Choáng hết cả linh hồn, vì bia rượu!

ANTĐ - Tôi có ông anh, hơn tôi 1 tuổi, vừa thoát chết trong chân tơ kẽ tóc. Vì rượu. Choáng hết cả linh hồn. Không thể không viết một chút về rượu bia...

Là phụ nữ, nhưng tôi là người biết uống rượu, uống nhiều, được xếp vào hàng... đại ca. Bia, rượu, bia rượu lẫn lộn, kiểu gì cũng chơi hết. Từ cách đây hơn chục năm, tôi bắt đầu uống rất chi là chuyên nghiệp. Tửu lượng của tôi có lúc xơi ngót nghét chai chivas vẫn lúc lỉu đi về ngon lành.

Thời hoàng kim vất vưởng lên New... chơi kiểu sành điệu pha wisky với coca, uống như thuồng luồng. Riêng về uống, tôi không có sở đoản, tuyền là sở trường. Votka chơi tốt, khi ngon cũng "cưa" được chai votka Nga loại to. Bia thì khỏi tính, tôi và cô bạn có lần cùng nhau "cưa" hai két heniken chai, tưng tửng đi về chẳng thấy xi nhê gì. Nếu còn tăng vào karaoke nữa thì... khỏi đếm.

Nhiều thanh niên đang đắm mình hàng ngày trong men rượu. Ảnh minh hoạ.

Nói thế không phải khoe khoang, mà là để hình dung rằng, tôi không phải kẻ ngoại đạo khi bàn về rượu bia.

Nhiều lần thấy ai đó kêu ca nhặng xị về việc rượu bia, tôi thấy chuyện có gì đâu mà ầm ĩ lên vậy. Tôi uống đó, nhưng tôi có bệnh tật gì đâu. Tôi uống đó, nhưng công việc tôi chẳng ảnh hưởng bao giờ, vẫn kiếm tiền nhiều hơn khối kẻ khác vục mặt tối ngày vào công việc. Tôi uống đó, nhưng hầu như không làm con muộn học, cũng chẳng để con đói kém vất vưởng là mấy. Tôi uống đó nhưng nhà cửa tôi luôn sạch sẽ, cuộc sống của tôi luôn tươi vui và thịnh vượng…

Và tôi cơ bản là khó chịu nếu thấy một người đàn ông không thể uống chút rượu bia nào.

.....

Một thời gian thôi, khi ta còn khỏe. Sau đó, tất cả đều là ngụy biện. Không ít lần thiếu kiềm chế vì bia rượu. Không ít lần mất hình ảnh vì say. Không ít lần ngã oành oạch, mà nếu bà mụ không đỡ thì chắc cũng què quặt lâu rồi. 

Thực ra mà nói, những người như tôi, bạn bè tôi, không phải thích thú gì rượu chè, mà thích đàn đúm bạn bè, thích vui vẻ. Là những người hướng ngoại, những người mạnh mẽ, cuối ngày muốn hưởng cảm giác hứng khởi, dễ chịu, những phút giây cười nói không bị ai đánh giá, kiểu như chúng tôi vẫn nói “chết trong vòng tay bạn bè”.

Thế nhưng, cơn quỵ hẳn của ông anh làm tôi nhìn nhận lại được nhiều điều liên quan đến rượu!

Uống rượu bia tưởng để giải sầu, hoá ra còn sầu thêm! Ảnh minh hoạ.

Hóa ra ở đâu đó, những nơi khuất sau lũy tre làng, những vùng nông thôi đói khổ, thật sự là hầu hết thanh thiếu niên đang vùi mình vào rượu. Họ biến họ thành những con nghiện, những kẻ không còn giống con người, những kẻ thực sự là vô giá trị.

Ông anh tôi sống ở một huyện nghèo tỉnh Đồng Nai, làm nghề trồng mía, khi nông nhàn thì kiếm việc phụ hồ, xây dựng, vận chuyển gì đó, ngày kiếm không quá 100.000 đồng, nhiều ngày chơi dài không kiếm nổi xu nào. Đó là anh tôi còn được xếp vào diện chăm lam chăm làm, lại có đất để nuôi gà vịt, nuôi ít cá, trồng rau ăn đủ hằng ngày. Còn toàn thể thanh niên trong làng, kinh tế không có ai vượt hơn thế. Họ giống nhau ở chỗ uống, uống bất kể lúc nào, từ sáng đến tối, ngày mấy cữ. Không cần biết!

"Theo Tổ chức nghiên cứu thị trường Eurowatch, năm 2012 VN đã tiêu thụ 3 tỉ lít bia, gấp 3,5 lần so với năm 2004. Lượng bia sử dụng trung bình/người/năm là 32 lít, xếp thứ nhất khu vực ASEAN và thứ ba châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản). Nếu chỉ tính trung bình 22.000 đồng/ lít bia lấy theo giá bia Hà Nội, thì người Việt đã tiêu 3 tỉ USD/năm. Trong khi thu nhập bình quân của người VN chỉ đứng 8/11 nước trong khu vực Đông Nam Á, thì VN lại đang nắm giữ vị trí quán quân về kỷ lục tiêu thụ bia, vượt xa so với hai nước đứng ở vị trí tiếp theo là Thái Lan và Philippines. VN được xếp là 1 trong số 25 quốc gia đứng đầu trong danh sách có mức tiêu thụ bia gia tăng nhiều nhất (Nigeria tăng 17,2%, Ấn Độ tăng 17%, Brazil tăng 16% và VN tăng 15%)".
Bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) trả lời Tuổi Trẻ.

