khi đó, chị Thanh Tuyền (Long Biên- Hà Nội) lại cho hay, tiền điện tháng 4 của gia đình chị tăng chỉ hơn 10%. “Nhà tôi ít người, dùng ít điện nên có tăng theo bậc thang cũng không đáng kể. Mức tăng 10% là hợp lý, vì tôi làm việc ở nhà nhiều hơn”- chị Thanh Tuyền nói.

Anh Nguyễn Chính (Hoàng Mai- Hà Nội) cũng cho biết, tiền điện không tăng đáng kể trong tháng này. “Hai tháng qua gia đình tôi gồm 3 người đều ở nhà, tháng trước tôi trả 442.000 đồng, tháng này là 453.000 đồng, chưa thấy có gì bất thường”.

Do quy luật hay cách tính giá điện?

Trước phản ánh của khách hàng về việc tiền điện tháng 4-2020 tăng cao bất thường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đây là hiện tượng có tính quy luật thời tiết hàng năm.

Ở nhiều khu vực, nhất là ở phía Nam, theo quy luật thời tiết thì tháng 3 bắt đầu chuyển sang nắng nóng, điển hình như tháng 3 năm nay 2020 còn có một số ngày nắng nóng gay gắt và kéo dài ở mức trên 35 độ.

Khi vào mùa nắng nóng, các hộ khách hàng sử dụng nhiều các thiết bị làm mát, nên tiêu thụ nhiều điện, nhất là điều hòa nhiệt độ. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng, nên càng tốn nhiều điện hơn.

“Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường, nhất là trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Do dó, việc sử dụng điện sinh hoạt tăng nhiều hơn những năm trước đó”- EVN thông tin.

Theo đại diện của EVNHANOI, đơn vị này có nhận được một số phản ánh của khách hàng về tiền điện tăng cao đột biến trong tháng 4. “Chúng tôi giải thích đầy đủ với khách hàng. Đến thời điểm này, bộ phận chăm sóc khách hàng của EVNHANOI chưa ghi nhận số lượng cuộc gọi phản ánh tiền điện tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái, cũng chưa ghi nhận trường hợp khách hàng có tiền điện tăng cao bất thường”- đại diện EVNHANOI nói.

Theo các chuyên gia, sở dĩ tại Hà Nội chưa ghi nhận nhiều trường hợp có tiền điện tăng cao bất thường như TP HCM là vì thời tiết tại Hà Nội vừa qua còn mát mẻ, nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát như điều hòa, quạt chưa cao.

“Hiện tại, tiền điện tăng chủ yếu do người dân sử dụng nhiều hơn, nhưng các thiết bị điện này không thuộc diện quá tốn năng lượng. Nếu sử dụng thêm nhiều thiết bị làm mát cộng với cách tính giá điện sinh hoạt bậc thang, càng dùng nhiều càng trả nhiều tiền thì tiền điện sẽ tăng vọt”- vị chuyên gia cho hay.

TS Ngô Đức Lâm- nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, với cách tính giá điện chia làm 6 bậc thang hiện nay, người dùng càng nhiều phải trả càng nhiều thì vẫn còn “bất công”. “Ngành điện lý giải tiền điện tăng theo quy luật do thời tiết nắng nóng và ở nhà nhiều hơn là đúng. Tuy nhiên, lý do này chưa đủ thuyết phục. Theo tôi, bậc thang giá điện 6 bậc hiện nay là căn nguyên của vấn đề này”- ông Ngô Đức Lâm nói.

Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Ngô Đức Lâm cho biết, trong giá điện hiện nay gồm giá điện bình quân (tức giá thành để bán điện, được Chính phủ quy định), và giá theo biểu giá bậc thang 6 bậc ứng với tùy mức điện dùng. Ở đây không phải là dùng nhiều trả nhiều mà là người dân đang phải trả giá cao.

“Đây là tháng nắng nóng bất thường, rồi ở nhà nhiều hơn, người dân buộc phải sử dụng thêm điện, tức là người dân đã phải trả giá cao; rồi giá còn tăng theo giá cao họ phải trả (lũy tiến). Người dùng phải trả tiền nhiều hơn số nhẽ ra họ phải trả nên bị thiệt, càng dùng nhiều càng thiệt”- ông Ngô Đức Lâm phân tích.

Theo ông Ngô Đức Lâm, muốn cải tiến cách tính giá điện thì đầu tiên phải xem xét lại giá điện bình quân, sau đó mới tính đến các bậc thang lũy tiến. Khi đó giá điện sẽ hợp lý hơn.