Cho vay nặng lãi hơn 18 tỷ đồng, quay clip làm bằng chứng sẽ bị xử lý ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Như Báo ANTĐ đã đưa tin, mới đây, CAQ Hà Đông, Hà Nội đã bóc gỡ ổ nhóm cho 300 người vay lãi nặng 18 tỷ đồng. Điều đáng nói là khi cho vay, nhóm đối tượng không chỉ ghi sổ sách mà còn dùng điện thoại quay clip, yêu cầu bên vay nói rõ tên tuổi, địa chỉ, số tiền vay và ngày trả nợ.

Lực lượng tuần tra CAQ Hà Đông đã phát hiện và bắt quả tang nhóm đối tượng đang thực hiện hành vi xịt sơn vào cửa, gây áp lực mục đích đòi nợ gia đình chị Nguyễn, ở phường Quang Trung, quận Hà Đông.

Nhóm đối tượng này làm thuê cho Vũ Văn Dũng (SN 1982, thường trú tại phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng), được Dũng chỉ đạo đến nhà chị Nguyễn để đòi nợ. Chúng tổ chức hoạt động kinh doanh tài chính bằng hình thức đăng tin quảng cáo trên mạng xã hội.

Kết quả xác minh ban đầu cho thấy, Dũng đã cho khoảng 300 khách vay tiền, với số tiền cho vay khoảng 18 tỷ đồng (người vay thấp nhất 5 triệu đồng, người cao nhất 50 triệu đồng).

Đối tượng cầm đầu Vũ Văn Dũng

Đối tượng cầm đầu Vũ Văn Dũng

Hiện CQĐT CAQ Hà Đông đã khởi tố bị can, tạm giam đối với Vũ Văn Dũng và đồng bọn (Nguyễn Trung Sơn (SN 1996, trú ở phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai); Văn Tuấn Châu (SN 1999, trú ở phường Mai Động, Hoàng Mai); Nguyễn Trần Đức Quang (SN 2003, trú ở Nhật Tân, Tây Hồ,); Nguyễn Phương Trung (SN 1986, quê quán Yên Thế, Bắc Giang) về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Dưới góc độ pháp lý, theo Luật sư Nguyễn Đào Tơ – Trưởng VPLS Hoàng Huy, Điều 201 BLHS 2015 nêu rõ, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS, thu lợi bất chính từ 30 - dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Phạm tội mà thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu - 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.

Về hành vi yêu cầu người vay phải tự nói tên tuổi địa chỉ và số tiền cần vay để quay video bằng điện thoại di động và viết giấy vay tiền làm căn cứ đi đòi nợ, Luật sư Nguyễn Đào Tơ phân tích, Điều 32 BLDS 2015 đã quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Tuy nhiên, cần đánh giá chính xác mục đích của những đối tượng này khi yêu cầu "con nợ" quay video mới xác định được trách nhiệm của từng cá nhân.

Trường hợp bên cho vay sử dụng hình ảnh của "con nợ" đăng, phát ảnh của họ làm sức ép để đòi nợ mà không được sự đồng ý của những "con nợ" có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý theo Điểm e Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông tần số vô tuyến điện với mức xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Nếu những đối tượng cho vay nặng lãi sử dụng hình ảnh của "con nợ" nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của "con nợ" thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm g Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020 với mức xử phạt như trên.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Đào Tơ, trường hợp những "con nợ" cố ý đăng tải hình ảnh, video gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS 2015 sửa đổi với mức phạt tù cao nhất là 5 năm.