Mỗi ngày, một thanh niên tráng miệng "chào buổi sáng" bằng một cốc rượu chỉ 3.000 đồng, nhưng đủ để ngất ngưởng lênh phênh! Trưa chỉ hóng hớt xem bạn bè có ai kêu một tiếng là tụ tập, chút dái mít, quả ổi chát cũng thành món nhắm, tây tây đến hết ngày. Nếu không có ai uống cùng, chỉ ăn uống cùng vợ con cũng phải có chén rượu mới đưa cơm được. Tôi có 4 ông anh định cư ở đó đã hơn hai chục năm, trước tôi ở ngoài Bắc, không có điều kiện qua lại, nay mới biết.

Ông anh đầu chết cách đây 7 năm, lãng nhách. Đi nhậu về ngã ngay trong nhà, vợ con bước qua bước lại trên người anh mà chẳng ai để ý, vì chục năm nay có lúc nào anh đứng thẳng khi về nhà đâu. Nằm bệt là chuyện bình thường. Hết một ngày, một đêm, đến sáng hôm sau, đứa con đi vấp phải cha mới biết là thân thể đã lạnh ngắt!

Ông anh thứ 2 nghiện rượu nặng, may sống ở Sài thành không lắm bạn bè để chén thù chén tạc, nên vẫn ngắc ngoải sống, với bệnh gan đe dọa ngày đêm.

Ông anh thứ 4 thua tôi 2 tuổi, năm rồi nhậu vào ngất ngưởng ra đường tai nạn suýt chết, giờ thi thoảng ngơ ngơ ngẩn ngẩn, may cơ bản vẫn đi làm đi ăn được, nhưng cũng chẳng biết chạm ngưỡng lúc nào. 

Ông anh thứ 3 là người tôi nhắc ở trên. Tết Giáp Ngọ 2014, hứng khởi nhậu quá đà, nhập viện vì một đống bệnh: xơ gan, suy thận cấp, viêm tụy, trụy tim, kèm thêm một đống triệu chứng của huyết áp cao, tiểu đường… Đặc biệt là bị hội chứng nghiện rượu.

Tôi lạy lục đi nhờ bác sĩ quen lo giùm mà xấu hết cả hổ, chẳng biết nói năng, trình bày với họ như nào. Bác sĩ nói, chết thôi em ạ, không sống nổi. Tôi tặc lưỡi, thôi sống thế thì chết đi cũng được.

Ngày đầu nhập viện, anh bị sảng rượu. Lần đầu tiên tôi thấy người sảng rượu. Cái phòng bệnh của bệnh viện Thống nhất Đồng Nai hôm đó tiếp nhận rặt một lũ sâu rượu. Một thanh niên nằm cạnh giường anh tôi bị tai nạn sau cữ nhậu, trông như một con ma. Đầu tiên tôi tưởng anh ta bị chấn thương sọ não, nhưng hóa ra không phải, cũng bị sảng rượu y chang anh tôi.

Một đêm, hai thằng sảng rượu lên cơn vật. Nghiện, run rẩy, đập phá, la hét, chửi bới… Hễ phun một câu là có một từ liên quan hết rượu: hết đi, chai đâu, mua thêm đi, rót đi, ơ uống đi chứ sao lại thôi…

Một đêm ròng, khi thì cả hai đồng thanh, khi thì thằng nọ nói thằng kia nghe, quàng quạc không ngừng không nghỉ, đứng cách hàng chục mét vẫn nghe rõ mồn một. Điểm chung của hai thằng là chửi vợ sang sảng, hễ thấy mặt vợ là chửi loạn hết con nọ đến con kia, đòi đánh đòi giết. Cực chẳng đã, các bác sĩ phải trói tay chân vào thành giường.

Ôi tôi nhìn, sao mà hãi hùng đến thế. Chỉ muốn bóp cổ cho phát chết luôn, đỡ nặng nợ.

Ba tuần đằng đẵng cả nhà vật vã vay tiền, chăm nom, tha lôi lên bệnh viện Chợ Rẫy, với tinh thần còn nước còn tát, để sau này không ân hận. Cuối cùng anh tôi cũng được cứu sống và cho ra viện, với lời cảnh báo của bác sĩ: “không thọ lâu đâu em nhé!"

Một thanh niên say nằm vật ngay giữa chợ. Liền đó, nhiều người khác đang tiếp tục nốc thứ rượu đầy độc tố vào người. Ảnh: Internet.

Nghèo, đói và không có cơ hội, không phải là cái tội. Nhưng biến mình thành thứ không hẳn là con người thì là cái tội vô cùng lớn.

Tìm hiểu tôi biết, hầu như thế hệ thanh niên nông thôn đều lâm vào tình trạng như anh tôi. Nốc vào mình thứ hóa chất khủng khiếp, không có gì ăn, hóa chất bào mòn cơ thể hàng ngày, đến khi chỉ còn da bọc xương, một chút nhân cách đính kèm theo cũng bay đi đâu hết.

......

Nói thế không có nghĩa tôi sẽ sợ đến mức không đụng tới rượu bia. Tôi vẫn sẽ uống vui bạn vui bè, các bạn tôi cũng sẽ thế.

Nhưng có mấy điều cần nhớ: uống thì phải ăn, ăn thật ngon, thật đủ đầy; uống thì bỏ nhiều tiền mà kiếm rượu tốt, rượu tử tế; để tránh xác suất uống phải rượu bia dởm, cố mà tìm quán quen, quán uy tín, cắn răng chịu chặt chém mà nhậu; đi nhậu thì cứ taxi mà chơi, đừng đi xe máy có ngày thiệt thân, đừng đi ô tô làm khổ người khác. Nếu không có tiền thì ở nhà! Và đôi khi cũng nên biết nói không với một số lời mời...

Vậy thôi!